Chính sách ưu đãi lĩnh vực nông nghiệp phải 'song hành' với giải quyết loạt vấn đề cốt lõi!

authorNgọc Xen 09:12 25/01/2019

(VietQ.vn) - Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách nhằm ưu đãi, hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp, tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi mang tính nền tảng như: bảo vệ quyền hợp đồng, chống gian lận sở hữu trí tuệ, nhãn mác... cần phải được xử lí triệt để.

Theo báo cáo "Dòng chảy pháp luật kinh doanh" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, trong năm 2018, Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm rất lớn đến lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt, nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã được ban hành.

ƯU ĐÃI NHIỀU...

Trước tiên, rất nhiều chính sách đã được đưa ra và thể hiện trong các văn bản pháp luật tương ứng trong năm 2018 để hỗ trợ các khoản đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (CNC), trong đó, tín dụng luôn là vấn đề quan trọng trong thúc đẩy đầu tư và phát triển nông nghiệp.

Điều tra của PCI chỉ ra năm 2017 chỉ có 56% doanh nghiệp (DN) tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Nghị định 116/2018/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 55/2015/NĐ-CP) về tín dụng nông nghiệp tiếp tục mở rộng phạm vi đối tượng được vay vốn và hạn mức cấp tín dụng đối với nông nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao. Nghị định mở rộng ưu đãi cho tất cả các dự án ứng dụng CNC có thể được cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm đến 70% giá trị của dự án. Thêm vào đó, dự án còn có thể sử dụng chính tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản bảo đảm. Đây là những quy định hết sức cởi mở cho việc cấp tín dụng đầu tư vào nông nghiệp CNC.

Năm 2010, Nghị định 02/2010/NĐ-CP về khuyến nông chỉ quy định về các hoạt động khuyến nông truyền thống. Đến năm 2018, Nghị định này được sửa đổi bởi Nghị định 83/2018/NĐ-CP với nội dung sửa đổi chủ yếu là ưu đãi, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp. 

Năm 2018, các thủ tục về trình tự thủ tục để một DN được công nhận là ứng dụng CNC trong nông nghiệp cũng được cải thiện tại Quyết định 19/2018/QĐ-TTg (thay thế Quyết định 69/2010/QQD-TTg) với nhiều sửa đổi theo hướng có lợi cho DN: thủ tục hành chính đơn giản, rõ ràng hơn, hy vọng sẽ có thêm nhiều DN được hưởng ưu đãi, hỗ trợ khi đầu tư vào nông nghiệp CNC.

Bên cạnh đó, Chính phủ ban hành rất nhiều ưu đãi đối với nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, các DN nông sản sạch, nông sản hữu cơ vẫn gặp nhiều khó khăn khi phát triển. Nguyên nhân chính là do nạn hàng giả, hàng nhái nông sản hữu cơ diễn ra mà không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả và thiếu các hỗ trợ cần thiết. Nghị định 109/2018/NĐ-CP là văn bản pháp luật đầu tiên quy định về nông nghiệp hữu cơ, kỳ vọng sẽ mang đến giải pháp góp phần khắc phục các bất cập nói trên.

Từ góc độ kiểm soát, công cụ quản lý chính thức được đưa ra trong Nghị định này là một cơ chế dựa vào pháp luật về tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo đó, nhà cung ứng nông sản hữu cơ phải thuê một đơn vị chứng nhận phù hợp để kiểm tra và công bố tiêu chuẩn kỹ thuật. Nghị định cũng đã có quy định để bảo hộ ghi nhãn chữ "100% hữu cơ", "sản xuất từ thành phần hữu cơ". Hiện tại, TCVN 11041 đã được ban hành và được một số đơn vị chứng nhận phù hợp cung cấp dịch vụ chứng nhận.

CHƯA GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CỐT LÕI...

Ưu đãi chính sách nông nghiệp phải song hành với giải quyết vấn đề cốt lõi.  

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, thực tiễn sản xuất nông nghiệp của Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, từ chất lượng nông sản thấp, rủi ro thiên tai, dịch bệnh dẫn đến mất mùa, cho đến "được mùa mất giá", không xây dựng được thương hiệu... Các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nông nghiệp là rất cần thiết, nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi như quyền tài sản đối với đất đai, xử lý vi phạm về nhãn mác hàng hóa...

Về quyền tài sản đối với đất đai, để khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp hay sản xuất nông nghiệp hữu cơ đều cần có quy mô sản xuất lớn. Do đó, một trong những vấn đề cốt lõi là nhà nước bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của DN một cách rộng rãi. Tuy nhiên, trên thực tế, tiếp cận đất sản xuất lại đang là một trong những cản trở khi DN đầu tư vào nông nghiệp. Điều tra của PCI chỉ ra, năm 2017, có đến 76% DN trong lĩnh vực nông nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong 2 năm qua. Thậm chí, các DN nông nghiệp cho rằng thủ tục về đất đai là phiền hà nhất, cao hơn tất cả các lĩnh vực khác như thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường... Khi muốn mở rộng mặt bằng sản xuất, có rất nhiều cản trở đối với DN như thủ tục thuê, mua đất phức tạp, quy hoạch chưa phù hợp, cung cấp thông tin về đất đai không thuận lợi...

Tích tụ đất nông nghiệp là vấn đề đã được bàn luận từ lâu, song các quy định pháp luật thời gian qua vẫn chưa giải quyết được vấn đề này. Hy vọng vấn đề này sẽ được giải quyết trong thời gian tới đây khi Chính phủ đã bắt đầu khởi động việc sửa Luật đất đai năm 2013.

Cùng với đó, một trong những cản trở không nhỏ đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ là hàng hóa gian lận về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và nhãn mác. Chỉ cần trên thị trường tồn tại những cửa hàng bán rau không đảm bảo an toàn canh tác, nhưng lại treo biển rau sạch, rau hữu cơ thì sẽ khiến cho người tiêu dùng không tin tưởng vào các thương hiệu kinh doanh trung thực. Thậm chí, có DN đưa ra chứng nhận nông sản sạch do nhà nước cấp như VietGAP, cũng vẫn bị người tiêu dùng nghi ngờ đã dùng "tiền" để mua chứng nhận. Do đó, việc ban hành pháp luật các tiêu chuẩn nông sản thôi không đủ, mà còn cần các biện pháp thực thi hiệu quả, không chỉ xử lý nghiêm các DN cung cấp thông tin không trung thực mà còn phải xử lý nghiêm cả những cá nhân có hành vi tiêu cực khi chứng nhận phù hợp.

Nhìn chung, thời gian qua, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp. Các chính sách này kỳ vọng sẽ tiếp tục làn sóng đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp CNC. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lõi như trên cần phải được xử lý triệt để. Chỉ khi nào các quyền này được bảo hộ một cách đầy đủ, nhanh chóng và hiệu quả thì nông dân, DN mới có thể thụ hưởng một cách vững chắc những thành quả lao động của mình. Từ đó, kinh tế nông nghiệp mới có thể phát triển bền vững.

Năm 2020, Hà Nội có khoảng 250ha sản xuất bằng công nghệ nông nghiệp hữu cơ(VietQ.vn) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch nâng cao năng lực chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2019-2020; phấn đấu đến năm 2020, thành phố có từ 200 đến 250ha sản xuất bằng công nghệ nông nghiệp hữu cơ.

Ngọc Xen

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang