Sau 'gáo nước lạnh' từ Big C: Doanh nghiệp Việt nên ‘soi’ lại mình?

author 15:11 05/07/2019

(VietQ.vn) - Sau vụ Big C không nhập hàng may mặc Việt Nam, giới chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt nên "soi" lại mình, nâng cao chất lượng sản phẩm để không “thua” trên chính sân nhà.

Sự kiện: Doanh nghiệp

Đến khi nào Big C sẽ nhập lại hàng Việt?

Mới đây, Big C bất ngờ thông báo tạm ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam. Động thái này khiến giới doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước vô cùng bất ngờ. Về phía Bộ Công thương, chiều ngày 4/7, đơn vị đã có buổi làm việc với tập đoàn Central Group, đơn vị sở hữu siêu thị Big C. Theo đó, phía Central Group cho biết sẽ mở đơn hàng cho 50 doanh nghiệp trong số 200 doanh nghiệp cung ứng hàng mặc cho Big C.

 Big C bất ngờ thông báo tạm ngừng nhập hàng dệt may Việt Nam. Ảnh minh họa

Trong vòng 2 tuần tới có thể thêm 100 nhà cung cấp tiếp tục được mở đơn hàng. Số còn lại tập đoàn sẽ phải làm việc kỹ hơn vì nhiều doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng quy định và cam kết theo hợp đồng.

Doanh nghiệp Việt nên nhìn lại mình sau "gáo nước lạnh" từ Big C

Bình luận về việc Big C ngừng nhập hàng may mặc của Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc kiêm Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay, Central quyết định thế nào là việc của họ, cần tôn trọng. “Họ có thể biến Big C thành một chuỗi siêu thị Thái ở Việt Nam giống như các chuỗi siêu thị của Nhật, Hàn ở Việt Nam. Và khách hàng của họ cũng sẽ thay đổi theo. Tất nhiên, về kết quả kinh doanh thế nào họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Nếu muốn Big C bán hàng Việt tại sao không bỏ 1 tỷ USD mua Big C 3 năm trước", ông nói.

Ở góc độ doanh nghiệp Việt, theo ông Thành, khi Big C tạt "gáo nước lạnh” thì phải tự cố gắng cả về chất lượng lẫn giá thành cũng như làm chủ kênh phân phối. "Central Group đã bỏ ra gần 1 tỷ USD để làm điều này khi AEC sắp có hiệu lực. Và giờ đây họ có toàn quyền hái quả. Nếu doanh nghiệp Việt muốn như vậy ngày hôm nay sao không làm như thế những năm trước? Thị trường luôn khắc nghiệt như vậy nhưng nó luôn công bằng", ông Thành nói. 

Chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội. Ảnh Hán Hiển

Cũng bình luận về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Vũ Vĩnh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, để không bị thua cuộc trên sân nhà, doanh nghiệp phải tự mình nâng cao chất lượng. “Chúng ta phải phát triển doanh nghiệp Việt, làm chủ sân nhà, không để doanh nghiệp nước ngoài chiếm 50%. Mất phân phối thì mất sản xuất; là hàng Việt nhưng không có chỗ đứng là doanh nghiệp chúng ta sẽ chết”, ông Phú nói.

Trước đó, vào tối ngày 2/7, Tập đoàn Central Group bất ngờ gửi thư thông báo đến 200 đối tác cung cấp ngành hàng may mặc cho biết sẽ tạm ngừng việc mua hàng với thời gian có thể kéo dài trong 2 tuần hoặc lâu hơn. Sau đó, nhiều chủ doanh nghiệp, người lao động tập trung tại văn phòng Central Group, dương biểu ngữ phản đối chính sách ngưng nhập hàng bất ngờ của Big C. Đại diện Central Group sau đó lên tiếng trấn an về kế hoạch tái cấu trúc lại ngành hàng may mặc của siêu thị, kì vọng ra mắt sản phẩm mới và nâng cấp chất lượng sản phẩm.

 Thảo Nguyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang