Cảnh sát điều tra tội phạm chỉ rõ những nguyên nhân phát sinh tội phạm lĩnh vực ngân hàng

author 19:29 25/07/2017

Ngày 25/7, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị “Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh”.

Ảnh minh họa

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm ở lĩnh vực ngân hàng xuất phát từ việc bố trí người không đủ trình độ, người thân trong gia đình vào làm việc trong hệ thống ngân hàng.

Theo Thượng tá Vũ Như Hà - Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an Thành phố Hồ Chí Minh: Việc bố trí cán bộ ngân hàng không đủ trình độ và người thân trong gia đình vào làm việc tại các bộ phận tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt cho vay, kiểm tra việc sử dụng vốn vay dẫn đến các cán bộ này không đủ năng lực đảm bảo yêu cầu công tác, không chủ động trong công việc mà chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên. Điều này làm phát sinh tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, một số cán bộ ngân hàng bị thoái hóa biến chất, lợi dụng việc được giao quản lý tài sản Nhà nước, của đơn vị đã dùng các thủ đoạn nghiệp vụ về kế toán, tài chính, cố ý làm trái các quy định để rút tiền Nhà nước sử dụng cho mục đích cá nhân.

Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Quỳnh Lan - Phó trưởng Phòng 3, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc cán bộ quản lý thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, không thường xuyên kiểm tra giám sát đã dẫn đến các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.

Điển hình như vụ án Nguyễn Thanh Nhàn, nhân viên Phòng kế hoạch nguồn vốn của Ngân hàng Agribank Chi nhánh Bình Thạnh, lợi dụng việc quản lý lỏng lẻo của Ban Giám đốc, Ban Quản lý hệ thống ATM, trong khi cấp tiền cho ATM, Nhàn đã lấy trộm hơn 20 tỷ đồng. Sự việc này diễn ra đến 2 năm mới bị phát hiện.

Hoặc như vụ án Nguyễn Văn Tường, nhân viên giao dịch tín dụng của Ngân hàng VIB đã dùng cả mã người dùng và mật khẩu của Giám đốc Phòng giao dịch Tân Phú phê duyệt giải ngân số tiền hơn 5,3 tỷ đồng rồi chiếm đoạt 4 tỷ đồng.

Các đại biểu dự hội nghị cho rằng, trong thời gian tới, công tác phòng ngừa và xử lý tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tại Thành phố Hồ chí Minh cần được các cơ quan chức năng, cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt quan tâm nhằm đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này; trong đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động ngân hàng; nâng cao công tác phối hợp liên ngành; đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền pháp luật; đảm bảo vai trò độc lập của Ban kiểm soát nội bộ trong từng ngân hàng.

Ngoài ra, đại diện PC46 Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần bổ sung vào Điều 206 Bộ luật hình sự 2015 (Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng) quy định khởi tố cả các hành vi khác hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Bnews

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang