Câu chuyện Big C và khát vọng làm chủ 'sân nhà' của doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

author 10:50 09/07/2019

(VietQ.vn) - Từ câu chuyện Big C ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam, Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) cho rằng doanh nghiệp Việt phải hoàn thiện hơn về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá thành… để giữ chân người tiêu dùng.

Mới đây, Tập đoàn Central Group thông báo về việc ngừng nhập hàng dệt may của Việt Nam tại hệ thống siêu thị Big C với lý do “tái cấu trúc ngành hàng”. Doanh nghiệp trong nước, người tiêu dùng bày tỏ sự bất ngờ về quyết định từ phía Big C.

Chất lượng Việt Nam Online (Vietq.vn) đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) để nhìn nhận rõ vấn đề này.

Liên quan đến việc Tập đoàn Central Group - chủ sở hữu Big C bất ngờ thông báo ngừng nhập hàng dệt may của Việt Nam, không chỉ doanh nghiệp mà dư luận cũng có những ý kiến trái chiều. Bà bình luận như thế nào về sự việc này?

Theo tôi, mọi người nên có cách nhìn nhận thấu đáo, chính xác và khách quan về việc Big C ngừng nhập hàng Việt Nam tại hệ thống bán lẻ của mình.

Trên thực tế, nguồn cung cho các nhà bán lẻ lớn (cả Việt Nam lẫn FDI) phần lớn là hàng Việt Nam (từ 60 đến 90%). Cũng theo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hầu như không có nhà bán lẻ FDI lớn nào chỉ kinh doanh mặt hàng của nước mình, hoặc nhập mà không chú trọng hàng hóa của nước sở tại – nơi họ đầu tư.

Hơn nữa, các nhà bán lẻ không chỉ bán hàng của các nước chủ sở hữu của hệ thống bán lẻ mà họ phải bán cả các hàng hóa của quốc gia đang là thị trường sở tại. Thậm chí, hàng nội địa còn luôn có tỉ lệ cao hơn so với hàng của nước chủ sở hữu hoặc hàng nhập. Bởi đây không phải chỉ là ý muốn chủ quan của doanh nghiệp bán lẻ mà còn do yêu cầu khách quan của thị trường, cụ thể là nhu cầu của người tiêu dùng.

 Tiến sỹ Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR).

 

Theo nghiên cứu của chúng tôi, cùng với các hệ thống bán lẻ Việt hàng đầu như: SaigonCoop, Vincommerce… với tỉ lệ hàng Việt trên 90% không chỉ có Big C mà còn có hệ thống các nhà bán lẻ nước ngoài khác như AEON, Lotte… tỉ lệ hàng Việt trong các hệ thống bán lẻ này vẫn cao hơn so với tỉ lệ hàng ngoại nhập.

Bên cạnh đó, chúng ta cần có cái nhìn khách quan, trong những năm qua, siêu thị Big C và Central Việt Nam cũng đã có những hành động cụ thể trong việc hỗ trợ hàng hóa Việt Nam như: ưu tiên cho hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có mặt trong các gian hàng của Big C; hỗ trợ và giúp đỡ các nhà cung cấp nhỏ về đóng gói, bao bì, giới thiệu hàng hóa và tìm nguồn tài chính…

Vậy theo bà, sau câu chuyện của Big C, doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự làm chủ “sân nhà” trong cuộc cạnh tranh giành thị phần phân phối hàng hóa trên thị trường nội địa hiện nay?

Hiện nay, thị trường bán lẻ Việt có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp Việt trong nước vẫn chiếm số lượng lớn. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, sự vươn lên của các doanh nghiệp, hệ thống cửa hàng được mở rộng; chất lượng dịch vụ không ngừng được cải thiện.

Những năm gần đây, người tiêu dùng cũng đã có ý thức trong việc sử dụng hàng nội địa theo tinh thần “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt phải hoàn thiện hơn cả về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giá thành… thì mới chiếm được niềm tin của người dùng một cách bền vững.

Việt Nam đã ký kết hàng loạt các hiệp định như: FTA, CPTPP… trong đó nhiều mặt hàng xuất khẩu sẽ được đánh thuế 0%. Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với doanh nghiệp Việt. Vậy theo bà, các doanh nghiệp cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác?

Thực tế, ngay khi Việt Nam gia nhập WTO, những vấn đề trên đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ khá kỹ. Tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận ở 3 khía cạnh.

Thứ nhất, đối với doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam phải nhất quán việc phục vụ người tiêu dùng, lấy khách hàng làm trung tâm. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ phải nâng cao năng lực, đổi mới mô hình, cách thức hành động của mình nhằm đáp ứng xu thế mới.

Hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ cũng có những khó khăn như: mô hình nhỏ, phát triển sau, nguồn lực tài chính bị hạn chế. Mặt khác, dù có những bước phát triển nhưng bán lẻ Việt Nam vẫn phải đối mặt với những vấn đề như: chất lượng nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp chưa cao, logictics cho bán lẻ vẫn còn yếu kém, chi phí cao cho hệ thống ko bãi, vận tải, làm giá hàng hóa tăng ảnh hưởng tới sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp bán lẻ thấp, trong khi đây là thế mạnh của doanh nghiệp nước ngoài. Theo tôi, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong bán lẻ là một đòi hỏi cấp bách đối với các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Thứ hai, đối với doanh nghiệp trong nước để cạnh tranh thành công với doanh nghiệp nước ngoài thì việc nỗ lực là điều cần thiết. Bên cạnh đó,  Các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cũng cần phải thay đổi tư duy, thay đổi cách thức, ứng dụng công nghệ hiện đại để sao cho chất lượng sản phẩm được nâng cao, giá thành hợp lý, mẫu mã đa dạng, tạo được niềm tin của người tiêu dùng nội địa. Hàng hóa tốt, hệ thống phân phối tốt thì chúng ta mới thành công được.

Thứ ba, sau khi Việt Nam kí hàng loạt các FTA thế hệ mới, các mặt hàng ở những quốc gia khác sẽ tràn vào Việt Nam.

Khi thuế quan về 0%, với một thị trường hơn 95 triệu dân chắc chắn sẽ thu hút doanh nghiệp nước ngoài. Dù doanh nghiệp nước ngoài đưa hàng hóa vào Việt Nam bao nhiêu? Phải phụ thuộc vào sự tính toán rủi ro của họ. Tuy nhiên, chúng ta chắc chắn sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt. Để cạnh tranh tốt nhất, doanh nghiệp trong nước phải tự hoàn thiện mình, cải thiện chất lượng sản phẩm, mẫu mã, giá thành để nâng cao vị thế của mình.

Xin cảm ơn bà về những chia sẻ trên!

Thúy Ngân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang