Đà Nẵng: 17 du khách bị ngộ độc thực phẩm, lực lượng QLTT ở đâu?

author 11:00 16/05/2017

Tối 15/5, ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng đã đến Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng để thăm hỏi, động viên các du khách bị ngộ độc thực phẩm đang điều trị tại đây.

Trước đó, tối 14/5, có 17 du khách đã phải vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu trong tình trạng nôn mửa, đau đầu, tiêu chảy sau khi dùng bữa ở quán cơm gà và quán sinh tố trên đường Hồ Nghinh (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Trong đó có một đoàn cán bộ phường 7, TP Vũng Tàu đang đi thực tế để học tập về công tác quản lý vỉa hè của Đà Nẵng. 11/17 nạn nhân phải điều trị nội trú tại bệnh viện và đến chiều 15/5 thì còn ông Phạm Anh Dũng (trưởng đoàn cán bộ Vũng Tàu) đang tiếp tục điều trị, số còn lại sức khoẻ đã ổn định và xuất viện.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đến thăm hỏi, động viên ông Phạm Anh Dũng, trưởng đoàn cán bộ phường 7, TP Vũng Tàu bị ngộ độc thực phẩm, đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Sau khi thăm hỏi, động viên nông Phạm Anh Dũng, ông Đặng Việt Dũng cho biết UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản chỉ đạo hỗ trợ toàn bộ chi phí chữa trị và ăn ở cho các nạn nhân điều trị tại bệnh viện. Đồng thời ông trao 22 triệu đồng hỗ trợ cho 11 nạn nhân phải điều trị nội trú. UBND quận Sơn Trà cũng hỗ trợ mỗi du khách phải điều trị nội trú 1 triệu đồng, riêng ông Phạm Anh Dũng được hỗ trợ 2 triệu đồng.

Ông Đặng Việt Dũng giao Sở Y tế, UBND quận Sơn Trà và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) TP tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ quán cơm gà, nơi 17 du khách đến ăn và bị ngộ độc, nếu không đảm bảo VSATTP thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và báo cáo UBND TP Đà Nẵng trong ngày 16/5.

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại cuộc họp với Sở Du lịch Đà Nẵng hôm 18/4, nhiều khách sạn đã thẳng thắn “tố” lực lượng QLTT gây quá nhiều phiền nhiễu, kiểm tra không đúng chức năng, nhiệm vụ, lấn sân các ngành khác và cố tìm mọi cách moi móc cho được lỗi của doanh nghiệp để xử phạt.

Họ đặt vấn đề: “QLTT đi kiểm tra chuyên đề về giá, hàng hóa nhập khẩu, hạn sử dụng, hóa đơn, chứng từ... nhưng họ lại lấn sân quá nhiều, kiểm tra luôn cả chuyện PCCC, an ninh trật tự, nội quy của khách sạn, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)... Họ kiểm tra như vậy có đúng chức năng hay không?”.

Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng Đặng Ngọc Hùng nêu rõ, theo phân cấp quản lý nhà nước đối với vấn đề ATVSTP thì các sản phẩm nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và vận chuyển do ngành NN-PTNT quản lý. Sở Công thương có trách nhiệm quản lý các chợ và các thực phẩm kinh doanh trên thị trường. Riêng nhà hàng, khách sạn, quán ăn, bếp ăn tập thể là do ngành y tế quản lý.

“Khi vô kiểm tra khách sạn của các anh chị, QLTT kiểm tra giá cả, niêm yết gì đó thì tôi không biết, nhưng họ không có chức năng kiểm tra bếp, kiểm tra lưu mẫu thực phẩm, kiểm tra giấy khám sức khỏe, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP... Đó là lĩnh vực của ngành y tế. Họ lấn vô đó là lấn sân!” – ông Đặng Ngọc Hùng nhấn mạnh.

Sau đó, ngày 10/5, báo điện tử Infonet nhận được Công văn số 718/SCT-QLTM ngày 5/5 của Sở Công thương Đà Nẵng và Công văn số 191/QLTT-TTPC ngày 27/4 của Chi cục QLTT Đà Nẵng phản hồi các nội dung nêu trên. Cả hai công văn dài 2 trang của Sở Công thương Đà Nẵng và dài 4 trang của Chi cục QLTT Đà Nẵng đều khẳng định: “Các Đội QLTT kiểm tra, xử phạt là đúng với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền về kiểm tra lĩnh vực an toàn thực phẩm của lực lượng QLTT theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, Sở Công thương Đà Nẵng và Chi cục QLTT Đà Nẵng dẫn Pháp lệnh QLTT số 11/2016/UBTVQH13 ngày 8/3/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về vị trí, chức năng, phạm vi kiểm tra của cơ quan QLTT; Khoản 1, khoản 2 Điều 68 Luật ATTP số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 quy định trách nhiệm quản lý về ATTP của Bộ Công thương; Quy trình, nội dung kiểm tra hồ sơ liên quan đến thực phẩm, quy trình sản xuất thực phẩm được quy định tại Điều 9 Thông tư 45/2012/TT-BCT ngày 28/12/2012 của Bộ Công thương.

Tất cả là để Sở Công thương Đà Nẵng và Chi cục QLTT Đà Nẵng khẳng định: “Việc Chi cục QLTT tiến hành xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực ATVSTP là hoàn toàn đúng với thẩm quyền theo quy định, không lấn sân các ngành khác hoặc kiểm tra, xử lý vi phạm không thuộc thẩm quyền”.

Chi cục trưởng QLTT Đà Nẵng Trần Phước Trí còn cho rằng căn cứ các quy định về thẩm quyền kiểm tra, xử phạt trong lĩnh vực ATTP tại các văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành, cơ quan QLTT có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt đối với các nội dung thuộc lĩnh vực ATTP: Không thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng thuộc diện phải khám sức khỏe; Không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; Không lưu mẫu thực phẩm theo quy định; Sử dụng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm để chế biến thực phẩm không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, quá hạn sử dụng, không có hạn sử dụng.

Từ đó, ông Trần Phước Trí nhấn mạnh: “Việc phát biểu của ông Đăng Ngọc Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Đà Nẵng tại buổi họp mặt các doanh nghiệp do Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức là chưa đầy đủ và chưa đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan QLTT tại Pháp lệnh QLTT số 11/2016/UBTVQH13 ngày 1/9/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”.

Vậy xin hỏi, lực lượng QLTT Đà Nẵng đã ở đâu, làm gì mà để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tối 14/5 tại một quán ăn ở quận Sơn Trà khiến 17 du khách phải vào bệnh viện cấp cứu? Họ đã thực thi trách nhiệm, quyền hạn của mình như thế nào mà không ngăn chặn kịp thời, để xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm làm “mất mặt” Đà Nẵng trong khi TP đang đẩy mạnh chương trình “4 an”, trong đó có ATVSTP? Hay họ chỉ dẫn ra hàng loạt điều luật để khẳng định việc kiểm tra, xử phạt của mình là đúng, còn khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì họ lại bảo đó là trách nhiệm của ngành y tế?

Theo Infonet

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang