Bão số 14 được đánh giá là bão có tính hủy diệt

author 08:08 09/11/2013

Bão số 14, bão Haiyan, là cơn bão được cơ quan khí tượng thủy văn nhận định là mạnh nhất trong lịch sử vào biển Đông và nhiều khả năng thành cơn bão mạnh nhất lịch sử vào đất liền nước ta với sức tàn phá có tính chất hủy diệt.

Phải chuẩn bị chống bão số 14 xong trước 22g hôm nay

Ông Bùi Minh Tăng, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, cho biết bão Haiyan (theo tiếng Trung Quốc, nước đề xuất tên bão) là cơn bão thứ 31 hình thành trên Tây Bắc Thái Bình Dương, di chuyển rất nhanh, tốc độ trung bình 30-35km/giờ. Khi mới hình thành sức gió mạnh cấp 8 nhưng chỉ trong vòng hai ngày đã mạnh lên cấp 17, giật trên cấp 17. Đây là cấp cuối của cấp cảnh báo bão, cấp độ mạnh nhất trong bảng cấp gió mà Ủy ban Bão quốc tế quy định. Phạm vi bán kính gió từ cấp 6 trở lên của cơn bão từ 400-500km.

Ông Tăng nhận định sau khi vượt qua Philippines, bão Haiyan vào biển Đông trong đêm 8-11 và trở thành cơn bão số 14 trên biển Đông, hướng vào đất liền nước ta với tốc độ trung bình 30km/giờ. Ông Tăng cho biết áp thấp nhiệt đới vừa qua được các cơ quan chức năng thống nhất gọi là bão số 13.

Theo ông Tăng, từ nay cho đến ngày bão đổ bộ, vùng biển đặc biệt nguy hiểm là giữa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sức gió cấp 15-17, giật trên cấp 17. Từ trưa và chiều 9-11 vùng biển ngoài khơi Trung bộ có gió mạnh cấp 8-10, sau tăng lên cấp 12-13. Dự kiến tâm bão tiếp cận đất liền sớm nhất là bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế từ khoảng 4g ngày 10-11 rồi đi trượt lên phía Bắc từ Quảng Trị đến Nghệ An nên vùng tâm bão ảnh hưởng tới các tỉnh trên từ khoảng 7g-13g ngày 10-11. Ông Tăng đề nghị mọi sự chuẩn bị trên bờ phải hoàn thành trước 21-22g ngày 9-11 vì từ nửa đêm trên bờ có gió mạnh.

Về mưa, dự báo từ chiều 9-11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên có mưa to đến rất to rồi mưa lan dần ra các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa và Bắc bộ. Từ đêm 10-11, trung du và đồng bằng Bắc bộ có mưa to đến rất to kéo dài đến ngày 12, một số nơi kéo sang ngày 13-11. Lượng mưa từ Phú Yên đến Thanh Hóa, bắc Tây nguyên và đồng bằng trung du Bắc bộ có mưa phổ biến 200mm, có nơi 500-600mm. Với cường độ bão rất mạnh, ông Tăng dự báo khu vực ven biển từ Nghệ An đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước biển dâng kết hợp triều cường cao từ 4-6m, sóng biển từ 5-8m, vùng gần tâm bão sóng có thể cao trên 10m.

Với cơn bão mạnh chưa từng thấy, ông Tăng đề nghị các cơ quan chức năng xem xét cụ thể và có thể công bố tình trạng khẩn cấp đối với những vùng bão có thể đổ bộ.

 

Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương chống siêu bão số 14 vì nó được đánh giá là có tính hủy diệt
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp và chỉ đạo chống bão số 14 chiều 8-11 - Ảnh: T.Phùng

Mục tiêu giảm thiệt hại do siêu bão tới mức thấp nhất

Trước diễn biến của bão và ý kiến về các giải pháp phòng chống từ các địa phương, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát cho biết vẫn còn tàu thuyền trên biển trong vùng nguy hiểm. Tàu chạy được 10km/giờ nhưng bão đi 30km/giờ nên phải thoát ra nhanh chóng. Ông Phát đề nghị trước 19g ngày 9-11 toàn bộ tàu thuyền từ bắc vĩ tuyến 10 đến vĩ tuyến 20 phải được neo đậu an toàn. Với tàu thuyền ở Trường Sa thì ngư dân phải lên đảo trú bão. Đến 19g ngày 9-11 tất cả phải vào khu neo đậu.

“Các địa phương phải chọn kỹ lưỡng các công trình kiên cố để người dân trú ẩn, không sơ tán vào trường học lợp mái tôn như những trận bão trước. Còn việc đào hầm trú bão phải chọn nơi cao, tránh sóng lớn và nước biển ngập. Lúc tâm bão vào bờ cần cấm tất cả xe cộ di chuyển trên đường, thông báo trước để xe không vào vùng bão rồi bị ùn tắc trên đường lúc gió bão” - ông Phát yêu cầu.

Lắng nghe các ý kiến địa phương và bộ ngành liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Tập trung triển khai ngay các phương án phòng chống bão ở mức cao nhất, bằng các giải pháp có thể làm được để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về sinh mạng, tài sản của người dân và Nhà nước bằng mọi giải pháp phù hợp thực tế.

“Đề nghị tất cả bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thật tốt phòng chống với mục tiêu trên. Từ Thanh Hóa tới Cà Mau dừng tất cả các cuộc họp, hoạt động để tập trung phòng chống bão. Chính phủ cử Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Cao Đức Phát vào kiểm tra việc phòng chống của các tỉnh, đặt sở chỉ huy ở Đà Nẵng và phân công nhau đi các tỉnh. Các bộ trưởng, chủ tịch các tỉnh chịu trách nhiệm trước trung ương, trước nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ phòng chống bão” - Thủ tướng yêu cầu.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho bộ đội ở Trường Sa, các nhà giàn DK cũng như nhân dân trú bão trên đảo. Về việc sơ tán dân, Thủ tướng đề nghị phải thực hiện với tinh thần cương quyết, các địa phương phối hợp quân đội, công an, Đoàn thanh niên giúp dân sơ tán đến nơi an toàn.

Cơn bão khủng khiếp nhất

Giới chuyên gia quốc tế xác định siêu bão Haiyan có thể là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử loài người. Theo Reuters, Tổ chức Khí tượng Mỹ Weather Underground cho biết siêu bão Haiyan có sức gió lên đến 315km/giờ, giật 380km/giờ, mạnh hơn bất kỳ cơn bão nào từng ghi nhận được từ trước đến nay. CNN dẫn lời chuyên gia Maryann Zamora thuộc Tổ chức World Vision cho biết cơ quan của bà từng quan sát vô số trận bão lớn nhưng Haiyan là cơn bão có sức mạnh khủng khiếp nhất.

Báo Huffington Post dẫn lời chuyên gia Ryan Maue thuộc Hãng khí tượng WeatherBELL Analytics cho biết siêu bão Haiyan còn mạnh hơn cả trận bão Tip năm 1979, cơn bão từng được các tổ chức quốc tế đánh giá là trận bão nhiệt đới mạnh nhất trong lịch sử. Cơn bão này có sức gió ở thời điểm mạnh nhất vào khoảng 305km/giờ. Cơn bão mạnh nhất ở Đại Tây Dương (hurricane) cũng có sức gió khoảng 305km/giờ. Báo Huffington Post dẫn lời nhà nghiên cứu Chia-Ying Lee thuộc Viện Nghiên cứu khí hậu quốc tế ĐH Colombia (Mỹ) cho biết bão Haiyan thuộc vào loại độc nhất vô nhị, bởi nó đạt sức mạnh tối đa rất nhanh và không hề suy yếu, trong khi tất cả các cơn bão lớn khác đều trải qua giai đoạn mạnh lên và yếu đi trước khi đạt cường độ cao nhất.

HIẾU TRUNG

 

Siêu bão Haiyan tàn phá Philippines, 3 người chết

Tính đến đêm qua 8-11, siêu bão Haiyan với sức gió 315km/giờ, giật 380km/giờ đã tàn phá dữ dội các đảo Leyte, Samar, tỉnh Cebu và đảo Boracay ở Philippines.

Theo Reuters, Cơ quan Thảm họa quốc gia Philippines thông báo đã có ba người thiệt mạng, một người mất tích và bảy người bị thương. Tuy nhiên con số thương vong chắc chắn sẽ gia tăng khi các đội cứu hộ đến được những vùng bị tàn phá nặng nề nhất. Hiện các đảo Samar, Leyte và Bohol đều rơi vào tình trạng mất điện hoàn toàn, hệ thống liên lạc cũng bị cắt đứt.

Những con sóng cao 3-7m liên tục đánh dồn dập vào khu vực ven biển. Các hình ảnh chụp tại thành phố Tacloban thuộc tỉnh Leyte cho thấy hàng loạt ngôi nhà bị tốc mái và các con phố biến thành sông. Một ngôi làng trong tỉnh bị ngập sâu tới 3m. Ở những nơi khác, nhà cửa, cây cối, cột điện... bị san bằng. Tổ chức Chữ thập đỏ quốc gia Philippines cho biết tại các khu vực ven biển, 90% hạ tầng bị hư hại nặng nề.

Để tránh bão, nhà chức trách Philippines đã đóng cửa 13 sân bay, hủy hơn 450 chuyến bay. Hầu như toàn bộ công sở, trường học, cửa hàng ở các tỉnh miền trung ngừng hoạt động. Khoảng 20 tàu hải quân và máy bay chiến đấu được điều động để hỗ trợ người dân. Khoảng 1 triệu người đã được di tản.

H.TRUNG

 

Có thể phá hủy hoàn toàn nhà cấp 4

Theo ông Bùi Minh Tăng, cơn bão Haiyan có sức hủy diệt lớn nhất từ trước tới nay đổ bộ vào nước ta. Trong lịch sử nước ta bị nhiều cơn bão mạnh nhưng chỉ từ cấp 12-13, chưa bao giờ có bão trên cấp 13. Nay có cơn bão lên cấp 17, bằng cấp bão số 5 theo thang báo bão của Mỹ là cấp lớn nhất, có sức hủy diệt mạnh nhất.

VN chưa có trải nghiệm về cơn bão mạnh như thế này nhưng đánh giá từ các nước đã trải nghiệm bão mạnh nhất như bão Haiyan thì có thể mô tả: với bão cấp 17, người và gia súc có nguy cơ bị thương và tử vong rất cao do mảnh vỡ rơi, bay xuống ngay cả khi ở trong nhà cấp 4 hoặc nhà khung; bão có thể phá hủy gần như hoàn toàn tất cả nhà cấp 4 bất kể xây dựng bao nhiêu năm và kết cấu tốt thế nào; tường gạch không có cốt thép dễ bị sụp dẫn đến sự sụp đổ của tòa nhà; hầu hết các cửa sổ không chằng buộc kỹ sẽ bị thổi bay vào các tòa nhà cao tầng dẫn đến vỡ kính. Gần như tất cả các biển quảng cáo, hàng rào bị phá hủy; gần như tất cả cây cối bị gãy hoặc bật gốc...

 

Cần Giờ lại lên phương án dời dân tránh bão

Ngày 8-11, các đơn vị trên địa bàn huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã tổ chức đưa 1.140 dân trở lại xã đảo Thạnh An sau hai ngày tránh bão tại các địa điểm ở thị trấn Cần Thạnh. Tuy nhiên, người dân về nhà chưa “ấm chỗ” thì cùng ngày, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn yêu cầu UBND huyện Cần Giờ lên phương án tiếp tục di dời dân trước những diễn biến phức tạp của cơn bão Haiyan. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TP quyết định thông báo cấm tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tạm ngưng hoạt động đò dọc, đò ngang, tàu du lịch, tàu cánh ngầm...

Thừa Thiên - Huế: nước lũ cuốn trôi hai mẹ con

Chiều 8-11, ông Nguyễn Cường (40 tuổi, trú thôn Vân Cù, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) chèo ghe chở vợ là bà Trần Thị Diễm (40 tuổi), con trai 13 tuổi đang học lớp 6 và một người cháu vượt nước lũ đi bán bún. Khi đến cánh đồng Giáp Đông thì ghe bị lật, cả bốn người bị nước lũ cuốn trôi. Ông Cường và người cháu may mắn bơi được vào bờ, đến 18g cùng ngày người dân tìm thấy thi thể người con trai, còn bà Diễm vẫn bị mất tích.

5 người bị lũ cuốn

Tính đến chiều 8-11, ở hai tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa có năm người bị nước cuốn mất tích. Tại Khánh Hòa hai người mất tích do bị lũ cuốn là anh Nguyễn Thành Thắng (17 tuổi, ngụ thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) bị lật xuồng trên sông Cái sáng 7-11 và cháu Ngô Tùng Nguyên (2 tuổi, ở xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) bị lũ cuốn chiều tối 7-11. Tại Ninh Thuận, cho đến nay mới chỉ tìm thấy hai thi thể trong số ba nạn nhân bị lũ cuốn là em Tà Yên Thang (14 tuổi, thôn Hà Dài, xã Ma Nới) và anh Phạm Hồ Quốc Duy (19 tuổi, trú thôn Tân Hiệp, xã Hòa Sơn), nạn nhân còn lại là anh Phạm Hồ Quốc Dũng (25 tuổi, anh trai của Phạm Hồ Quốc Duy) vẫn chưa tìm thấy. Các nạn nhân này bị lũ cuốn khi đi lấy củi, gỗ trở về nhà vào chiều tối 7-11.

THÔNG TIN LIÊN QUAN BÃO SỐ 14

Bão Haiyan tàn phá ở Philippines

 Theo Tuổi trẻ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang