Công ty Đông Dược Nữ Hoàng dùng hình ảnh bác sĩ, quảng cáo sản phẩm có dấu hiệu lừa dối người dùng

author 13:32 22/04/2024

(VietQ.vn) - Bằng nhiều cách thức khác nhau, kể cả sử dụng hình ảnh chuyên gia, bác sĩ, Công ty Đông Dược Nữ Hoàng đã quảng cáo và giới thiệu nhiều sản phẩm không đúng chất lượng và công dụng thực tế.

Tiếp theo dòng sự việc về vấn đề Công ty Đông Dược Nữ Hoàng quảng cáo thật hay chiêu lừa dối khách hàng? phóng viên tiếp tục tìm hiểu và phát hiện, không chỉ quảng cáo, giới thiệu trên website hàng loạt mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe có công dụng, chất lượng không đúng sự thật, mà còn đăng tải trên facebook, youtube gắn với hình ảnh chuyên gia y tế, bác sĩ để quảng cáo, giới thiệu cho sản phẩm.

Điển hình, khi quảng cáo về sản phẩm MAX -S, các website và mạng xã hội này đều khẳng định: "Viên uống trị nám, trắng da MAX -S, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HYDRO HYPER - TRỊ NÁM - TRẮNG DA DA ĐA TẦNG". Việc quảng cáo như vậy là vi phạm quy định pháp luật, không đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng Bộ Y tế, không đúng công dụng, chất lượng của sản phẩm thực tế, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Sản phẩm quảng cáo sai công dụng, chất lượng.

Cụ thể, trong tài liệu thu thập từ website https://dongduocnuhoang.com/, trên google và do ông Vũ Quang Thuận với chức danh Chủ tịch Đông Dược Nữ Hoàng cung cấp, sản phẩm thực phẩm bổ sung MAX -S chỉ là thực phẩm bổ sung (một dạng của thực phẩm chức năng) và không có công dụng nào về điều trị, trị bệnh về nám hay làm trắng da. Tuy nhiên, Công ty Đông Dược Nữ Hoàng đã gắn cho sản phẩm này cái mác với tên gọi "Viên uống trị nám, trắng da MAX -S, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HYDRO HYPER - TRỊ NÁM - TRẮNG DA DA ĐA TẦNG".

Đặc biệt, khi quảng cáo về sản phẩm MAX -S, Công ty Đông Dược Nữ Hoàng còn dùng hình ảnh gắn với ông Vũ Quang Thuận - Chủ tịch Đông Dược Nữ Hoàng và chuyên gia Trần Thị Thanh Nho - Nguyên BSCKIII Da liễu - Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô đăng tải: "Viên uống trị nám, trắng da MAX -S, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HYDRO HYPER - TRỊ NÁM - TRẮNG DA DA ĐA TẦNG". Công ty Đông Dược Nữ Hoàng còn quảng cáo sản phẩm Viên uống trị nám - trắng da MaxS ứng dụng Hydro Hyper trị nám - trắng da đa tầng có tác dụng “Giúp điều trị Nám da – Sạm da – Tàn nhang; Giúp tăng cường độ đàn hồi cho da – Giúp da trắng sáng; Chống oxy hóa – giảm và ngăn ngừa lão hóa da”.

Hình ảnh chụp từ màn hình website Công ty Đông Dược Nữ Hoàng.

Trong khi đó, theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, cụ thể “Nội dung quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải phù hợp với giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm… Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc".

Phát biểu trên truyền thông, báo chí gần đây, PGS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, bản chất của thực phẩm chức năng chỉ là hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những trường hợp quảng cáo sai sự thật. Thậm chí một số nhà in, nhà xuất bản tham gia làm các ấn phẩm có nội dung không đúng quy định và quảng cáo thực phẩm chức năng phóng đại như thần dược, làm cho người tiêu dùng lầm tưởng. Do đó, nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi quảng cáo sai quy định.

Về phía Cục An toàn thực phẩm cũng đã có cảnh báo: Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng "trị" hay “điều trị bệnh”. Trong trường hợp có bệnh, người dân cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời.

Bản tự công bố sản phẩm MAX -S cho thấy đây chỉ là thực phẩm bổ sung.

Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, thời gian qua có tình trạng một số website, trang mạng xã hội sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.

Cục ATTP nhấn mạnh, việc sử dụng hình ảnh, trang phục cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm chức năng là không phù hợp quy định pháp luật. Tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm. Như vậy, việc sử dụng hình ảnh, danh nghĩa các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo cho sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe là không phù hợp quy định pháp luật.

 Các quảng cáo kiểu này tràn lan trên mạng xã hội

Nhiều bài viết trên các trang tin có nội dung không đúng về công dụng sản phẩm.

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp kinh doanh chân chính, Chất lượng Việt Nam (VieQ.vn) đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, Cơ quan Quản lý Thị trường vào cuộc xác minh, kiểm tra để làm rõ những vi phạm (nếu có) từ phía Công ty Đông Dược Nữ Hoàng.

Đối chiếu quy định pháp luật, Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;

Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này”.

Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015.

“Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

NPV

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang