Chất lượng là yếu tố hàng đầu đưa nông sản, thực phẩm Việt ra nước ngoài

author 15:32 14/12/2021

(VietQ.vn) - Nông sản, thực phẩm Việt chưa hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các thị trường lớn nên thường gặp khó khăn trong các đợt kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, dịch bệnh.

Sản phẩm của ngành công nghiệp sản xuất chế biến thực phẩm (CNTP) Việt Nam chưa hiện diện nhiều tại nước ngoài, thậm chí ngay cả với những thị trường Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do (FTA). Nguyên nhân chung được đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài chỉ ra là: Lạm phát, giá tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu; yêu cầu cao về an toàn vệ sinh thực phẩm và các rào cản về kỹ thuật môi trường, lao động; hệ thống các quy định về tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm phức tạp; cạnh tranh mặt hàng cùng chủng loại đến từ các nước khác; khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải tăng cao; các biện pháp phòng vệ thương mại tại nước sở tại…

Có thể thấy, hàm lượng giá trị trong đa số nông sản Việt còn thấp, do khâu chế biến, bảo quản, mẫu mã, thương hiệu... chưa được chú trọng làm tốt. Việc liên kết trong chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản còn yếu, dẫn tới tình trạng chất lượng, giá cả, tiêu thụ hàng hoá không ổn định.

Đặc biệt, việc tiếp cận nhu cầu thị trường, tìm hiểu thông tin khách hàng còn khá hạn chế. Điều này cũng cho thấy năng lực tham gia thương mại quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam còn ở mức thấp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong nước chưa hiểu biết rõ về nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng, một phần do hạn chế về năng lực tiếp cận nhưng mặt khác do sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cũng chưa trúng, chưa thiết thực với doanh nghiệp.

Chính vì thế, để nâng cao giá trị cũng như sự hiện diện nông sản, thực phẩm Việt Nam tại các thị trường XK, cần nhìn nhận và giải quyết 5 vấn đề: Kỹ thuật, kinh tế, dịch vụ, xu hướng tiêu dùng và thể chế. Nếu nhìn chế biến nông sản và thực phẩm là một loại hình dịch vụ, Việt Nam còn thiếu nhiều thị trường, như: Khoa học - công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, logistics. Chỉ khi phát triển được các thị trường, dịch vụ chế biến nông sản thực phẩm mới có điều kiện thuận lợi phát triển...

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng khâu bảo quản sau thu hoạch, thiết kế bao bì, hướng dẫn sử dụng và chỉ tiêu chất lượng sản phẩm bằng tiếng Anh như: Halal, ISO, VietGAP, GlobalGAP; nâng cao chất lượng, giữ gìn uy tín cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Hơn nữa, các cam kết về cắt giảm thuế, hạn ngạch thuế quan là cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp tận dụng được lợi thế. Do đó, các địa phương và doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, nắm bắt tốt các thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm, về dư lượng, ô nhiễm vi sinh vật. Mặt khác, để sau quả xuất khẩu vào EU, việc doanh nghiệp các chứng nhận như GlobalGAP, hay đối với ngành gỗ là chứng nhận FSC… sẽ là chìa khóa hết sức quan trọng để đi được vào thị trường này.

Bày tỏ quan điểm về giải pháp tăng giá trị XK cho sản phẩm của ngành CNTP, ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) - nhấn mạnh: Chế biến sâu, bảo hộ chặt chẽ sở hữu trí tuệ cho mặt hàng nông sản là yếu tố then chốt. Việc đăng ký bảo hộ và chỉ dẫn địa lý trong nước tương đối dễ, nhưng rất khó với thị trường nước ngoài. DN không được tư vấn, hỗ trợ từ các tổ chức chuyên nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cùng đó, đăng ký chỉ dẫn địa lý đã khó nhưng quản lý và sử dụng hiệu quả các đăng ký còn khó hơn rất nhiều. DN phải luôn nỗ lực đảm bảo các quy định về vùng trồng theo chỉ dẫn, ổn định chất lượng sản phẩm. Các địa phương nên rà soát sản phẩm đặc trưng, có danh tiếng để bảo hộ; phối hợp với cơ quan liên quan xác định thị trường trọng điểm và tiến hành đăng ký bảo hộ tại thị trường đó.

Hoài Thương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang