Cảnh giác nội dung độc hại trong smartphone của con cái

author 06:13 21/03/2022

(VietQ.vn) - Việc phụ huynh cho trẻ một chiếc smartphone để thỏa thích tìm tòi hiện đã không còn hiếm, nhưng đằng sau đó là những rủi ro khó lường khiến ta cần phải cảnh giác.

Một nghiên cứu của Common Sense Media năm 2019 cho thấy khoảng 69% trẻ em từ 12 tuổi đã sở hữu điện thoại thông minh, con số này vào năm 2015 chỉ là 41%, trẻ ở độ tuổi từ 10 tuổi đã được dùng smartphone là 36% (năm 2015 chỉ là 19%).

Ngày nay, điện thoại thông minh hay máy tính bảng đã không còn quá xa lạ, đặc biệt là với trẻ nhỏ. Các bậc phụ huynh đã tận dụng smartphone để làm công cụ dỗ dành con, dụ con ăn, hoặc để rảnh tay làm các công việc khác. Việc đưa smartphone cho trẻ giải trí dần trở thành thói quen của không ít bậc cha mẹ, tuy nhiên điều này gây ra nhiều tác hại cho trẻ hơn mọi người vẫn tưởng.

Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu về tác hại của thiết bị điện tử đối với trẻ, nhưng có vẻ vẫn chưa đủ để cảnh báo tới các bậc phụ huynh bởi độ tuổi nghiện smartphone đang ngày càng trẻ hóa.

Trẻ em thường được người lớn đưa smartphone để im lặng xem video. 

Không riêng tại Việt Nam, xu hướng học tập trực tuyến do đại dịch đã phần nào thúc đẩy việc phụ huynh phải sớm trang bị cho trẻ em một chiếc smartphone hoặc tablet để truy cập vào mạng.

Cần tạo ra 'hệ miễn dịch' cho trẻ nhỏ

Nhà báo, nhà văn Hoàng Anh Tú cho biết, định hướng cho các con của mình hạn chế tiếp xúc với smartphone và mạng xã hội từ khi con nhỏ. Anh cũng từng có nhiều bài viết cảnh báo các phụ huynh hiện nay cho con sử dụng các thiết bị thông minh quá sớm và quá tự do, điều đó có hại cho sức khỏe và tâm lý của trẻ.

Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 xuất hiện, mọi hoạt động dần chuyển hướng online và mạng xã hội đã phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Các con học trực tuyến, bố mẹ họp online, các đồ dùng thiết yếu, thực phẩm đều có thể đặt hàng trên mạng và được giao tại nhà. Nhà báo Hoàng Anh Tú cũng như nhiều người đã chấp chấp nhận một sự thật rằng các con cần smartphone và mạng xã hội để có thể theo kịp đà phát triển của xã hội.

Tuy nhiên ngoài thời gian học tập, rất khó để quản lý con cái sẽ truy cập vào những nội dung gì trên nền tảng internet vốn không ít nội dung cám dỗ và độc hại. Trường hợp mới đây một phụ huynh cảnh báo đến các gia đình có con nhỏ khác khi giao chiếc điện thoại đến cho trẻ là một lời cảnh tỉnh.

Vậy làm sao để định hướng trẻ sử dụng thiết bị như mong muốn của mình. Có khá nhiều xu hướng khác nhau trong việc nuôi dạy con và sự thoải mái trong việc cho trẻ chiếc smartphone.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) từng chia sẻ rằng, phụ huynh thường cấm đoán con không được xem cái này, cái kia mà không giúp con hiểu vì sao không nên xem. Họ lo lắng cho con nên đã xây một bức tường thép bao quanh con bằng những lệnh cấm, trong khi đó, họ nên đóng vai trò là một hàng rào bảo vệ con thì hơn.

Theo ông Nam, cần sự chung tay của cả cộng đồng để giáo dục cho con trẻ biết thông tin nào là xấu, thông tin nào là có lợi.

“Trước tiên, chúng ta phải tăng cường kỹ năng cho các bậc phụ huynh để rèn cho trẻ con. Việc dùng kỹ thuật để kiểm soát con chỉ được một thời gian thôi. Nếu kiểm soát chặt quá lại ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ - con cái. Giải pháp khuyến nghị là cha mẹ phải đồng hành với con để con chia sẻ những vấn đề gặp phải trên không gian mạng,” ông nói.

Ông Nam cho rằng mục đích chính trong tất cả các chiêu trò trên mạng là kiếm tiền. Do đó, rất cần những biện pháp cứng rắn hơn, những chế tài cụ thể hơn.

“Thế giới 4.0 này thay đổi cực kỳ nhanh. Vì vậy, pháp luật đôi khi cũng có những độ trễ nhất định. Do đó, cần áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp, đặc biệt là giáo dục, truyền thông. Các nhà sư phạm, các chuyên gia tâm lý trẻ em, các nhà quản lý, uỷ ban bảo vệ chăm sóc phụ nữ-trẻ em, hội bảo vệ trẻ em… cũng phải vào cuộc”.

Cần sự chung tay của cả cộng đồng để giáo dục cho con trẻ biết thông tin nào là xấu, thông tin nào là có lợi. 

Một số khuyến nghị đến với các bậc phụ huynh về vấn đề cho trẻ dùng thiết bị điện tử để truy cập internet

- Một trong những điều quan trọng mà cha mẹ làm với con mình là trò chuyện cởi mở về trách nhiệm với điện thoại thông minh. Có nghĩa là thảo luận về việc cha mẹ mua smartphone cho con để làm gì, cách cha mẹ mong đợi con cái sử dụng nó và sự tin tưởng đi kèm với nó.

- Cha mẹ nên là một tấm gương trong việc sử dụng thiết bị để giúp con cái định hình cách sử dụng. Hãy thực hiện những thay đổi nhỏ, từ việc tắt điện thoại vào giờ ăn, đặt smartphone sang một bên khi đến thăm bạn bè và gia đình...

- Điện thoại thông minh vừa là công cụ đắc lực cho việc học trực tuyến, nhưng cũng là nguyên nhân chính gây mất tập trung. Có nhiều trường hợp giáo viên cho biết trẻ thậm chí còn chơi game trên chính chiếc smartphone đang dùng để học trực tuyến. Chính vì vậy, phụ huynh cần tìm và đảm bảo máy của trẻ có những bộ lọc nội dung phù hợp cho con mình. Với trẻ dưới 10 tuổi, vẫn cần giám sát xem trẻ đang mở ứng dụng gì trên smartphone.

Sau cùng, điều quan trọng là cha mẹ nên đánh giá khi nào con trẻ cần sử dụng smartphone. Với một thiết bị công nghệ, cha mẹ nên là một người bạn tâm giao, biết lắng nghe, trao đổi và thấu hiểu tâm lý thích tìm tòi khám phá của trẻ đến với thế giới nhằm tránh những sa đà vào những góc tối trên internet.

Ngọc Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang