Có bao nhiêu cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng?

author 11:34 15/05/2021

(VietQ.vn) - Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT vừa công bố danh sách các cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước và nước ngoài.

Theo dữ liệu cập nhật đến ngày 30/4/2021, có 153 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và 10 trường cao đẳng (CĐ) sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn trong nước. 7 cơ sở giáo dục ĐH được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Tổng số các chương trình đào tạo được đánh giá/công nhận là 404; bao gồm 192 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 212 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài.

Số cơ sở đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá là 235 trường ĐH, học viện và 28 trường CĐ sư phạm. Số cơ sở được đánh giá ngoài là 162 trường ĐH, học viện và 10 trường CĐ sư phạm.

Có thể thấy, kết quả tự đánh giá, đánh giá ngoài, công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo tăng dần trong những năm gần đây. Những kết quả này được cập nhật thường xuyên và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT.

Từ năm 2013 đến nay đã có 5 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập và cho phép hoạt động, gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐHQG TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường ĐH Vinh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam.

Ảnh minh họa 

Các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục này được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cấp phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với đối tượng là các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm; các chương trình đào tạo giáo dục các trình độ của giáo dục ĐH, chương trình đào tạo trình độ CĐ sư phạm.

2 trung tâm đã có quyết định cho phép thành lập của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, gồm: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Sài Gòn trực thuộc Công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục TPHCM; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Thăng Long trực thuộc công ty Cổ phần đầu tư Giáo dục Hà Nội.

Liên quan tới vấn đề nâng cao chất lượng, năng lực nghiên cứu trong các cơ sở giáo dục, thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2017 – 2020, Bộ KH&CN đã phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai gần 50 nhiệm vụ liên quan đến xây dựng chính sách đổi mới GD&ĐT. Đồng thời hai bên đã xây dựng thành công 02 Nghị quyết của Ban Bí thư TW; 02 Luật; 01 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 19 Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ; 22 Thông tư và Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT,…

Bên cạnh đó, Chương trình phối hợp giữa hai bên đã được triển khai tích cực, tạo chuyển biến tốt cho hoạt động khoa học và công nghệ, góp phần thực hiện các mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao thứ hạng, vị thế của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Với kết quả Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán, việc công bố ISI đến năm 2020 tăng 100% so với năm 2010, trong đó 75% công bố ISI toàn quốc thuộc về các cơ sở giáo dục đại học, thứ hạng Toán học Việt Nam tăng từ vị trí 53 (2010) lên 32 (2018), đồng thời hoạt động công bố ISI đứng đầu ASEAN cả về số lượng và tỷ lệ trích dẫn. Chương trình Vật lý cũng đạt được kết quả quan trọng khi đã tăng hạng từ 60 (năm 2014) lên 52 (năm 2017).

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang