Chuyên gia cảnh báo các căn bệnh về mắt dễ mắc phải trong mùa hè và cách phòng tránh

author 07:00 20/06/2023

(VietQ.vn) - Thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường ô nhiễm khói bụi… là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về mắt ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt

Bệnh viêm kết mạc

Viêm kết mạc hay bệnh đau mắt đỏ là tình trạng mắt bị nhiễm trùng lớp màng trong của mắt, đây là bệnh lý lành tính, thường gặp vào mùa hè. Nguyên nhân phổ biến do đi bơi ở sông ngòi, hồ ao và trong các bể bơi công cộng. Tiếp xúc với nước bẩn không chỉ dẫn đến đau mắt thông thường còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn như Chlamydia, một loại vi khuẩn bộ phận sinh dục. Biểu hiện dễ thấy nhất của bệnh viêm kết mạc là mắt đỏ, nhiều ghèn, khám lâm sàng nhú gai trên kết mạc sụn, thẩm lậu vùng rìa, ánh củng mạc mờ đục.

Đau mắt đỏ, còn gọi viêm kết mạc, là tình trạng viêm lớp màng trong suốt ở bề mặt nhãn cầu (lòng trắng). Ảnh minh họa

Mùa hè cũng dễ bùng phát dịch viêm kết mạc do virus gây ra, lây lan rất nhanh, biểu hiện chung là sốt nhẹ, ho, đau họng, nổi hạch, đỏ mắt, ra ghèn, cộm rát, nhìn mờ. Nếu người bệnh chủ quan, không điều trị kịp thời và vệ sinh đúng cách sẽ khiến tình trạng bệnh kéo dài, nếu để bệnh diễn biến nặng có thể gây viêm, loét giác mạc, thậm chí dẫn đến mù lòa. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh viêm kết mạc, bảo vệ đôi mắt người bệnh cần có thói quen thường xuyên vệ sinh bàn tay, đôi mắt bằng nước sạch. Khi bơi ở các địa điểm công cộng không nên bơi quá lâu và nên dùng kính bảo vệ mắt khi bơi. Sau khi bơi xong nên dùng nước muối sinh lý nhỏ và rửa mắt tại chỗ, đồng thời sục và rửa mũi họng bằng nước muối sinh lý sau đó mới đi tắm lại.

Bệnh chắp và lẹo mắt

Chắp và lẹo là bệnh thường gặp ở bờ mi, đều có đặc điểm chung gây phù nề, đau nhức ở mi mắt nên nhiều người lầm tưởng hai bệnh này giống nhau. Thực tế, lẹo là do vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi gây viêm nhiễm cấp tính. Chắp xuất hiện do có sự tắc nghẽn ống tuyến nhờn của mi mắt, vị trí thường ở xa bờ mi hơn so với lẹo. Người bị lẹo thường sưng đỏ vùng mi mắt, ấn thấy đau bờ mi, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, cảm giác có dị vật ở mắt. Còn dấu hiệu chắp là sưng, đau, đỏ mắt, khó chịu ở bề mặt kết mạc của mi. Thực tế, chắp và lẹo là bệnh khá phổ biến, có thể tự khỏi nếu biết giữ gìn và vệ sinh đúng cách. Tuy nhiên, bệnh cũng rất dễ bị tái lại. Vì vậy, khi có dấu hiệu bị chắp, lẹo, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị đúng cách và kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không tự ý nặn mụn, tra thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ vì có thể gây tổn thương, để lại sẹo gây quặp mi.

Chắp và lẹo là bệnh thường gặp ở bờ mi, đều có đặc điểm chung gây phù nề, đau nhức ở mi mắt. Ảnh minh họa 

Nguy cơ đục thuỷ tinh thể từ tia cực tím

Thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ mặt trời cộng thêm môi trường khói bụi ô nhiễm, khí thải chất độc hại làm tăng nguy cơ gây bệnh đục thủy tinh thể, thoái hoá điểm vàng ở mắt. Đây là cũng một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực và mùa lòa phổ biến. Giai đoạn sớm, bệnh có thể xuất hiện biểu hiện như mờ mắt, khó khăn khi lái xe vào ban đêm, cảm giác mắt như có màng che. Giai đoạn muộn có dấu hiệu rõ rệt hơn như màu sắc thủy tinh thể thay đổi, nhìn thấy chấm đen trước mặt, nhạy cảm hơn với ánh sáng, giảm nhận thức về màu sắc. Bệnh diễn tiến từ nhẹ đến nặng khiến người bệnh thường dễ bỏ qua, đến khi chuyển biến nặng mới đi khám.

Hội chứng khô mắt mùa nóng

Những ngày hè nắng nóng, do nền nhiệt cao khiến nước mắt tiết ra bay hơi nhanh, nhất là người làm việc văn phòng khiến cho tình trạng khô mắt dễ xảy ra. Biểu hiện của khô mắt là người bệnh có cảm giác kích thích như có dị vật trong mắt, nóng rát như bỏng hoặc cảm giác ngứa, mỏi và nặng mi mắt. Trường hợp nặng còn cảm thấy cộm ở mắt ngay khi vừa ngủ dậy, đau rát khi chớp mắt có thể dẫn đến viêm giác mạc, viêm kết mạc do khô mắt.

Ngoài ra, chớp mắt nhiều dễ dẫn đến mệt mỏi, yếu cơ, có thể gây tổn thương thần kinh. Nếu không được điều trị, chăm sóc mắt đúng cách, các triệu chứng trên sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, nặng hơn, làm giảm thị lực và gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập và lao động của người bệnh. Bệnh nhân sẽ khó chịu, cảm thấy chói, cộm, sợ ánh sáng, không mở được mắt… Để phòng bệnh khô mắt trong mùa nắng nóng, người dân cần có biện pháp bảo vệ mắt phù hợp khi đi ra ngoài trời nắng như đeo kính mát, đội mũ bảo hiểm có kính che chắn. Cần ăn uống bổ sung thêm các nguồn dinh dưỡng cung cấp các chất cần thiết cho mắt, ưu tiên các loại rau củ có màu như cải xoong, cà chua, gấc, đu dủ, uống đủ nước... Ngủ đủ giấc, không nên thức khuya dễ khiến mắt điều tiết nhiều, mệt mỏi. Có thể sử dụng dung dịch nhỏ mắt bằng muối NaCL 0,9% để rửa sạch mắt hàng ngày.

Cách chăm sóc và bảo vệ mắt trong mùa hè nắng nóng

Thời tiết nắng nóng kéo dài, môi trường ô nhiễm khói bụi… là một trong những nguyên nhân gây nên các bệnh về mắt ảnh hưởng đến lao động, sinh hoạt. Vì vậy, cần thường xuyên vệ sinh, giữ gìn tay sạch sẽ, tuyệt đối không dụi mắt khi tay không sạch. Đeo kính râm khi ra ngoài nắng nóng, tránh khói bụi, hạn chế di chuyển từ 11 đến 15h, thời điểm tia cực tím cao nhất trong ngày.

Khi bụi bẩn bay vào mắt có thể chớp mắt vào cốc nước sạch, không nên dùng tay dụi, có thể gây xước giác mạc. Không sử dụng chung khăn mặt với người bị đau mắt đỏ, viêm kết mạc. Thường xuyên giặt sạch khăn mặt và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Nên tra rửa mắt bằng nước muối Nacl 0,9% hàng ngày. Uống nhiều nước để cung cấp đủ nước, độ ẩm cần thiết cho mắt. Có chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi. Không tắm ở khu vực nước biển, sông, suối, ao hồ bị ô nhiễm, mất vệ sinh. Khám mắt ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bệnh lý, không tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Khám định kỳ 6 tháng một lần là cách tốt nhất giúp sớm phát hiện những bệnh về mắt để điều trị kịp thời.

Chuyên gia hướng dẫn lựa chọn thuốc nhỏ mắt có chứa bốn nhóm dưỡng chất cần thiết

Chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa có vai trò dọn dẹp và loại bỏ chất thải chuyển hóa của cơ thể, ngăn chặn nguy cơ tiến triển của mọi bệnh lý về mắt. Kết quả kiểm chứng lâm sàng tại Đại học California, Mỹ khẳng định, loại thuốc bổ mắt tốt nhất cần phải chứa Alpha lipoic acid. Chúng có khả năng thấm tốt qua cả hai môi trường nước, dầu nên hấp thu tốt vào mô mắt. Đồng thời, có thể phục hồi hệ thống chống oxy hóa nội sinh và tạo ra lớp bảo vệ mắt vững chắc khỏi tác nhân có hại.

Chất chống thoái hóa

Lutein và Zeaxanthin là hai thành phần cấu tạo nên võng mạc và điểm vàng của mắt, quyết định sự rõ nét, màu sắc của hình ảnh. Bên cạnh đó, chúng còn có tác dụng hấp thụ và loại bỏ tia cực tím từ ánh nắng mặt trời hoặc thiết bị điện tử để bảo vệ mắt, chống thoái hóa. Tuy nhiên, Lutein, Zeaxanthin là carotenoid không tan được trong nước, do vậy cần phải phối hợp với những hoạt chất có khả năng tan trong cả hai môi trường như Alphalipoic acid mới có thể hấp thu dễ dàng và đạt hiệu quả chăm sóc mắt cao.

Kháng sinh tự nhiên

Hoạt chất kháng sinh giúp mắt đối phó với tình trạng viêm, nhiễm khuẩn mắt như viêm màng bồ đào, viêm giác mạc, viêm kết mạc do tác hại của khói bụi, vi khuẩn… Nghiên cứu tại trung tâm Nhãn Khoa, Viện Khoa học y tế New Delhi (Ấn Độ) cho thấy, hoạt chất Palmatin từ thảo dược hoàng đằng có khả năng chống viêm, giúp mắt bớt sưng đỏ, đau nhức, khó chịu tương tự các kháng sinh thế hệ mới hiện nay.

Chất dinh dưỡng thiết yếu

Chất dinh dưỡng là thành phần không thể thiếu trong một loại thuốc bổ mắt tốt. Các vitamin nhóm B (B2, B3, B6, B9), nguyên tố vi lượng (Kẽm, Đồng, Sắt, Selen)… đóng vai trò như nuôi dưỡng, tăng sức đề kháng cho mắt, cải thiện thị lực.

Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng thuốc bổ mắt

Hiện nay, có khá nhiều loại thuốc bổ mắt dùng dạng thuốc viên uống với những lời giới thiệu rất hấp dẫn: “Giúp sáng mắt, chống khô mắt, nhìn mờ, phòng ngừa các bệnh như đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng tuổi già”; “bổ mắt với sụn vi cá mập thiên nhiên bổ sung các vitamin và chất vi lượng, ngăn ngừa và điều trị khô mắt, mỏi mắt, hoa mắt, giảm thị lực”… Xem kỹ thì các thuốc bổ mắt kể trên chứa các vitamin như: vitamin A, vitamin E, vitamin C, một số vitamin nhóm B…, hoặc chứa các carotenoid ảnh hưởng tốt cho mắt như lutein, zeaxanthin…, hoặc chứa thêm chondroitin (từ sụn vi cá mập) cũng được xem là tốt cho mắt. Thực chất, các loại thuốc bổ mắt chỉ là những chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho mắt chứ không có tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh.

Khánh Mai (t/h) 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang