Chặn đứng nhiều hàng hóa do nước ngoài sản xuất nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam

author 16:55 24/08/2022

(VietQ.vn) - Trong quá trình kiểm tra các phương tiện vận chuyển hàng hóa lưu thông trên địa bàn lực lượng QLTT tỉnh Vĩnh Phúc đã thu giữ lượng lớn hàng hóa không rõ nguồn gốc.

Cụ thể, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 5 tiến hành khám xe ô tô tải biển kiểm soát 24C-114.75, do ông Cao Thế Anh sinh năm 1990 địa chỉ phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai điều khiển, chở lượng lớn hàng hóa không nguồn gốc khi đang dừng đỗ bốc dỡ hàng hoá tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kiểm tra xe hàng, lực lượng chức năng phát hiện lượng hàng hóa hoá gồm 2.000 chiếc ô che mưa; 240 lọ kem tẩy tế bào chết ÉAORON loại 330g; 8.750 hộp miếng vá xăm xe RUBBER PATCH; 500 chiếc bơm xe đạp HONOR; 700 chiếc bơm xe đạp PUMP; 16.000 chiếc dây phanh xe đạp, 120 chiếc máy hút chân không mini cầm tay TAILI (tổng số 28.310 sản phẩm, hàng hoá).

Toàn bộ số hàng hoá trên đều do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Lái xe không xuất trình được hoá đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hoá. Đội Quản lý thị trường số 5 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nêu trên và phương tiện vận tải, chờ xác minh, xử lý theo quy định.

 Lượng lớn hàng hóa do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Ảnh: Cục QLTT Vĩnh Phúc

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, nhãn hàng hoá phải được thể hiện trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hoá. Hàng hoá sản xuất để lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân sản xuất phải chịu trách nhiệm thực hiện ghi nhãn hàng hoá.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hoá của mình. Trong trường hợp hàng hoá xuất khẩu không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định.

Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Cũng theo quy định, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hoá tự xác định kích thước của nhãn hàng hóa, kích thước chữ và số thể hiện trên nhãn hàng hóa nhưng phải bảo đảm yêu cầu: Ghi được đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định; kích thước của chữ và số phải bảo đảm đủ để đọc bằng mắt thường và đáp ứng các yêu cầu. Hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá.

Đối với hàng hóa không xuất khẩu được hoặc bị trả lại, đưa ra lưu thông trên thị trường phải có nhãn phụ. Những hàng hóa không phải ghi nhãn phụ gồm: Linh kiện nhập khẩu để thay thế các linh kiện bị hỏng trong dịch vụ bảo hành hàng hóa của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đối với hàng hóa đó, không bán ra thị trường; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, linh kiện nhập khẩu về để sản xuất, không bán ra thị trường.

Theo quy định tại Nghị định số 80/2013/NĐ-CP tại Điều 26, vi phạm quy định về nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồngm.

Hàng hóa có nhãn (kể cả tem hoặc nhãn phụ) hoặc tài liệu kèm theo không ghi đủ hoặc ghi không đúng các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa hoặc nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn theo tính chất hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa;

Hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam.

Phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này theo mức phạt sau đây: Phạt tiền từ 300,000 đồng đến 500,000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 5,000,000 đồng đến 10,000,000 đồng;

Phạt tiền từ 500,000 đồng đến 1,000,000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 10,000,000 đồng đến 20,000,000 đồng;

Phạt tiền từ 1,000,000 đồng đến 2,000,000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 20,000,000 đồng đến 30,000,000 đồng; Nếu như hàng hóa bên bạn tổng giá trị là 25 triệu thì mức phạt tối đa sẽ là 2.000.000 đồng.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang