Thị trường giá cả Tết Nhâm Dần 2022: Dự báo sớm biến động, có kịch bản ứng phó

author 06:54 20/11/2021

(VietQ.vn) - Theo dự báo, giá cả, thị trường hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022 sẽ có nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Dịp Tết Nhâm Dần năm 2022 đến với các gia đình Việt Nam trong hoàn cảnh nhiều khó khăn và vất vả khi cả nước phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Những diễn biến thực tế của thị trường giá cả trong gần một năm qua cho thấy, các đơn vị bán buôn, bán lẻ trong hệ thống phân phối cả nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác đảm bảo tiêu dùng cho người dân, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn còn một số hạn chế trong công tác phục vụ, gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Từ nay cho đến Tết Âm lịch 2022 chỉ còn gần 3 tháng nữa, chính vì vậy mà công tác chuẩn bị nguồn hàng, tổ chức dự trữ hàng hóa và tổ chức bán ra phải hết sức khẩn trương, khoa học và trách nhiệm mới đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để ngành bán lẻ Việt Nam phấn đấu tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình.

Về xu hướng giá cả, thị trường hàng hóa trong dịp Tết sắp tới, điều đầu tiên cần đề cập đó là việc mua sắm Tết có khả năng sớm hơn những năm trước bởi Việt Nam vẫn đang tiếp tục chống dịch, khả năng bùng phát dịch lớn cũng không loại trừ. Chính vì vậy tâm lý mua sắm sớm hơn là điều dễ hiểu.

Điều thứ hai chúng ta cần quan tâm đó là sức mua trong người dân vẫn còn yếu. Tuy vậy cứ mỗi dịp Tết đến ai cũng có nhu cầu mua sắm nhiều hơn. Mặt khác, từ nhiều tháng nay, chi phí đầu vào của sản xuất và lưu thông tăng lên bởi sự tăng giá của xăng dầu, gas... dẫn tới hệ quả là một mặt bằng giá mới đã hình thành đối với nhiều mặt hàng theo chiều hướng tăng lên đem lại bất lợi trong chi tiêu của từng gia đình và làm giảm sức mua xã hội.

Nếu thị trường không ổn định được giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm... trong dịp Tết thì đây thực sự là một khó khăn đối với người tiêu dùng, nhất là những gia đình nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng do đại dịch, thu nhập bị giảm sút mạnh trong những tháng qua. Chính vì vậy mà các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp phải tìm cách vượt qua trong thời gian sắp tới.

Ảnh minh họa

Về hệ thống phân phối phục vụ Tết cũng có những vấn đề phải lưu tâm. Kinh nghiệm khi dịch bùng phát lớn nhất là ở TP.HCM và một số thành phố phía Nam, nhiều chợ, siêu thị kể cả chợ đầu mối cũng tạm đóng cửa. Khi đó sức ép phục vụ dồn về hầu hết siêu thị còn đang hoạt động từ đó dẫn tới quá tải gây ra căng thẳng về mua sắm và làm tăng đột biến giá cả một số mặt hàng thiết yêu trên thị trường. Vấn đề này cần đặt ra trong dịp dịch vụ Tết sắp tới là cần thiết.

Về công tác thu mua nguồn hàng phục vụ Tết nhất là ở các thành phố lớn có sức mua cao và tiêu thụ lớn thì việc tổ chức kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa cần được tổ chức một cách đều đặn và hiệu quả. Chuỗi cung ứng phải phát triển tăng về số lượng, tăng về độ kết dính, giảm chi phí vận chuyển lưu thông. Đặc biệt cần hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia chuỗi, bởi đây là gốc của sự phát triển.

Về công tác quản lý thị trường, giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm cũng cần được đặc biệt quan tâm, bởi nhu cầu mua sắm tăng gấp mấy lần lúc bình thường. Chính vì vậy việc quản lý thị trường để bảo vệ quyền lợi tiêu dùng là hết sức cần thiết.

Công tác chống hàng lậu, hàng giả phải làm từ biên giới hải đảo, không để hàng vào nội địa, khi đó kiểm soát đã quá muộn và không hiệu quả. Quản lý thị trường cần có trách nhiệm cao để loại bỏ các hành vi vi phạm tạo tâm lý bất ổn về giá cả thị trường và xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

Có thể thấy, việc phục vụ tiêu dùng đợt Tết Nhâm Dần đòi hỏi cần có nhiều cố gắng hơn so với những cái tết bình thường khác. Các địa phương trong cả nước cần xây dựng kế hoạch phục vụ một cách tỉ mỉ, chu đáo, khoa học. Các doanh nghiệp bán lẻ cần có kế hoạch riêng cho mình để đảm bảo hàng hóa được bán ra đều đặn, giá cả hợp lý, chất lượng an toàn vệ sinh, phương thức phục vụ nhanh gọn, thái độ ứng xử văn minh, lịch sự.

Đây cũng là dịp để doanh nghiệp củng cố thương hiệu của mình, tạo niềm tin cho khách hàng. Cánh cửa siêu thị mở rộng để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa, nhất là hàng Việt được đứng trên kệ một cách đàng hoàng, không phải chịu những o ép không đáng có khi tiếp cận một số siêu thị.

Chúng ta tin tưởng được sự quan tâm của các ngành các cấp và sự nỗ lực của doanh nghiệp và sự ủng hộ của người tiêu dùng với các doanh nghiệp làm ăn tử tế, chân chính, chắc chắn công tác phục vụ Tết sắp tới sẽ an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, mọi gia đình đều có Tết.

Chuyên gia Kinh tế Vũ Vinh Phú

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang