Chất kích thích thử nghiệm phổ biến trong thực phẩm chức năng giảm cân và thể thao

authorHương Giang 10:14 11/04/2021

(VietQ.vn) - Các nhà nghiên cứu cảnh báo tình trạng nhiều thực phẩm chức năng giảm cân, thể thao có chứa chất kích thích phổ biến không được phép dùng do gây hại cho sức khoẻ.

Các loại thực phẩm chức năng, viên uống hỗ trợ giảm cân ngày càng phổ biến. Chắc chắn không có phương pháp giảm cân nào an toàn và lành mạnh bằng việc tập thể dục cùng với một chế độ ăn uống hợp lý. Dù vậy, rất nhiều người vẫn lựa chọn uống thuốc giảm cân mặc cho những tác hại xấu tới sức khoẻ. 

Một nghiên cứu mới khi kiểm tra một số loại thực phẩm chức năng giảm cân không kê đơn đã phát hiện ra rằng chúng chứa nhiều chất kích thích kết hợp mà trước đây đã bị FDA cấm hoặc không bao giờ được chấp thuận cho con người sử dụng. Nghiên cứu dẫn đầu bởi Pieter Cohen, phó giáo sư tại Trường Y Harvard đã nghiên cứu các chất kích thích nguy hiểm được thêm vào thực phẩm chức năng bán trên thị trường trong vài năm. Nghiên cứu này ban đầu tập trung vào một số nhãn hiệu thực phẩm chức năng có chứa chất kích thích gọi là deterenol.

Khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm bổ sung alkaloid ma hoàng trong thực phẩm chức năng khoảng 15 năm trước, nhiều công ty chỉ đơn giản thay thế chất kích thích đó bằng các hóa chất khác. Deterenol là một chất kích thích thường được sử dụng thay thế mặc dù FDA không cho phép sử dụng nó trong thực phẩm chức năng.

 Các chất kích thích không có nhãn, bao gồm một loại được phát triển ban đầu vào những năm 1940 và bị cấm trong nửa thế kỷ, đã được tìm thấy trong các chất bổ sung khác nhau.

Cohen và các đồng nghiệp chỉ có thể tìm thấy một nghiên cứu từ năm 1949 về tác dụng của deterenol đường uống ở người. Không có thêm nghiên cứu nào về sự an toàn của việc sử dụng hợp chất này qua đường miệng. Trên thực tế, một nghiên cứu của Hà Lan từ năm 2013 đã phát hiện ra sự kết hợp giữa deterenol và các chất kích thích khác trong thực phẩm chức năng bán sẵn trên thị trường có thể gây buồn nôn, nôn mửa và đau tim.

17 sản phẩm bổ sung đã được phân tích trong nghiên cứu mới. Tất cả đều là deterenol hoặc một trong các loại gần với nó (isopropylnorsynephrine và isopropyloctopamine) trên nhãn thành phần. 13 trong số những chất bổ sung đó được xác nhận là có chứa deterenol, nhưng đáng lo ngại hơn là tám chất kích thích khác cũng được phát hiện với nhiều sự kết hợp khác nhau trong phần lớn các nhãn hiệu được thử nghiệm.

Phenpromethamine đã được phát hiện trong 4 trên tổng 17 sản phẩm bổ sung được phân tích. Chất kích thích đặc biệt này lần đầu tiên được phát triển vào đầu những năm 1940 dưới dạng thuốc thông mũi dạng hít là Vonedrine. Ống hít thông mũi đã bị dừng bán vào những năm 1960 và FDA đã rút lại sự chấp thuận bán trên thị trường của Vonadrine vào năm 1971. 

Có rất ít hoặc không có dữ liệu về hiệu quả, sự an toàn của phenpromethamine và nó chưa bao giờ được chấp thuận để sử dụng qua đường miệng ở bất kỳ đâu trên thế giới.

Đáng chú ý hơn nữa là 7 chất kích thích khác được tìm thấy với nhiều kết hợp khác nhau trong các chất bổ sung. Không có hợp chất nào trong số này được chấp thuận cho con người tiêu thụ và các nhà nghiên cứu sau đó đã phân loại chúng là chất kích thích thử nghiệm. Những chất này bao gồm beta-methylphenylethylamine, oxilofrine, 1 3-dimethylbutylamine, 1 3-dimethylamylamine, 1 4-dimethylamylamine, octodrine và higenamine. Tất cả 7 trong số những chất kích thích này trước đây đã được FDA nhắm đến trong một số thông báo cảnh báo và thu giữ sản phẩm.

Một nghiên cứu trước đây do Cohen và các đồng nghiệp thực hiện cho thấy, các công ty có thể phớt lờ thông báo thu hồi của FDA. Nghiên cứu cho thấy 2/3 số thực phẩm bổ sung được phân tích vẫn chứa hóa chất bị cấm trong vòng 4 năm sau khi FDA thu hồi. Cohen cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi các bác sĩ cảnh giác với khả năng bệnh nhân có thể vô tình tiếp xúc với chất kích thích thử nghiệm khi tiêu thụ các chất bổ sung giảm cân và thể thao. Chúng tôi đang nói về các chất kích thích dược phẩm hoạt động chưa được FDA Hoa Kỳ phê duyệt để sử dụng bằng đường uống dưới dạng thuốc kê đơn hoặc thực phẩm chức năng. Những thành phần này không có chỗ trong danh mục được phép cho thực phẩm chức năng”.

Hương Giang (theo: New Atlas)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang