Thuốc lá điện tử phổ biến, tình trạng nhập lậu gia tăng

author 16:04 29/04/2024

(VietQ.vn) - Thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng nhập lậu đang ngày càng phổ biến, khó kiểm soát, cần cơ chế đủ mạnh.

Thuốc lá điện tử phổ biến, tình trạng nhập lậu gia tăng

Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng nhập lậu cũng đang ngày càng phổ biến. Ước tính tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng cách đây 4 năm là 1% (khoảng 280.000 người). Đến nay, con số này đã tăng lên đáng kể, gióng lên hồi chuông báo động cho các nhà quản lý.

 Có kiểm soát nhưng thuốc lá điện tử vẫn ngày càng phổ biến. Ảnh minh họa

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), thuốc lá lậu chiếm hơn 20% thị phần trong nước, gây thất thu ngân sách nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng/năm. Mặt hàng này đang trở thành thứ hàng hóa siêu lợi nhuận ở thị trường nội địa lẫn vùng biên do "né" được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng & 1,5% quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Gần đây nhất, Công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) đã phát hiện, thu giữ hơn 2.000 sản phẩm thuốc lá điện tử, không có nguồn gốc, xuất xứ của Chìu A Tài (sinh năm 1994, thường trú tại xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh; hiện ở khu đô thị VSIP Lương Điền, Cẩm Giàng). Số thuốc lá trên được Chìu A Tài cất giấu để bán cho người khác.

Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành kiểm tra, phát hiện các cơ sở đang kinh doanh 2.175 đơn vị sản phẩm thuốc lá điện tử và phụ kiện thuốc lá điện tử do nước ngoài sản xuất với tổng giá trị hơn 170 triệu đồng; xử phạt số tiền trên 132 triệu đồng và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp là trên 279 triệu đồng; đồng thời tịch thu 2.175 sản phẩm là thuốc lá điện tử các loại.

Chưa có biện pháp phù hợp trong quản lý thuốc lá điện tử

Mặc dù đã có các nỗ lực kiểm soát từ các cơ quan chức năng, nhưng vẫn còn nhiều cơ sở kinh doanh ngang nhiên bán các loại thuốc lá này. Chưa kể, việc xử lý các tội phạm buôn lậu này thường không được đưa ra các biện pháp trừng phạt đủ mạnh mẽ, tạo điều kiện cho tình trạng này vẫn tiếp tục phát triển.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự Kinh tế, Bộ Tư pháp - ông Lê Đại Hải, các loại thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đã xuất hiện nhiều năm nay trên thị trường qua đường "xách tay."

Về phía ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng là xu thế khó tránh khỏi. Song, điều đáng lưu tâm là sản phẩm này đang bị tội phạm buôn lậu lợi dụng để hướng đến giới trẻ.

Bà Đinh Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids, Hoa Kỳ (CTFK), hiện nay đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, 88 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử (trong đó có 27 quốc gia thuộc khối liên minh Châu Âu). Việc quản lý được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC).

Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc khu vực ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Brunei).

Tuy nhiên, không có quốc gia nào bán thuốc lá nung nóng dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị.

Giải thích về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết thêm, việc quyết định các biện pháp thực thi để quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh kinh tế - xã hội và năng lực đáp ứng yêu cầu quản lý của từng quốc gia.

Các nước áp dụng biện pháp cấm khi các biện pháp WHO FCTC chưa được thực hiện tốt, tỉ lệ hút thuốc lá vẫn còn cao, hạn chế về nguồn lực quản lý và thực thi pháp luật. Nguyên tắc cẩn trọng: vẫn chưa chắc chắn cơ sở khoa học về nguy cơ tổng thể và lợi ích tiềm năng.

Về phía các chuyên gia y tế cho biết, tới nay chưa có quốc gia nào thành công trong việc dùng biện pháp quản lý để ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới trong giới trẻ. Kinh nghiệm nhiều nước như Mỹ, Canada, Georgia và Ba Lan…, cho thấy sau khi chuyển từ trạng thấy cấm hoặc không có quy định sang trạng thái hợp pháp hóa thì việc phân phối sẽ nở rộ và tỷ lệ sử dụng các sản này trong giới trẻ sẽ tăng cao rất nhanh chóng.

Để phù hợp với khuyến cáo của WHO, các nước trong khu vực, điều kiện kinh tế-xã hội và năng lực quản lý của Việt Nam hiện nay, các chuyên gia đều kiến nghị Bộ Y tế đề xuất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo các sản phẩm thuốc lá mới.

Bên cạnh sự nỗ lự không ngừng của lực lượng chức năng về xây dựng hoàn thiện chính sách và cả những hành động quyết liệt trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định việc cấm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử vẫn còn nhiều điều cần xem xét kỹ lưỡng.

Theo đại diện Bộ Công Thương cho biết việc sử dụng thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử nhập lậu khiến Nhà nước không thu được thuế, người dân phải sử dụng sản phẩm không được quản lý về chất lượng, ảnh hưởng sức khỏe.

Trong khi đó, sản phẩm thuốc lá điện tử trá hình chứa chất cấm thì lại được tội phạm buôn lậu tự do quảng cáo thổi phồng, câu dẫn giới trẻ.

Do vậy, đại diện nhiều bộ ngành cho rằng việc kiểm soát có định hướng các mặt hàng này sẽ là cơ sở pháp lý giúp loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, xử lý các hành vi buôn lậu, tạo sự yên tâm cho xã hội cũng như nâng cao năng lực kiểm soát mọi loại thuốc lá của quốc gia.

Duy Trinh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang