Chứng nhận ISO được bán như ... rau

authorThanh Uyên 07:02 14/07/2016

(VietQ.vn) - Thông qua 'cò' là một công ty tư vấn, chứng nhận ISO 9001:2008 được cấp khống mà không cần phải trải qua hoạt động đánh giá nào.

Sự kiện: Chứng nhận Hợp chuẩn Hợp Quy

 Giao diện website Công ty Cổ phần công bố chất lượng VietQ

Nhận được phản ánh của doanh nghiệp về việc Công ty Cổ phần công bố chất lượng VietQ (Công ty VietQ) có địa chỉ tại 26 ỷ Lan Nguyên Phi, Phường Hoà Cường Bắc, Quận Hải Châu, Đà Nẵng có hành vi làm trái quy định nhà nước trong quá trình tư vấn chứng nhận, PV Chất lượng VIệt Nam trong vai tổ chức có nhu cầu làm chứng nhận ISO 9001:2008 cho một công ty chuyên sản xuất giấy đã kết nối được với một nhân viên tên Thảo của Công ty này và được chào bán chứng nhận với giá 25 triệu đồng.

Theo nhân viên này, để doanh nghiệp có chứng nhận ISO thì chỉ cần chi 25 triệu đồng và chỉ trong vòng 7 ngày sẽ được cấp chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 mà không cần phải thông qua hoạt động đánh giá nào.

Nhân viên này cho biết, sau khi ký kết hợp đồng và tiến hành chuyển chi phí đợt 1, Công ty VietQ sẽ liên hệ với doanh nghiệp để làm việc, xây dựng hồ sơ, sau khi giấy tờ, hồ sơ hoàn tất sẽ cấp chứng chỉ.

Khi được hỏi về quy trình thực hiện đánh giá, chứng nhận nhân viên này giải thích, chi phí 25 triệu là trọn gói cho đến khi khách hàng nhận được chứng chỉ, toàn bộ công việc doanh nghiệp có nhu cầu làm chứng nhận chỉ cần làm việc với phía Công ty VietQ, hay nói một cách khác chỉ cần chi tiền, mọi thủ tục, hồ sơ Công ty VietQ sẽ lo cả. Nhân viên này còn hứa sẽ “lại quả” tiền cà phê cho cá nhân người đi mua chứng chỉ là 1 đến 2 triệu đồng.

Ai ‘bật đèn xanh’ cho nhân viên VinaCert bán chứng nhận khống?(VietQ.vn) - Chứng nhận VietGap được nhân viên VinaCert giao bán với giá 90 triệu đồng, câu hỏi đặt ra ai là người thông đồng để nhân viên này làm trái luật?

Theo tìm hiểu của PV Chất lượng Việt Nam, Công ty VietQ mới được cấp giấy phép kinh doanh từ tháng 5/2014. Theo những gì quảng cáo trên website mang tên Vietq.org hay congbochatluong.org thì công ty này cung cấp rất nhiều dịch vụ như chứng nhận ISO, xin giấy phép sản xuất phân bón, chứng nhận hợp quy các sản phẩm: phân bón, sơn, gạch, kính xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật… đặc biệt công ty này còn cung cấp dịch vụ chuyển giao công thức phân bón – một hoạt động mang tính chuyên môn cao, đòi hỏi phải có năng lực kỹ thuật chuyên ngành mà không phải ai cũng có thể thực hiện được.

Không chỉ hoạt động một cách phi pháp trong hoạt động tư vấn, chứng nhận, việc sử dụng tên miền cũng như cách gọi trong quá trình giao dịch của Công ty VietQ đã gây nhầm lẫn và ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Tạp chi Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) và Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) khi rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức tưởng rằng Công ty cổ phần chứng nhận VietQ là đơn vị trực thuộc Tổng cục TCĐLCL.Thậm chí còn có doanh nghiệp gọi điện thoại để kiểm tra và cho biết nếu Công ty VietQ là của Tổng cục TCĐLCL thì doanh nghiệp mới sử dụng dịch vụ. Nhưng câu trả lời lại không phải như vậy, đây có thể là một trường hợp mạo danh và cần cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ.

Đáng nói hơn, từ những thông tin mà nhân viên của Công ty VietQ cung cấp trong quá trình mời chào làm chứng nhận ISO đã hé lộ một góc khuất trong hoạt động chứng nhận của một Công ty chứng nhận tại Hà Nội. Sự phối hợp của những "bàn tay đen" trong hoạt động chứng nhận giữa Công ty VietQ và Công ty chứng nhận này có thể đã cấp khống nhiều chứng nhận mà không cần phải thông qua bất kỳ hoat động đánh giá nào.

Chất lượng Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang