Cảnh báo mật ong vẫn có thể bị hỏng

authorVân Thảo 08:39 17/07/2022

(VietQ.vn) - Trên thực tế, mật ong có thể để được lâu nhưng không hề “vĩnh cửu” như trong tưởng tượng và vẫn có thể bị hỏng bởi nhiễm bẩn và bảo quản không đúng cách.

Mật ong là một trong những chất ngọt lâu đời nhất được con người sử dụng, được ghi nhận là có từ 5500 năm trước Công nguyên và cũng được biết đến với đặc tính “không bao giờ bị hỏng”. Một trong những câu chuyện nổi tiếng của nó là về những lọ mật ong được khai quật trong các ngôi mộ Ai Cập cổ đại vẫn giữ được hương vị và có thể sử dụng. 

Trên thực tế, mật ong đúng là có thể để được lâu nhưng không hề “vĩnh cửu” như tưởng tượng và vẫn có thể bị hỏng bởi nhiễm bẩn, bảo quản không đúng cách.

Có thể bị nhiễm bẩn

Các vi sinh vật tự nhiên có trong mật ong bao gồm vi khuẩn, nấm men và nấm mốc. Chúng có thể đến từ phấn hoa, đường tiêu hóa của ong, bụi, không khí và hoa. Do đặc tính kháng khuẩn của mật ong, những sinh vật này thường chỉ được tìm thấy với số lượng rất nhỏ và không có khả năng sinh sôi. Tuy nhiên điều này không có nghĩa chúng vô hại với con người.

Bào tử của độc số thần kinh C. Botulinum được tìm thấy trong 5 – 15% mẫu mật ong với số lượng rất nhỏ. Tuy vô hại với người lớn nhưng với trẻ sơ sinh dưới một tuổi, trong một số trường hợp, chất này có thể dẫn tới ngộ độ, gây tổn thương hệ thần kinh, tê liệt và suy hô hấp. Vậy nên mật ong hoàn toàn không thích hợp với lứa tuổi này.

 Mật ong vẫn có thể bị hỏng do nhiều tác nhân. Ảnh: Healthline

Có thể chứa các hợp chất độc hại

Khi ong thu nhập mật từ một số loại hoa, độc tố thực vật có thể được chuyển vào mật ong. Một ví dụ nổi tiếng về điều này là “mật ong điên”, do có chứa độc tố grayanotoxins trong mật hoa từ cây Rhododendron ponticum và cây Azalea pontica. Mật ong sản xuất từ những loại cây này có thể gây chóng mặt, buồn nôn và các vấn đề về nhịp tim hoặc huyết áp.

Ngoài ra, trong mật ong còn chứa chất được gọi là  hydroxymethylfurfural (HMF) được tạo ra trong quá trình chế biến và lão hóa. Một số nghiên cứu phát hiện ra tác động tiêu cực của chất này tới sức khỏe như tổn thương tế bào và DNA. Vậy nên các chuyên gia khuyến cáo rằng mật ong thành phẩm không được phép chứa quá 40 mg HMF trong mỗi kg.

Có thể bị làm giả 

Mật ong là loại thực phẩm đắt tiền, tốn nhiều thời gian để sản xuất. Vậy nên nó trở thành mục tiêu của các hoạt động làm giả, làm nhái trong nhiều năm. Để giảm giá thành sản xuất, trong quá trình nuôi dưỡng, ong có thể được cho ăn bằng xiro đường từ ngô, mía hoặc xiro đường có thể thêm trực tiếp vào trong mật ong thành phẩm.

Ngoài ra, để tăng tốc độ chế biến, mật ong có thể được thu hoạch trước hạn từ đó dẫn đến hàm lượng nước cao hơn và không an toàn. Thông thường, ong dự trữ mật trong tổ và khử nước để mật ong chứa ít hơn 18% nước. Khi bị thu hoạch sớm, hàm lượng nước có thể lên tới trên 25% và điều này có thể dẫn tới nguy cơ lên men, giảm mùi vị.

Bảo quản không đúng cách

Nếu không được bảo quản đúng cách mật ong có thể bị mất một số đặc tính kháng khuẩn, bị nhiễm khuẩn và bắt đầu biến chất. Khi bị mở hoặc đậy kín không đúng cách, hàm lượng nước sẽ bắt đầu tăng lên đến trên mức an toàn là 18%, từ đó nguy cơ lên men sẽ tăng lên.

Ngoài ra, các lọ, hộp chứa hở còn có thể khiến mật ong bị nhiễm vi khuẩn từ môi trường xung quanh. Những vi khuẩn này có thể sinh sôi nảy nở nếu hàm lượng nước trong mật ong trở nên quá cao. Đun nóng mật ong ở nhiệt độ cao cũng có thể có những tác động tiêu cực do làm tăng tốc độ phân hủy màu sắc và hương bị cũng như làm tăng hàm lượng chất HMF có trong mật ong.

Có thể vón cục và giảm hương vị theo thời gian

Ngay cả khi được bảo quản đúng cách thì mật ong vẫn có thể vón cục. Bởi trong mật ong chứa nhiều đường hơn mức có thể hòa tan được và quá trình kết tinh thành cục này có thể gây ra một số thay đổi.

Mật ong vón cục trở nên trắng hơn và có màu nhạt hơn, đục hơn thay vì trong và có thể có hạt. Khi này, mật ong vẫn có thể sử dụng. Tuy nhiên, nước được giải phóng trong quá trình kết tinh vẫn có thể làm tăng nguy cơ lên men. Ngoài ra, mật ong bảo quản lâu ngày có thể bị sẫm màu và dần mất đi mùi thơm cũng như hương vị.

Vân Thảo (Theo Healthline)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang