Chế biến sâu: Con đường bền vững giúp nâng cao giá trị nông sản

author 06:00 28/06/2022

(VietQ.vn) - Có một thực tế rằng hiện nay các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch. Bởi vậy, để nâng cao giá trị nông, thủy sản, việc hướng đến chế biến sâu là giải pháp tất yếu.

Hiện nay, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu trị giá trên 1 tỷ USD mỗi năm, như cà phê, gạo, rau quả, tôm, cá tra... Xuất khẩu không những kích thích tăng trưởng kinh tế, gia tăng thu nhập quốc dân mà còn giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động trong nước.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%.

Về thị trường xuất khẩu, hiện có 4 thị trường gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó 2 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian qua được duy trì tốt.

Việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chế biến sẽ làm tăng giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên có một thực tế rằng hàng hóa nông, thủy sản của Việt Nam hiện vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, xuất khẩu tiểu ngạch; kim ngạch xuất khẩu vào thị trường cao cấp còn ít; quy trình nuôi trồng, thu hoạch chưa đạt chuẩn, chế biến còn hạn chế... Cùng với đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và xung đột vũ trang Nga - Ukraine, chi phí dịch vụ, vận tải logistics tăng cao dẫn đến khó khăn doanh nghiệp, hạn chế năng lực cạnh tranh để xuất khẩu hàng hóa.

Mới đây, tại tọa đàm “Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản”, ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển nông sản vùng I (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với hầu hết các khu vực kinh tế phát triển. Đây là cơ hội để Việt Nam mở rộng phát triển thị trường, khẳng định vị thế, tiềm năng, thế mạnh ngành hàng nông, lâm, thủy sản.

Hiện cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp có cơ sở chế biến sâu. Lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản của Việt Nam là rất lớn, công suất nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến tình trạng hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt vào mùa vụ hay bị ứ đọng, máy chạy không kịp.

Do đó, ông Tú khuyến nghị doanh nghiệp cần chú trọng tập trung sản xuất sản phẩm có chất lượng. Đặc biệt, đầu tư đích đáng cơ sở chế biến, kho bãi bảo quản nông, thủy sản. Ngoài ra, doanh nghiệp nên tập trung ưu tiên chú trọng xây dựng phát triển thương hiệu, tránh tình trạng bị gian lận thương mại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần nghiên cứu tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản. 

Ông Đào Duy Tám - Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan. 

Ngoài ra, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng Cục Hải quan) cũng nhận định, trước yêu cầu ngày càng khắt khe về tiêu chuẩn, quy định chất lượng đối với hàng hóa của Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Tổng Cục Hải quan sẽ tạo điều kiện thông quan hàng hóa, nhưng cũng yêu cầu doanh nghiệp chủ động phối hợp điều tiết mùa vụ, chủ động vùng nguyên liệu trong sản xuất, đầu tư các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dư lượng thuốc và kiểm dịch thực vật.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang