Huyện ra công văn kêu gọi dùng bia Sài Gòn: Trái luật, DN liệu có đứng sau?

author 11:12 28/08/2014

(VietQ.vn) – Ngày 25/8 vừa qua, UBND Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã ký công văn khuyến khích tiêu thụ sản phẩm bia Sài Gòn. Các chuyên gia cho hay, đây là hành vi vi phạm luật cạnh tranh và không phù hợp.

Ngày 25/8 vừa qua, trên Cổng thông tin điện tử Huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có đăng “Công văn về việc đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm Bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim tại Kỳ Anh”

Công văn do Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh, Nguyễn Văn Bổng đứng tên thay mặt UBND được gửi đến: Chủ tịch UBND các xã – thị trấn; Thủ trưởng các cơ quan, phòng, ban, đơn vị và chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; Cơ sở doanh karaoke; kinh doanh ăn uống trên địa bàn huyện.

Công văn có nội dung: Để góp phần hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đặc biệt là ưu tiên sử dụng các sản phẩm Bia Sài Gòn sản xuất tại Hà Tĩnh, nước khoáng Sơn Kim được tiêu thụ trên địa bàn huyện Kỳ Anh.

Hình ảnh công văn yêu cầu sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn và nước khoáng Sơn Kim trên ổng thông tin điện tử huyện Kỳ Anh

Hình ảnh công văn yêu cầu sử dụng các sản phẩm bia Sài Gòn và nước khoáng Sơn Kim trên ổng thông tin điện tử huyện Kỳ Anh. Ảnh minh họa

Các chuyên gia tại Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và chuyên gia kinh tế đều đã có những ý kiến chỉ trích công văn “tiếp thị” trá hình này.

Công văn khuyến khích tiêu thụ bia là vi phạm luật cạnh tranh

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: Cách thức đưa ra văn bản khuyến khích tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp như trên vi phạm Luật cạnh tranh.

Bà Lan cho hay: "Luật cạnh tranh không cho phép các cơ quan Nhà nước đưa ra các chỉ thị, yêu cầu hướng dẫn nhằm “lái” người tiêu dùng sử dụng hàng hóa của một đơn vị nào đó".

Nếu như lý lẽ mà UBND huyện Kỳ Anh đưa ra là hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thì công văn này cũng đi không đúng tinh thần đó. Bà Lan cho rằng, bản chất của cuộc vận động là vận động, khuyến khích tinh thần của người Việt Nam nói chung ủng hộ cho sản xuất của mình, chứ không phải nghị quyết hay chỉ thị nào bắt buộc đối với bất kỳ đơn vị nào.

“Không có chuyện cơ quan Nhà nước ra văn bản theo kiểu bắt buộc, mệnh lệnh, lại càng không thể hướng dẫn vào một sản phẩm có tên cụ thể là bia Sài Gòn, nước khoáng Sơn Kim… Nếu là sự khuyến khích chung người Việt Nam dùng hàng Việt Nam thì UBND huyện chỉ nên đưa ra khuyến khích chung đối với các sản phẩm sản xuất ở Việt Nam và ở địa bàn huyện Kỳ Anh.

Chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nhận định công văn này đã vi phạm luật cạnh tranh

Chuyên gia kinh tế nổi tiếng của Việt Nam, bà Phạm Chi Lan nhận định công văn này đã vi phạm luật cạnh tranh. Ảnh minh họa

Dù UBND huyện có thiện ý muốn khuyến khích doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn huyện có thị trường phát triển là việc làm đáng hoan nghênh nhưng việc ra văn bản đưa tên cụ thể một số sản phẩm của đơn vị bia Sài Gòn như: bia lon Sài Sòn 333, bia chai Sài Gòn Lager, Expor … thì lại là việc làm không đúng pháp luật.

Bà Lan đặt câu hỏi: Tại sao UBND huyện chỉ nhằm hướng người tiêu dùng đến các sản phẩm cụ thể của bia Sài Gòn trong khi còn có bao nhiêu sản phẩm khác được sản xuất trên địa phương cần khuyến khích tiêu dùng? Điều này gây nghi ngờ  có sự vận động nào đó của chính doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm với chính quyền nên chính quyền mới ủng hộ “ra mặt” thông qua văn bản như vậy. (?!)

Dù không biết cụ thể có bao nhiêu doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tương tự là bia, nước uống trên địa bàn huyện Kỳ Anh, nhưng bà Lan khẳng định, nếu có doanh nghiệp khác cũng sản xuất bia thì chắc chắn họ sẽ phản ứng vì UBND huyện ra văn bản như thế là không công bằng. Nhưng nếu trên địa bàn huyện Kỳ Anh chỉ có hãng bia Sài Gòn đặt ở đấy thôi thì việc ra văn bản của UBND huyện cũng là không đúng với các doanh nghiệp khác ở địa bàn tỉnh, cũng như các doanh nghiệp sản xuất khác trên địa bàn cả nước.

“Người ký văn bản này cần xem lại Luật cạnh tranh và rút lại văn bản trước khi các cơ quan khác “thổi còi” vi phạm. Hoặc là cấp cao hơn là cấp Tỉnh cần nhắc nhở, yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh cần rút văn bản đó lại”, vị chuyên gia kinh tế thẳng thắn nêu ý kiến.

Công văn 'ưu ái' cho một doanh nghiệp là không phù hợp!

Dưới một góc nhìn khác, ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp lại khẳng định, việc chính quyền ra công văn “ưu ái” cho một doanh nghiệp là không phù hợp.

Công văn yêu cầu tiêu thụ bia và nước khoáng của một doanh nghiệp là không phù hợp

Công văn yêu cầu tiêu thụ bia và nước khoáng của một doanh nghiệp là không phù hợp. Ảnh minh họa

Ông Lê Hồng Sơn cho hay, ông chưa xem văn bản cụ thể, nhưng theo nguyên tắc chung về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, UBND huyện Kỳ Anh không có quyền yêu cầu các phòng ban cấp dưới hay doanh nghiệp, cá nhân trong địa bàn ưu tiên sử dụng hàng hóa của bất kỳ hãng nào. Các đơn vị cũng không có trách nhiệm phải thực hiện yêu cầu này.

Theo ông Lê Hồng Sơn, thẩm quyền kiểm tra văn bản của UBND huyện thuộc Sở Tư pháp của tỉnh. Do vậy, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm xem xét và xử lý văn bản này. Trong trường hợp văn bản do UBND Kỳ Anh ban hành có sai sót, Sở Tư pháp tỉnh Hà Tĩnh sẽ yêu cầu điều chỉnh cho phù hợp.

Phan Huyền (th)

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang