Chuyên gia nhận định về quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt

author 15:10 14/07/2022

(VietQ.vn) - Các chuyên gia kinh tế và nhà quản lý doanh nghiệp đã quy tụ tại Tọa đàm với chủ đề “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức để cùng phân tích, đưa ra phân tích hiện thực, đưa ra nhận định về xu hướng của đầu tư cá nhân trong tương lai đến.

Theo nhận định, những yếu tố bất ổn như đại dịch Covid-19 bùng phát, nhân tố bất ổn khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa kết thúc, chính sách zero Covid của Trung Quốc... đã khiến nhiều loại nhiên liệu hóa thạch tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lạm phát gia tăng tác động xấu tới nhiều hoạt động kinh tế trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư chuyên nghiệp bày tỏ sự khó khăn, nhiều người còn cho rằng đang mất phương hướng trước các biến động. Tuy nhiên, nhìn từ một góc độ khác, nhà đầu tư đã phải tìm cách thích nghi và phát triển, tự chuyển đổi về quản trị điều hành, phương thức kinh doanh... Điều đó tạo cơ hội sinh lợi mới cho nhiều kênh đầu tư.

 Tọa đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức

 Tọa đàm “Quản lý đầu tư cá nhân trong môi trường linh hoạt” do Báo Đầu tư tổ chức

Thực tế cho thấy, dù khó khăn còn bộn bề, nhưng các nhà đầu tư Việt Nam đang xoay chuyển rất tích cực để phù hợp với điều kiện kinh doanh mới với nhiều hoạt động sôi động trong nửa cuối năm 2022.

Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư trong bài phát biểu khai mạc Tọa đàm nhận định: “Trong quý II/2022 chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm trên hầu hết các kênh đầu tư ở thị trường quốc tế và tại Việt Nam. Dễ nhìn thấy nhất là sự giảm điểm của chỉ số chứng khoán quốc tế và trong nước. Vàng, bất động sản cũng chứng kiến sự biến động mạnh theo hướng giảm giá và giảm thanh khoản. Nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ và nhiều nhà đầu tư đã trở lại với các kênh đầu tư truyền thống là gửi tiết kiệm. Nhưng trong bức tranh chung đó, không phải tất cả các kênh đầu tư đều trở nên tồi tệ. Các nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam đang chứng kiến thị trường chứng khoán phái sinh sôi động hơn bao giờ hết. Đặt trong bối cảnh dài hạn, các kênh đầu tư đang phát triển rất tốt tại Việt Nam với các cơ hội đầu tư đang hiện hữu. Có được điều đó là nhờ sự tăng trưởng kinh tế liên tục tại Việt Nam hơn 30 năm qua. 

Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư trao đổi với các chuyên gia trong chương trình tọa đàm

 Ông Lê Trọng Minh - Tổng Biên tập Báo Đầu tư trao đổi với các chuyên gia trong chương trình tọa đàm

Kinh tế thế giới đang biến động dữ dội, nhưng đây chính là thời cơ cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức. Trong nửa đầu năm 2022, hầu hết các nước phát triển phải thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa kết thúc, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy, nguy cơ suy thoái vẫn đang hiện hữu. Tất cả điều này tạo nên một giai đoạn bất ổn cho nhiều thị trường đầu tư trên toàn cầu khi các chỉ số biến động rất mạnh trong thời gian ngắn giữa tâm lý hưng phấn và bi quan”.

“Bối cảnh chung đó lại tạo ra cơ hội đầu tư mới, khi hầu hết tài sản bỗng trở nên rẻ hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Nhiều nhà đầu tư đang quay lại mua tích lũy trên thị trường chứng khoán; nhiều nhà đầu tư đang tham gia sâu hơn vào thị trường chứng khoán phái sinh, thị trường hàng hóa. Không ít thương vụ mua bán, sáp nhập đang âm thầm diễn ra trên thị trường địa ốc... Phân tích các cơ hội cho các kênh đầu tư mới, sự phát triển của các kênh đầu tư như thế nào? Nhà đầu tư nên quản trị đầu tư trong môi trường linh hoạt ra sao? Lựa chọn nền tảng đầu tư nào để an toàn khi thực hiện các giao dịch trên quy mô quốc tế? là các câu hỏi cần được giải đáp thấu đáo, ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa: “Chính sách tiền tệ Việt Nam thời gian qua trong tình trạng ổn định cho nên không bị lạm phát cầu kéo, đấy là lý do quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối vững chắc so với các nước. Đó cũng là một rào cản rất mạnh, cũng là điểm có lợi cho thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam, đặc biệt là thị trường chứng khoán.

Ngoài các áp lực lạm phát, kinh tế Việt Nam cũng chịu các áp lực khác trong đó có áp lực về suy giảm kênh đầu tư như kênh đầu tư tư nhân chủ yếu trong các năm qua, ví dụ là trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán, bitcoin… Đây là những kênh đầu tư chịu áp lực rất lớn từ lạm phát và các bất ổn về chính trị, kinh tế toàn cầu. Đồng thời, cũng phản ánh dấu hiệu quá “nóng” của những kênh đầu tư này, đặc biệt là chứng khoán, bất động sản.”

TS Lê Xuân Nghĩa: Kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối vững chắc so với các nước

TS Lê Xuân Nghĩa: Kinh tế Việt Nam phục hồi tương đối vững chắc so với các nước  

"Thị trường tài sản là một thị trường đầu tư có doanh lợi trên vốn rất cao, tuy nhiên, rủi ro cũng rất lớn. Ngoài ra, đây cũng là thị trường rất dễ bị thao túng nếu không được kiểm soát tốt sẽ tạo ra những làn sóng đầu tư bầy đàn có thể làm sụp đổ thị trường một cách nhanh chóng. Vì vậy, đối với từng cá nhân nguồn tài chính có hạn thì việc đầu tiên phải xác định đầu tư tài sản chứ không phải đầu cơ tài sản", TS Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga - CFA, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank cho rằng, đối với hoạt động quản lý quỹ, thị trường 6 tháng đầu năm có nhiều biến động, tuy nhiên quý I thị trường diễn biến có lợi và nhìn chung, tài sản của các công ty quản lý quỹ vẫn có xu hướng tăng lên. 6 tháng cuối năm, đối với công ty quản lý quỹ, nếu nhận định các cổ phiếu có khả năng tăng trưởng trong dài hạn, có đội ngũ quản lý tốt, có hưởng lợi từ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam và tăng trưởng hợp lý thì sẽ tiếp tục nắm giữ. 

 
 
 
 
 
 
 
"Theo dòng lịch sử, tất cả các thành tựu lớn nhất của loài người đều có sự liên hệ đến nghiên cứu khoa học nói chung và sự phát triển về mặt công nghệ của thị trường tài chính nói riêng. Nói cách khác các mô hình tài chính mới luôn được sinh ra để phá vỡ các quy tắc cũ và không còn phù hợp với công nghệ hiện tại. Định luật Moore là một minh chứng rõ nét cho xu hướng này khi cho rằng cứ sau 24 tháng sức mạnh của bộ xử lý sẽ tăng gấp đôi. Điều này thúc đẩy nhanh chóng các xu hướng phi tập trung hóa không thể đảo ngược trong ngành tài chính để tạo ra những cấu trúc và mô hình mới thật vững chắc và giàu năng lượng hơn những mô hình đã thành công trước đó. Cuộc chiến về các mô hình tài chính trong hiện tại và tương lai không phải đến từ các kinh nghiệm quản trị tài chính đã có từ trước mà đang và sẽ tiếp tục là cuộc đấu trí của các thuật toán tiên tiến nhất nhằm tìm ra các sản phẩm và mô hình kinh doanh tối ưu theo cách mà chỉ có những đầu óc luôn rộng mở mới có thể hình dung ra được. Hy vọng rằng điều này sẽ là nguồn cảm hứng cho các thế hệ trẻ trong ngành tài chính chúng ta luôn theo dõi, phát triển và ứng dụng những bước đi mới nhất của công nghệ và kiến thức tài chính toàn cầu mới để từ đó định hình được nền tảng kiến thức vững chắc cho bản thân và cùng xây dựng nên một xã hội phát triển đa dạng các mô hình tài chính tiên tiến nhất", - Ông Thái Việt Dũng - Giám đốc Exness Việt Nam chia sẻ.
 

Đánh giá về các kênh đầu tư mới xuất hiện, ông Thái Việt Dũng, Giám đốc Exness tại Việt Nam cho biết: “Rõ ràng quan trọng nhất trong cuộc chiến giữa công ty tài chính đó là vấn đề liên quan đến đầu tư công nghệ và sử dụng thuật toán tự động thế nào để cạnh tranh với đối thủ của mình. Cuộc chiến bây giờ không phải là cuộc chiến của tài chính tập trung nữa mà sẽ nghiêng về mô hình phi tập trung.”

Dưới góc độ quản lý quỹ đầu tư, ông William Đỗ, CEO của Quỹ đầu tư Hobbit Investment, chia sẻ: “Mối quan tâm và khẩu vị của nhà đầu tư đối với các kênh đầu tư mới rất khác biệt, đặc biệt đối với các kênh đầu tư chịu sự ảnh hưởng nhất định từ biến động không ngừng trong thị trường kinh tế vào những năm trở lại đây. Chính vì sự khác biệt từ trong nền tảng công nghệ đã khiến các kênh đầu tư này trở nên mơ hồ và khó tiếp cận đối với đại đa số những nhà đầu tư truyền thống. Do vậy, để xoá nhoà được khoảng cách thế hệ về công nghệ và giúp các nhà đầu tư truyền thống có thể tham gia vào thị trường của các kênh đầu tư mới này với những kiến thức cần và đủ, vai trò và nghĩa vụ của những người dẫn đầu là vô cùng quan trọng”.

Còn về 2 lĩnh vực đang rất thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư hiện nay là bất động sản và chứng khoán, chuyên gia Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT RB Group nhận định, về thị trường bất động sản trong 6 tháng và 1 năm tới có thể còn nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư đã ôm hàng trong giai đoạn mới đây, đặt biệt là các nhà đầu tư đầu tư ngắn hạn, đầu cơ hay sử dụng đòn bẩy ngân hàng quá đà, có nhiều nhà đầu tư có thể phải gồng lỗ hoặc cắt lỗ trong giai đoạn này nếu không có dòng tiền tốt. Tuy thời điểm khó khăn để xuống tiền nhưng chúng ta lại nhìn thấy những điểm tích cực của thị trường trong trung dài hạn.

Về kênh đầu tư chứng khoán hiện nay, ông Trần Đức Anh - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược đầu tư, Chứng khoán KB Việt Nam nêu quan điểm: “Động lực tăng trưởng chính của thị trường trong 6 tháng cuối năm sẽ đến từ khả năng đề kháng tốt của nền kinh tế trước những áp lực gia tăng từ ngoại biên, cũng như đà tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết. Chúng tôi kỳ vọng thị trường trong quý III sẽ sớm bước vào nhịp hồi ngắn hạn, phản ứng với các chỉ tiêu vĩ mô tích cực được công bố, cũng như mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2, đặc biệt sau nhịp điều chỉnh sâu ở nhóm cổ phiếu tính chu kỳ cao như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và các ngành liên quan”.

Nguyễn Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang