Chuyển đổi công nghiệp: Động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM

author 19:17 12/09/2024

(VietQ.vn) - Đây là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024 diễn ra từ ngày 24 – 27/9/2024.

Ngày 12/9, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin Đối thoại Hữu nghị TP.HCM và Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024 tại Trung tâm báo chí.

Năm nay, Đối thoại Hữu nghị TP.HCM diễn ra từ ngày 23 - 24/9/2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển”. Sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy quan hệ giữa TP.HCM với các địa phương kết nghĩa trên thế giới; đồng thời là dịp quảng bá về đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Ngoài ra còn là cơ hội thảo luận về kinh nghiệm, phương hướng, giải pháp thúc đẩy hợp tác, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, nâng tầm công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế của TP.HCM.

Ban tổ chức cho biết, điểm nhấn của sự kiện là Hội nghị Thị trưởng sáng 24/9 tại GEM Center, nơi Lãnh đạo TP.HCM và khách mời cùng thảo luận về quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương quốc tế, bao gồm kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực. Các đại biểu sẽ đánh giá những khó khăn, thách thức của TP.HCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, đề xuất các nhóm lĩnh vực có thể hợp tác với TP. Sau các phiên thảo luận tại Hội nghị là Tuyên bố chung giữa TP.HCM và các địa phương quốc tế kết nghĩa về việc tăng cường hợp tác trong chuyển đổi công nghiệp.

Chiều cùng ngày, Lễ công bố Biểu tượng hữu nghị quốc tế TP.HCM sẽ được tổ chức tại công viên bến Bạch Đằng (quận 1) lúc 15h30. 

UBND TP.HCM họp báo thông tin Đối thoại Hữu nghị TP.HCM và Diễn đàn Kinh tế TP.HCM năm 2024 tại Trung tâm báo chí. 

Bên cạnh đó, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 diễn ra từ ngày 24-27/9/2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”. Một trong những hoạt động quan trọng là phiên đối thoại chính sách với Thủ tướng Chính phủ vào chiều ngày 25/9. Đây là cơ hội để các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP, đồng thời kiến nghị Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Bên cạnh đó, Diễn đàn lần này hướng thảo luận đến nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển công nghiệp của TP.HCM theo chiều sâu, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng vật liệu mới, sử dụng năng lượng xanh và phát triển bền vững.

Các hoạt động chính diễn ra tại Đối thoại Hữu nghị TP.HCM và Diễn đàn Kinh tế TP.HCM.

Trong khuôn khổ sự kiện, Lễ khánh thành và ra mắt Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM sẽ được tổ chức vào sáng 25/9 tại Khu Công nghệ cao TP. Trung tâm sẽ là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), qua đó tăng cường hợp tác với các Trung tâm C4IR quốc tế để hỗ trợ việc đề xuất giải pháp, kiến nghị liên quan đến chính sách, nghiên cứu các lĩnh vực ưu tiên đột phá của TP.HCM sao cho phù hợp định hướng quốc gia và xu thế quốc tế.

Năm nay, Diễn đàn dự kiến có sự tham gia của 1.500 đại biểu đến từ các bộ ngành Việt Nam, các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB), các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và ngoài nước trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ.

Toàn cảnh buổi họp báo.

Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Đối ngoại và Hội nghị Quốc tế Lê Trường Duy kỳ vọng, Đối thoại Hữu nghị sẽ là sân chơi để địa phương trao đổi, tiến đến hợp tác trong chuyển đổi công nghiệp, là cầu nối giữa TP.HCM với các địa phương quốc tế, nhằm mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp chuyển đổi công nghiệp hướng tới việc phát triển bền vững. Cùng với Đối thoại Hữu nghị, Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu vào những vấn đề chuyên môn, đưa ra giải pháp, chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế TP.HCM. 

Chuyển đổi công nghiệp là quá trình thay đổi có tính chất nền tảng các ngành công nghiệp do ứng dụng tiến bộ công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh nhằm hướng tới phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây được xem là nhu cầu cấp thiết của TP.HCM nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ngành và doanh nghiệp, giúp phát triển bền vững với trọng tâm giảm phát thải, thân thiện môi trường (tăng trưởng xanh). Đồng thời, tăng khả năng kết nối, đáp ứng yêu cầu mới về hội nhập, các tiêu chuẩn mới của thị trường quốc tế và nâng cao vị thế của TP.HCM, định vị lại vai trò của TP trong mối quan hệ kinh tế với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

 Kim Thoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang