Chặn đứng 400 đôi dép nhựa nhập lậu, sữa bột không có nhãn phụ bằng tiếng Việt

author 14:20 06/09/2021

(VietQ.vn) - Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trương (QLTT) tỉnh Tuyên Quang vừa tạm giữ hàng trăm sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Tuyên Quang, thời gian qua Đội QLTT số 2 nói riêng và toàn bộ lực lượng QLTT Tuyên Quang nói chung vẫn luôn đảm bảo số lượng cán bộ công chức vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn (kiểm tra, kiểm soát thị trường) vừa tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, lực lượng QLTT đã kịp thời phát hiện nhiều hàng hóa được vận chuyển lậu qua địa bàn. 

 Nhiều hàng hóa không rõ nguồn gốc bị tịch thu tại Tuyên Quang. Ảnh: Cục QLTT Tuyên Quang

Cụ thể, Đội QLTT số 2 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Hàm Yên và Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Yên (Km29) thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tuyên Quang dừng kiểm tra một xe tải biển kiểm soát tỉnh Phú Thọ lưu thông trên Quốc lộ 2 hướng từ Tuyên Quang đi Hà Giang qua địa bàn huyện Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang).

Tiến hành khám phương tiện theo quy định, Đoàn kiểm tra phát hiện lô hàng hóa gồm 400 đôi dép nhựa quai chéo, 110 ô che nắng, mưa các loại do nước ngoài sản xuất.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng hóa (lái xe) đã không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên. Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ số hàng hóa vi phạm để xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cũng trong công tác ngăn chặn hàng hóa vi phạm trên địa bàn, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT Lạng Sơn phối hợp với Đội QLTT số 6 đã tiến hành kiểm tra cơ sở kinh doanh mặt hàng sữa hộp tại cửa hàng số 55, đường Chi Lăng - Thị trấn Hữu Lũng - Huyện Hữu Lũng - Tỉnh Lạng Sơn. Do bà Đỗ Thị Minh Trang là chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 24 hộp sữa bột do nước ngoài sản xuất có hóa đơn chứng từ nhập khẩu hợp pháp có nhãn là tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết bán tại cửa hàng là 9.120.000, đồng. Đồng thời, phát hiện 12 mặt hàng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng nhập khẩu hợp pháp. Trị giá tang vật theo giá niêm yết bán tại cửa hàng là 19.505.000, đồng. Đội QLTT số 4 đã ra Quyết định xử phạt với tổng số tiền xử phạt là: 11.250.000đ và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên.

Liên quan tới hành vi, vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, trước đó ngày 26/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đó, “hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” được xác định là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của HH bao gồm thông tin được thể hiện trên: Nhãn, bao bì, tài liệu kèm theo hàng hóa; Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan.

Giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Cá nhân thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 ngàn đồng đến 50 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng hóa vi phạm. (Hiện hành, mức phạt tiền đối với hành vi trên cao nhất là 40 triệu đồng tùy giá trị hàng hóa vi phạm). Nghị định 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/10/2020.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang