Chứng nhận Halal giúp doanh nghiệp Việt bước chân vào thị trường tỷ đô

author 09:19 15/11/2023

(VietQ.vn) - Sản phẩm được sản xuất và cấp chứng nhận Halal là yêu cầu bắt buộc đối với thị trường Hồi giáo. Để sản phẩm vào được thị trường khắt khe này thì chất lượng sản phẩm luôn là yếu tố hàng đầu.

Là một trong những doanh nghiệp đã đặt chân vào thị trường Hồi giáo, tạo dựng được uy tín và thương hiệu tại đây, đại diện thương hiệu Nafoods đã có những chia sẻ thiết thực để đáp ứng các tiêu chuẩn mới giúp sản phẩm có thể đứng vững ở thị trường tỷ đô.

Theo bà Hồ Thị Loan - Giám đốc kinh doanh Công nghiệp, Công ty Cổ phần Nafoods Group, sản phẩm được sản xuất và cấp chứng nhận Halal là yêu cầu bắt buộc đối với thị trường hồi giáo. Hiểu một cách sâu hơn là người Hồi giáo có tiêu chuẩn riêng và tiêu chuẩn này quy định các sản phẩm thực phẩm phải được sản xuất an toàn và đảm bảo chất lượng, không có bất cứ nguyên liệu nào bị Luật hồi giáo cấm như thịt lợn. Theo thuật ngữ Hồi giáo, Halal là được phép còn Haram là không được phép, cấm kị. Và tiêu chuẩn Halal là chìa khoá để doanh nghiệp bước vào thị trường tiêu thụ của người hồi giáo.

Nafoods đã xác định điều này và áp dụng tiêu chuẩn Halal từ ngay những ngày đầu mở rộng hoạt động sản xuất KD. Do đặc thù sản phẩm cũng như tìm đến đúng đơn vị tư vấn cấp chứng nhận nên chúng tôi hầu như không gặp khó khăn trong việc tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn này. 

Bà Hồ Thị Loan, Giám đốc Kinh doanh Công nghiệp, Công ty Cổ phần Nafoods Group.

Cũng theo bà Loan, đối với Nafoods, dựa trên hạng mục sản phẩm và thị trường sẽ có những thuận lợi, khó khăn và ưu tiên riêng khi áp dụng tiêu chuẩn này. Sản phẩm nước ép và trái cây đông lạnh và những sản phẩm tự nhiên, nguyên chất và nguyên liệu sử dụng không có Haram và được sản xuất theo quy trình đảm bảo chất lượng nên dễ dàng được cấp chứng nhận Halal. Còn các sản phẩm như trái cây sấy hay đóng hộp có sử dụng các thành phần bổ sung như đường thì việc đánh giá sẽ yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Như đường sử dụng phải có chứng nhận Halal và chứng nhận đó phải được đơn vị uy tín cấp. Quy trình sản xuất được giám sát và đánh giá chặt chẽ và khi cần thiết phải điều chỉnh quy trình để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của tiêu chuẩn. Và Halal không chỉ đơn thuần là tiêu chuẩn áp dụng cho những sản phẩm phân phối ở thị trường hồi giáo, mà đã trở thành một trong những tiêu chuẩn chính yếu trong hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của Nafoods. 

Nói về những lợi thế khi đạt được chứng nhận Halal, bà Loan cho biết, Halal là Tiêu chuẩn quy định sản xuất và đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm cho người hồi giáo. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội mở rộng, phát triển và tạo lập được uy tín đối với thị trường người hồi giáo chiếm đến 25% dân số thế giới.

Hơn nữa, tiêu chuẩn Halal sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hơn nữa hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tạo ra các sản phẩm tốt và có lợi cho sức khoẻ, điều này hầu hết các khách hàng đều nhận thức được và đánh giá cao doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn này, và ngày càng có nhiều người tiêu dùng ngoài Hồi giáo thích sử dụng sản phẩm Halal.

Người Hồi giáo hiện chiếm khoảng ¼ dân số thế giới, dự kiến chiếm 30% vào năm 2024 và đạt 2,2 tỷ người năm 2030. Ước tính, thị trường Halal toàn cầu sẽ mang lại 5.000 tỷ USD mỗi năm và ngày một tăng, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường này.

Dự báo tới năm 2025, thực phẩm có dấu chứng nhận Halal sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ toàn cầu. Như vây, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước Hồi giáo là rất lớn.

Tuy nhiên, đây cũng là thị trường vô cùng khó tính với hệ thống tiêu chuẩn khắt khe. Để mở cánh cửa vào thị trường này, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chuẩn Halal (theo tiếng Ả Rập có nghĩa là "được phép"). Có được chứng nhận Halal cũng có nghĩa doanh nghiệp đã nắm trong tay chiếc chìa khóa mở cửa.

 Nam Dương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang