Chuyển đổi xanh tối ưu chi phí logistics thương mại điện tử được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng

author 06:31 26/11/2023

(VietQ.vn) - Chuyển đổi xanh hướng đến sự phát triển bền vững là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp logistic, và các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Theo bà Phạm Thị Lan Hương, Trưởng ban logistics, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) còn nêu rõ 4 trụ cột chính của chuyển đổi xanh trong logistics: Giảm lãng phí, tối ưu các nguồn lực bằng cách tăng hệ số sử dụng nguồn lực trong logistics; Tăng tỷ trọng các phương thức vận tải thân thiện với môi trường; Sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong các hoạt động; và cuối cùng là sử dụng năng lượng tái tạo cho các hệ thống nhà kho và các hệ thống vận hành.

Hiện nay, tại Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ logistics cho TMĐT có thể được phân thành các nhóm như: Các DN logistics của các sàn TMĐT (Lazada Logistics, Shoppee Express); Các DN chuyển phát lớn (VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, J&T, Ahamove, Ninja Van); Các DN chuyển phát quy mô trung bình và nhỏ; Các DN giao hàng chặng cuối quy mô nhỏ.

Trong đó, nhiều DN logistics đã áp dụng chuyển đổi xanh, điển hình như xe điện sử dụng năng lượng tái tạo thay vì năng lượng hóa thạch đang dần trở nên phổ biến; tối ưu vận tải tích hợp đầy tải, và giảm lượng xe chạy rỗng; áp dụng hệ thống tối ưu hành trình vận tải; kết hợp vận tải đa phương thức để giảm thiểu các phương thức vận tải không thân thiện với môi trường đi; thiết kế tòa nhà thân thiện với môi trường (ví dụ: hệ thống ánh sáng tiết kiệm năng lượng, cách nhiệt).

Hay là, thiết bị xử lý hàng hóa trong kho sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng, hoặc không sử dụng năng lượng; hệ thống nước (ví dụ: giảm thiểu lãng phí nước, sử dụng hệ thống nước xám);…

Cụ thể như trung tâm chia chọn hàng hóa của Lazada được thiết kế rất hiện đại, ứng dụng số gần như toàn diện; đặc biệt xe máy điện cũng đã được Lazada sử dụng để giao hàng ở chặng cuối.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thương mại điện tử và bưu chính, chuyển phát như Lazada, Grab hay Bưu điện Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp sáng tạo nhằm giảm tác động tiêu cực tới môi trường như: Tiết giảm số lượng thùng carton và chuyển sang dùng 100% bao bì có thể tái chế được hay giảm thải rác thải nhựa; khuyến khích khách hàng chờ giao hàng chậm nhưng ít hại môi trường, thay vì đẩy mạnh quảng bá hình thức giao hàng ngay và luôn để cạnh tranh với nhau…

Ngoài ra, các hoạt động logistics cho TMĐT cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin  cho hoạt động vận hành của các trung tâm chia chọn hàng hóa, ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động giao hàng chặng cuối để tối ưu quãng đường; chuyển đổi sang nhiên liệu thân thiện với môi trường; các hoạt động hạn chế lãng phí nhiên liệu, nguồn lực.

Tuy nhiên, theo bà Hương, trong hành trình hướng đến chuyển đổi xanh của hoạt động logistics cho TMĐT vẫn còn những thách thức và điểm nghẽn. Điều này đặc biệt đúng đối với hoạt động vận tải chặng giữa và các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa. Bà đã đề xuất giải pháp đa cấp độ, từ chính sách ngành đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, để thúc đẩy chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong lĩnh vực logistics TMĐT.

Cụ thể, ở cấp độ ngành cần có những cơ chế chính sách về bảo vệ môi trường. Cấp độ DN TMĐT, các DN có thể đưa yếu tố phát triển bền vững vào thiết kế hành trình trải nghiệm khách hàng. Cấp độ DN logistics, các DN cần dịch chuyển sang các nguồn nhiên liệu xanh, các phương tiện thân thiện với môi trường (xe điện, điện áp mái) và thúc đẩy chuyển đổi số. Và cuối cùng, ở cấp độ người tiêu dùng, cần phải nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về phát triển bền vững. Điều này đặc biệt cần sự chung tay hơn nữa của các bộ, ban, ngành cũng như các sàn TMĐT để dần thay đổi nhận thức của người tiêu dùng.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đánh giá cao sự chú ý và động lực từ cộng đồng doanh nghiệp logistics, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi để thích ứng với những thách thức môi trường. Đồng thời nhấn mạnh, để thương mại điện tử nước ta phát triển bền vững và thân thiện hơn với môi trường, trở thành một công cụ quan trọng hướng tới nền kinh tế xanh và trung hòa carbon, các bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần phối hợp chặt chẽ và triển khai các hoạt động phù hợp.

Duy Trinh 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang