Tìm lời giải chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ

author 16:29 19/10/2022

(VietQ.vn) - Sau mưa bão, lũ lụt, nhiều vi sinh vật từ đất, rác, chất thải và xác động vật... trôi theo dòng nước. Vì vậy, việc thu gom chất thải và vệ sinh môi trường sau mưa lũ phải tiến hành ngay để làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật trong cộng đồng.

Đó là những vấn đề được các vị khách mời trao đổi và thảo luận tại tọa đàm “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ” do Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống tổ chức.

Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho biết: Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới những năm gần đây thời tiết cực đoan ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Nguyên nhân sâu xa do tác động của biến đổi khí hậu gây hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lũ, hạn hán lịch sử. Trong điều kiện bình thường, tỉ lệ người dân ở một số địa phương tiếp cận nước sạch còn khá thấp nên việc đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó với vấn đề sức khỏe môi trường khác trong tình huống thảm họa thiên tai là thách thức lớn của các bộ, ngành liên quan và cần được tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực trong thời gian tới.

Chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ cần được quan tâm hàng đầu

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Còn theo ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng - Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), nguồn nước và môi trường sống sau mưa lũ có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bệnh có nguy cơ gặp cao nhất là: Tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm...

Sau mưa, lũ các bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể do người dân phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn E.coli hoặc amíp...

Các bệnh phát sinh do vector truyền bệnh phát triển mạnh, điển hình là bệnh sốt xuất huyết. Nước tù đọng sau mưa, lũ chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Đau mắt đỏ cũng là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch do điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm. Ngoài ra, điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước ô nhiễm cũng khiến phát sinh một số bệnh ngoài da thường gặp sau mưa lũ như: nước ăn chân, ghẻ, chốc lở. Bên cạnh đó, người dân cũng dễ mắc các bệnh đường hô hấp (viêm họng, cảm cúm) do môi trường ẩm ướt, thường gặp ở người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp.

 

Chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ cần được quan tâm hàng đầu

 Sau khi cơn bão số 5 đổ bộ, người dân Hội An chật vật dọn nhà sau lũ.

Bàn về giải pháp quản lý, ông Nguyễn Minh Khuyến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước - Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là vùng ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng. Dự báo đến 2030 có 45% diện tích vùng ĐBSCL nguy cơ nhiễm mặn, làm giảm 9% năng suất lúa so với hiện nay. Hệ lụy của biến đổi khí hậu chúng ta có thể nhận thấy và dự báo được.

Đặt ra đối với công tác quản lý tài nguyên nước, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm sát sao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 50, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Tài nguyên nước năm 2012 nhằm xử lý các vấn đề về an ninh nguồn nước, tạo nguồn lực cho công tác bảo vệ phát triển nguồn nước. Riêng đối với đảm bảo an ninh nguồn nước, vừa qua Bộ Chính trị đã có kết luận số 36-KL/TW, trong đó nêu rõ các nội dung đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, trong đó cũng chỉ ra các nhiệm vụ hết sức cụ thể.

Điển hình, để giải quyết tình trạng lũ lụt phải tăng cường công tác tích trữ nước khi mưa lũ để cấp nước cho mùa khô, xử lý các vấn đề ô nhiễm phải đảm bảo yếu tố về quản lý chặt chẽ các cơ sở gây ô nhiễm. Ngoài ra, các quy định pháp luật để quản lý hệ thống nguồn nước do Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng quản lý cũng đi theo hướng xã hội hóa. Đặc biệt những dòng sông bị ô nhiễm cần nguồn lực của xã hội, khối tư nhân chung tay xây dựng giúp cho môi trường nước mà hàng ngày chúng ta sử dụng được an toàn và đầy đủ hơn.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý tài nguyên nước, trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này cũng có những quy định giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị, ví dụ như trữ nước mưa, làm chậm dòng chảy, tức là quản lý dòng chảy tại nguồn để quản lý, giảm thiểu được ngập lụt đô thị.

Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang