Còi xe ô tô - ‘nỗi ám ảnh’ gây tai nạn, mất mạng trong gang tấc

author 16:03 03/06/2019

(VietQ.vn) - Tiếng còi xe ô tô dường như là “nỗi ám ảnh” của người tham gia giao thông vì rất dễ gây giật mình và không may có thể bị tai nạn thảm khốc.

Thực tế, ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt là tiếng còi xe đô thị, được các chuyên gia trên thế giới xếp vào một dạng ô nhiễm môi trường. Tiếng còi tạo ra một tần số âm thanh đặc biệt khiến não người bị nhiễu loạn trầm trọng. Tiếng còi bị lạm dụng sẽ trở thành sự hung dữ chứ không còn là một thiết bị cảnh báo an toàn khi tham gia giao thông.

Tại Việt Nam, đã có những trường hợp xảy ra ẩu đả chỉ vì tiếng còi xe, thậm chí tai nạn chết người đã được ghi nhận tại nhiều địa phương. 

Tin tức trên báo Pháp luật TP HCM, một vụ tai nạn gần đây nhất phải kể tới nghi vấn liên quan tới tiếng còi xe ô tô. Theo đó, vụ tai nạn thương tâm xảy ra vào trưa 24/4, trên tuyến QL1A, đoạn qua địa bàn ấp Núi Tung (xã Suối Tre, thị xã Long Khánh, Đồng Nai).

Còi xe ô tô là nỗi ám ảnh của nhiều người vì có thể gây tai nạn bất thình lình

 Còi xe ô tô là nỗi ám ảnh của nhiều người vì có thể gây tai nạn bất thình lình. Ảnh minh họa

Theo thông tin ban đầu, vào thời gian nói trên, anh Đỗ Nguyễn Đông Thảo (ngụ xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc) điều khiển xe máy chở mẹ là bà Phạm Thị Bích Ph (50 tuổi) trên quốc lộ 1A, theo hướng Đồng Nai đi Bình Thuận.

Khi đến địa chỉ trên, anh Thảo nghe tiếng còi xe từ phía sau nên hoảng hốt, điều khiển xe loạng choạng va vào trụ biển báo bên đường khiến anh Thảo và bà Ph té xuống đường. Cú va chạm mạnh khiến bà Ph tử vong tại chỗ, còn anh Thảo bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.

Đáng nói, đây không phải là trường hợp tai nạn thương tâm đầu tiên mà nguyên nhân được cho là do tiếng còi xe gây ra. Trước đó, chiếc xe tải mang BKS 19C - 04678 đang di chuyển trên đường Lào Cai – Sa Pa, hướng Kim Tân đi Lào Cai. Khi tới ngã 3 đường chéo đi Sa Pa, tài xế thấy nhiều người tập trung tại đây, nên bấm còi xin đường. Tiếng còi lớn, khiến một người phụ nữ đi xe đạp giật mình ngã ra đường. Đúng lúc này, xe tải đi tới cán qua khiến người này chết tại chỗ, tin tức trên báo VietnamNet.

Một vụ tương tự khác cũng đã xảy ra tại TP HCM, theo đó vào giờ cao điểm tại nút giao thông Tân Vạn (đoạn giáp ranh giữa thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương và quận 9, TP.HCM) cũng xảy ra vụ tai nạn giữa xe ben và xe máy khiến một người phụ nữ khoảng 40 tuổi tử vong. Nguyên nhân ban đầu được cho là do người này bị giật mình bởi tiếng còi hơi từ chiếc xe ben, sau đó loạng choạng tay lái rồi xảy ra va chạm.

Cài nhầm số ô tô có thể gây tai nạn thảm khốc - nhiều tài xế mắc(VietQ.vn) - Cài nhầm số ô tô là lỗi nhiều người mắc và thực tế đã có không ít vụ tai nạn thảm khốc xảy ra do tài xế mắc lỗi này.

Liên quan tới vấn nạn này, các chuyên gia cho rằng, hiện nay ô nhiễm tiếng ồn đang là vấn đề báo động ở Việt Nam gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe con người. Tiếng ồn giao thông là một trong những nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn chính tại các đô thị Việt Nam. Trong đó, phải kể đến thói quen sử dụng còi xe bừa bãi khi tham gia giao thông.

Theo kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn giao thông tại thủ đô hiện đang vượt mức cho phép. Tính trung bình, tiếng ồn vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA, vượt 10% so với tiêu chuẩn và tiếng ồn vào ban đêm từ 65,3-75,7 dBA, vượt tiêu chuẩn từ 15-20%. Một trong những tác nhân gây nên tiếng ồn giao thông là thói quen thường xuyên sử dụng còi xe khi tham gia giao thông.

Vào giờ cao điểm, tại các tuyến đường trong đô thị, hay tại các nút giao cắt luôn tràn ngập tiếng còi. Người ta bấm còi bất cứ khi nào có thể: bấm còi khi muốn giục giã người đằng trước đi nhanh, bấm còi khi muốn vượt, bấm còi khi muốn rẽ và bấm còi ngay cả khi đang đèn đỏ, hoặc đang tắc đường. Nhiều người tham gia giao thông cảm thấy mệt mỏi và ức chế khi vừa phải chịu đựng cảnh tắc đường, vừa phải chịu đựng những tiếng còi xe.

Mặc dù tại Khoản 3, điều 5 nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định: Phạt tiền từ 600-800 nghìn đồng với người điều khiển xe có hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định...Tuy nhiên vấn nạn còi xe đến nay vẫn diễn ra nhức nhối là do chế tài xử phạt còn nhẹ, không đủ tính răn đe. Các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm về còi xe do còn thiếu thiết bị đo âm lượng nên không thể xử phạt theo cảm quan mà phải tuân theo các chứng cứ, số liệu cụ thể.

An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang