Cảnh báo tình trạng ngộ độc thuốc diệt cỏ Glufosinate

author 20:42 16/04/2024

(VietQ.vn) - Thời gian gần đây nhiều trường hợp bị ngộ độc thuốc trừ cỏ Glufosinate. Đây là một loại hóa chất thường được dùng trong nông nghiệp, khi ngộ độc sẽ gây ra rất nhiều các triệu chứng ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp, tim mạch.

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng, đơn vị này vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân bị ngộ độc do uống nhầm thuốc diệt cỏ. 

Khai thác thông tin được biết, nam bệnh nhân, 59 tuổi ở Kiến Thụy, Hải Phòng uống rượu sau đó uống nhầm 50 ml thuốc diệt cỏ khai hoang Q7. Sau vài giờ, người bệnh đại tiện phân lỏng nhiều lần, mệt mỏi được người nhà đưa vào Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng.

Qua thăm khám, cận lâm sàng cần thiết bác sĩ chẩn đoán người bệnh ngộ độc thuốc trừ cỏ Glufosinate, nhanh chóng tiến hành loại bỏ chất độc ra ngoài, rửa dạ dày, bơm than hoạt đào thải chất độc. Tuy nhiên, bệnh nhân tiến triển tình trạng nhiễm toan chuyển hóa; rối loạn điện giải; điện não đồ xuất hiện kịch phát sóng nhọn không đặc hiệu; nồng độ amoniac máu tăng cao (bệnh cảnh của ngộ độc Glufosinate). Tại khoa Hồi sức tích cực, người bệnh được điều trị tích cực, đúng phác đồ, bệnh nhân tỉnh táo, các xét nghiệm chức năng trở về bình thường…

 Thuốc trừ cỏ Glufosinate chứa độc tính cao có thể gây tử vong nếu ngộ độc. Ảnh minh họa

Một trường hợp tương tự liên quan tới loại thuốc diệt cỏ trên xảy ra tại An Giang. Theo đó Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang cũng đã tiếp nhận bệnh nhân T.V.P. (sinh năm 1977) trong tình trạng hôn mê sâu, ngưng thở. Các bác sĩ Khoa Cấp cứu đã tiến hành đặt nội khí quản, truyền dịch thở máy, sau đó chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực. Theo thông tin từ người nhà thì bệnh nhân đã uống khoảng 450ml thuốc diệt cỏ Glufosinat tự tử, được người nhà đưa vào Bệnh viện huyện Chợ Mới điều trị nhưng không giảm nên chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Tại đây các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực đã nhanh chóng đánh giá đây là một trường hợp ngộ độc rất nặng, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Thông tin về loại thuốc diệt cỏ này, ThS.BS. Nguyễn Minh Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cho biết, hiện nay tại Việt Nam sau khi cấm lưu hành thuốc diệt cỏ cháy Paraquat và thuốc diệt cỏ 2,4 D trên thị trường xuất hiện một loại thuốc diệt cỏ được xem là thuốc diệt cỏ cháy sinh học thế hệ mới có thành phần Glufosinate (khác với thành phần Glyphosate).

Thuốc diệt cỏ Glufosinate là một loại hóa chất thường được dùng trong nông nghiệp. Glufosinate có hiệu quả trên một quãng rộng các loại cỏ dại, hạn chế việc sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ khác nhau để diệt trừ cỏ dại. Khả năng diệt cỏ độc đáo này giúp chúng có thể luân phiên với các loại thuốc diệt cỏ khác để giảm khả năng kháng cỏ dại.

Glufosinate là một hoạt chất bảo vệ thực vật hoạt động bằng cách ức chế enzyme trung tâm trong chuyển hóa thực vật. Thực vật hấp thu chất này chủ yếu thông qua lá và các bộ phận màu xanh của chúng. Glufosinate là thuốc diệt cỏ tiếp xúc và nó chỉ có hiệu quả khi tiếp xúc với cỏ. Điều này cho phép nó kiểm soát cỏ dại mà không ảnh hưởng đến bộ rễ hoặc yêu cầu làm đất trước khi phun diệt trừ, giúp dễ canh tác tại các khu vực dễ xói mòn như sườn dốc.

Các biểu hiện ngộ độc của Glufosinate thì không được biết rõ sẽ xuất hiện cấp tính tại thời điểm ngộ độc hay ảnh hưởng thứ phát sau vài ngày. Biểu hiện quan trọng chính là tác động lên thần kinh dẫn tới gây trở ngại đến hô hấp và cuối cùng là quá trình giao oxy đến các cơ quan, làm tổn thương chức năng tế bào. Hạ huyết áp cũng gây suy yếu tưới máu mô và nếu không điều chỉnh sẽ dẫn tới sốc. Không thể điều chỉnh những bất thường này có thể dẫn tới không thể phục hồi được độc tính tế bào và gây tử vong.

Do đó người dân nên sắp xếp hợp lý nơi chứa đựng các loại thuốc, hoá chất nông dược, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi bị phơi nhiễm, ngộ độc thuốc trừ cỏ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại các di chứng gây tổn hại sức khỏe.

Quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép và bị cấm sử dụng tại Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT ngày 24/10/2023 quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam và danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

Theo đó, Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam gồm 1.820 hoạt chất, trong đó thuốc sử dụng trong nông nghiệp gồm: Thuốc trừ sâu là 712 hoạt chất với 1.725 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh là 683 hoạt chất với 1.561 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ là 260 hoạt chất với 791 tên thương phẩm; thuốc trừ chuột là 08 hoạt chất với 43 tên thương phẩm; thuốc điều hoà sinh trưởng là 60 hoạt chất với 178 tên thương phẩm, chất dẫn dụ côn trùng là 08 hoạt chất với 08 tên thương phẩm; thuốc trừ ốc là 31 hoạt chất với 152 tên thương phẩm, chất hỗ trợ (chất trải) là 05 hoạt chất với 06 tên thương phẩm.

Thuốc trừ mối là 16 hoạt chất với 23 tên thương phẩm; thuốc bảo quản lâm sản là 07 hoạt chất với 08 tên thương phẩm; thuốc khử trùng kho là 03 hoạt chất với 09 tên thương phẩm.

Thuốc sử dụng cho sân golf gồm thuốc trừ bệnh là 02 hoạt chất với 02 tên thương phẩm; thuốc trừ cỏ là 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm; thuốc điều hoà sinh trưởng là 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.

Thuốc xử lý hạt giống gồm thuốc trừ sâu là 10 hoạt chất với 16 tên thương phẩm; thuốc trừ bệnh là 12 hoạt chất với 12 tên thương phẩm; thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch gồm 01 hoạt chất với 01 tên thương phẩm.

Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT quy định danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam gồm 31 hoạt chất, trong đó thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản là 23 hoạt chất; thuốc trừ bệnh là 06 hoạt chất; thuốc trừ chuột là 01 hoạt chất, thuốc trừ cỏ là 01 hoạt chất.

Thông tư số 09/2023/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 08/12/2023.

An Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang