Chỉ số KPI đo lường hiệu quả nâng cao năng suất chất lượng

authorPhương Nam 10:52 28/05/2017

(VietQ.vn) - Để đánh giá chính xác được hiệu quả và năng suất thì mỗi doanh nghiệp đều cần đến các chỉ số, thông số so sánh. KPI chính là một công cụ để không chỉ đánh giá mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Để đánh giá năng suất chất lượng, các doanh nghiệp vẫn thường dùng các chỉ số đo lường kết quả đầu ra đạt được. Tuy nhiên, việc đo lường các chỉ số đầu ra lại khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều chỉ số hay công cụ đưa ra thường không chính xác và việc áp dụng các công cụ này thiếu tính khách quan. Hơn hết, các kết quả đánh giá đầu ra rất quan trọng vì đây là cơ sở, tiền đề để so sánh và nâng cao năng suất chất lượng.

Chỉ số KPI luôn là cơ sở đo lường hiệu quả nhất để nâng cao năng suất chất lượng

 Chỉ số KPI luôn là cơ sở đo lường hiệu quả nhất để nâng cao năng suất chất lượng - Ảnh minh họa.

Theo ông Đinh Văn Quang, Giám đốc công ty TNHH Gia Toàn Mỹ thì các doanh nghiệp có thể áp dụng rất nhiều mô hình, công cụ hiện có để đánh giá năng suất và nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, với công ty ông, KPI vẫn đang là chỉ số, là cơ sở đo lường hiệu quả nhất để nâng cao năng suất chất lượng.

“KPI đưa ra được các thông số chính xác và mang đến doanh nghiệp chúng tôi những “chỉ số dẫn dắt” tốt nhất. Nhờ hệ đánh giá này mà chúng tôi so sánh được giá trị của sản phẩm, hiệu quả của nhân lực và hơn hết là nâng cao được năng suất. Từ đây, chất lượng hàng hóa sản phẩm cũng được đẩy mạnh hơn”, ông Quang nói.

Ông Quang đưa ra phân tích từ bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Huyền Linh, Giảng viên Đại học Kingston (Vương quốc Anh), thì “chỉ số dẫn dắt” luôn khó xác định hơn các “chỉ số thể hiện” hiệu suất, chúng được sử dụng để tiên lượng kết quả, chúng không đảm bảo một sự chắc chắn thành công.

Theo đó, các nghiên cứu và thực tiễn cho thấy việc kết hợp “chỉ số dẫn dắt” và “chỉ số thể hiện kết quả” làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một số ví dụ như sau, mục tiêu tăng sự hài lòng và động lực làm việc cho nhân viên là “chỉ số dẫn dắt” ảnh hưởng tới kết quả (chỉ số thể hiện kết quả) tăng sự hài lòng của khách hàng; quy trình hiệu suất cao (ví dụ như 6 Sigma) là “chỉ số dẫn dắt” ảnh hưởng tới kết quả tiết kiệm chi phí. Trong quá trình xây dựng hệ thống và chiến lược nâng cao hiệu suất doanh nghiệp, thực tiến cho thấy sẽ có kết quả tốt nếu như doanh nghiệp áp dụng cả “chỉ số dẫn dắt” và “chỉ số thể hiện kết quả”, bởi vì nếu thiếu “chỉ số dẫn dắt”, nhà quản lý sẽ không biết được kết quả trong tương lai, đồng thời “chỉ số dẫn dắt” cũng là một công cụ cảnh báo sớm cho doanh nghiệp trước khi kết quả sản xuất kinh doanh có chiều hướng đi xuống.

Ngược lại nếu như chỉ có “chỉ số dẫn dắt” và thiếu “chỉ số thể hiện kết quả” có thể giúp nhà quản lý cảm thấy yên tâm nhưng nó không có được sự xác nhận là kết quả kinh doanh đã tốt. Tương tự như vậy, thẻ điểm cân bằng áp dụng nguyên tắc đo đạc cân bằng giữa các “chỉ số dẫn dắt” và “chỉ số thể hiện kết quả” để đảm bảo các hành động đúng hướng tới kết quả đầu ra tốt.

Có mối quan hệ nhân quả giữa “chỉ số dẫn dắt” và “chỉ số thể hiện kết quả” và cả hai loại chỉ số này đều quan trọng trong việc hướng tới thành tích cao. Trong quá khứ người ta thường chỉ quan tâm tới “chỉ số thể hiện kết quả”, quản lý hiệu suất hiện đại ngày nay không chỉ nên tập trung vào chúng và cần chú trọng vào cả “chỉ số dẫn dắt”.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang