Chuyển dịch phát triển kinh tế theo hướng xanh - còn nhiều khó khăn, thách thức

author 14:27 17/04/2024

(VietQ.vn) - Việt Nam là một trong sáu nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên chuyển dịch phát triển kinh tế theo hướng xanh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra với Việt Nam.

Ngày 17/4/2024, tại Hà Nội đã diễn ra “Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh”. Diễn đàn tập trung trao đổi, chia sẻ về chính sách cũng như các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi xanh nền kinh tế của Việt Nam.

Tăng trưởng xanh - xu hướng chuyển dịch tất yếu

Là một trong 6 nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.  

“Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh” ngày 17/4/2024 tại Hà Nội

Trong những năm qua, tại Việt Nam hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ngày càng được quan tâm, xây dựng, hoàn thiện, nhiều chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế xanh đã được ban hành.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu xanh hóa các ngành kinh tế, trong đó nhấn mạnh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số.

Theo đó, mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; phấn đấu đến năm 2030, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 15% so với năm 2014; đến năm 2050, cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP giảm ít nhất 30% so với năm 2014.

Cần hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh. Các yếu tố như thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng khốc liệt, phức tạp và khó lường, thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp; sự phát triển của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế có nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19… cũng là thách thức không nhỏ trong trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. 

Các chuyên gia cho rằng, ngày nay, chuyển đổi xanh cần song hành với chuyển đổi số, bởi hai quá trình chuyển đổi này không diễn ra đơn lẻ mà hợp nhất, bổ trợ cho nhau. Ông Trần Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhấn mạnh, Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai chuyển đổi quan trọng nhất để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao, hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc vào năm 2045.

Theo ông Chử Đức Hoàng- Việt Nam đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số và kinh tế xanh, như hạ tầng 5G còn hạn chế, nguồn nhân lực công nghệ mới chỉ có khoảng 500.000 nhân lực công nghệ thông tin, trong khi nhu cầu cần tới 1 triệu vào năm 2025; gần 77% lao động trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo sơ cấp. Quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực công nghệ hạn chế: hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ, chỉ khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, theo đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên- Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Việt Nam cần hoàn thiện hành lang pháp lý về kinh tế xanh. Đây chính là yếu tố quan trọng, tiên phong quyết định hướng đi “xanh” của nền kinh tế.

Cùng với đó, tập trung khai thác và phát triển hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng bền vững thay thế cho nguồn năng lượng ảnh hưởng đến môi trường; Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tập trung thiết kế ra các sản phẩm tái sử dụng được, sửa chữa, tái sản xuất và tái chế để giảm thiểu phát sinh chất thải dễ gây ra ô nhiễm cho môi trường.

Đặc biệt, cần tăng cường hợp tác quốc tế ở cấp độ song phương và đa phương, lan tỏa thông điệp về một Việt Nam quyết tâm chuyển đổi xanh, học hỏi công nghệ, là đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết bài toán chung của toàn cầu. 

Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, các quốc gia trên thế giới đã và sẽ đưa ra những rào cản về môi trường, về khí hậu. Những quy tắc như vậy sẽ là rào cản lớn để hàng hóa Việt Nam có thể xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu quá trình chuyển đổi xanh diễn ra càng chậm, doanh nghiệp càng mất đi cơ hội gia tăng xuất khẩu. 

Các chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh chủ trương, chính sách của Nhà nước, thì doanh nghiệp cũng cần phải thấy rõ được bối cảnh, thách thức cũng như cơ hội trong phát triển xanh để tự xác định, dự liệu chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án của chính doanh nghiệp mình để nắm bắt được cơ hội, vượt qua được những khó khăn, thách thức trong quá trình chuyển đổi xanh.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot