Chuyên gia tiếp tục cảnh báo tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng

author 09:59 14/10/2023

(VietQ.vn) - Hiện nay, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Viện Kiểm soát Thuốc lá Toàn cầu (IGTC), Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Đại học Bang Portland đã chỉ ra mối liên hệ giữa các hóa chất hương vị có trong thuốc lá bán tại Việt Nam và sự hấp dẫn của sản phẩm này đối với người tiêu dùng, bao gồm cả giới trẻ. Các kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nicotine & Tobacco Research và giới thiệu trong một video đính kèm, là nghiên cứu đầu tiên phân tích thành phần hóa học có trong nhiều loại thuốc lá khác nhau hiện có bán tại Việt Nam.

Nghiên cứu đã phân tích thành phần hóa học của 180 loại hương vị có trong nhiều nhãn hiệu thuốc lá khác nhau được bán ở Việt Nam và phát hiện ra 17 gói trên tổng số 35 gói thuốc lá được lấy mẫu (chiếm 49%) có chứa bạc hà — bao gồm các mức cao nhất trong số tất cả các loại thuốc lá (lên tới 16,6 mg/điếu). 20 gói trên tổng số gói thuốc lá mẫu (chiếm 57%) có dùng các "công nghệ" hương vị. Sự có mặt của "các hóa chất hương vị khác" (như hương trái cây) được tìm thấy trong 24 gói thuốc lá mẫu (chiếm 69%), trong đó có 16 gói có chứa bạc hà.

Thị trường thuốc lá có hương vị tại Việt Nam đang gia tăng và chính các hương vị có thể thúc đẩy việc sử dụng và mở rộng số lượng người hút sản phẩm thuốc lá độc hại. Các hương vị có thể làm cho điếu thuốc lá trở nên ngon miệng hơn và nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng hương vị nói chung (đặc biệt là bạc hà) có thể góp phần làm giảm khả năng bỏ hút thuốc lá. Các kết quả từ phân tích hóa học chỉ ra rằng sản phẩm chứa hóa chất hương vị và công nghệ cung cấp hương vị bao gồm hương vị ở nhiều mức độ khác nhau (kể cả các mức độ cao) có thể thu hút nhiều người dùng.

Hút thuốc lá gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và các bệnh ung thư. (Ảnh minh họa)

Bà Lauren Czaplicki, nhà khoa học tại IGTC, đồng tác giả của bài nghiên cứu giải thích: Các sản phẩm thuốc lá có hương vị là thủ phạm kéo dài đại dịch thuốc lá, làm thuốc lá trở nên hấp dẫn đối với người tiêu dùng - bao gồm cả giới trẻ và khiến việc bỏ hút thuốc lá trở nên khó khăn hơn. Thật may mắn, bằng việc ban hành lệnh cấm và loại bỏ các sản phẩm thuốc lá có hương vị ra khỏi thị trường, các quốc gia có thể chống lại thành công chiến thuật tiếp thị mật ngọt và mang tính săn mồi của ngành công nghiệp thuốc lá. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc cấm các sản phẩm thuốc lá có hương vị, gồm cả hương bạc hà, có thể giúp giảm việc hút thuốc lá và gia tăng nỗ lực bỏ thuốc lá.

Theo chia sẻ của bác sĩ Hồ Thị Hồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hoạt chất, trong đó có 69 chất gây ung thư. Hút thuốc lá gây ra 25 loại bệnh khác nhau. Hút 1 điếu thuốc tức là đã tự mình làm mất đi 5,5 phút cuộc sống. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 5 đến 8 năm. Tại Việt Nam, có khoảng 40.000 người tử vong/năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá. Đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.

Hút thuốc lá gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim mạch và ung thư. Nguy cơ bị ung thư phổi của người hút thuốc lá cao hơn gấp 10 lần người không hút thuốc lá, 90% trường hợp được chẩn đoán ung thư phổi hàng năm trên thế giới là người hút thuốc lá. 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do nguyên nhân hút thuốc lá. Những bệnh về tim mạch mà người hút thuốc lá có nguy cơ mắc cao là xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ, rối loạn nhịp tim…

Nam giới và nữ giới hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động còn ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản.

Đối với nữ giới

Gây vô sinh: Hút thuốc gây tổn thương trực tiếp, thậm chí phá hủy noãn bào của buồng trứng, do vậy gây vô sinh. Hút thuốc còn làm suy giảm miễn dịch dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng ở vòi trứng cao, gây vô sinh ở người hút thuốc.

Bên cạnh đó, hút thuốc lá làm hạn chế hiệu quả điều trị vô sinh. Những phụ nữ hút thuốc lá, thụ tinh trong ống nghiệm ít thành công hơn và nếu có thai bằng thụ tinh trong ống nghiệm thì hay bị sảy thai hơn. Tỷ lệ sinh con ở phụ nữ hút thuốc lá thấp hơn khoảng 30% so với phụ nữ không hút thuốc lá và nguy cơ sảy thai ở phụ nữ hút thuốc lá cao gấp 1,5 lần so với những người không hút thuốc lá.

Gây sinh non: Theo Hội Sản phụ khoa Mỹ ở những thai phụ hút thuốc 1 gói/ngày, tỷ lệ đẻ non cao hơn 20% so với phụ nữ không hút thuốc. Những trẻ sinh non (dưới 37 tuần) thường hay gặp những biến chứng nguy hiểm có thể gây tử vong. Hút thuốc thụ động làm giảm lượng oxy và chất dinh dưỡng đến với em bé qua nhau thai, làm giảm cân nặng của trẻ sơ sinh từ 200 - 400 gram.

Hút thuốc gây mãn kinh sớm: Lý do chính dẫn đến mãn kinh sớm là do hút thuốc làm giảm nồng độ estrogen trong cơ thể người phụ nữ. Theo một số nghiên cứu, phụ nữ hút thuốc lá mãn kinh sớm hơn phụ nữ không hút thuốc trung bình là 1,74 năm. Hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư cổ tử cung ở nữ giới.

Đối với nam giới

Hút thuốc lá gây liệt dương: Những người hút thuốc lá có nguy cơ liệt dương cao gấp 2 lần người không hút thuốc lá, do hút thuốc lá gây xơ vữa động mạch, làm giảm tưới máu tới dương vật.

Hút thuốc lá làm giảm số lượng tinh trùng: Các nghiên cứu chỉ ra rằng các chất chuyển hóa chính của khói thuốc được tìm thấy trong tinh dịch kìm hãm hệ thống enzyme cần thiết cho tinh trùng có thể hoạt động.

Đối với trẻ em, khi hít phải khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh hen. Trong gia đình có mẹ hút thuốc sẽ làm tăng 72% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ. Nếu có cả bố và mẹ cùng hút thuốc lá sẽ làm tăng 48% nguy cơ viêm tai giữa tái phát ở trẻ.

Ngoài những tác hại đối với sức khỏe, khói thuốc lá còn gây ra các hệ lụy về kinh tế - xã hội như: lãng phí tiền mua thuốc lá, tiền khám chữa các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá; mất khả năng lao động vì ốm đau do các căn bệnh mà nguyên nhân từ thuốc lá; khói thuốc lá làm ô nhiễm không khí, rác thải của thuốc lá gây mất mỹ quan môi trường sống; tàn thuốc có thể gây cháy nổ…

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang