Đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực chứng nhận

author 14:58 28/05/2019

(VietQ.vn) - Ngày 28/5/2019, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã có buổi làm việc với đoàn công tác Cục Quản lý Chứng nhận và Công nhận Trung Quốc (CNCA).

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Tham dự buổi làm việc, về phía Tổng cục TCĐLCL có ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng cùng đại diện một số đơn vị trong Tổng cục: Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy, Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT), Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 1 (Quatest 1). 

Phía đoàn CNCA có ông Chen Haiyang - hàm Phó Cục trưởng CNCA, Vụ Chứng nhận, SAMR cùng đại diện một số đơn trong CNCA.

Ông Nguyễn Hoàng Linh-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL.

Ông Chen Haiyang - hàm Phó Cục trưởng CNCA, Vụ Chứng nhận, SAMR.

Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng thảo luận, chia sẻ về định hướng hợp tác giữa hai nước. Phía CNCA đã có bài giới thiệu các thay đổi trong hệ thống đánh giá sự phù hợp của Trung Quốc, trong đó giải thích sơ bộ về quá trình hình thành, chức năng nhiệm vụ, các lĩnh vực Giấy chứng nhận bắt buộc của Trung Quốc (CCC) đang áp dụng và các cải cách, điều chỉnh CCC đang tiến hành bao gồm: 26 tổ chức chứng nhận được chỉ định, 215 lao động được chỉ định; 7 quy tắc chung và chứng nhận, 47 quy tắc sản phẩm; tính đến nay có 651.223 chứng chỉ hợp lệ từ 74.254 doanh nghiệp, trong đó, 40.271 chứng chỉ là chứng chỉ nước ngoài hợp lệ từ 5.277 doanh nghiệp ở nước ngoài. 

Các cải cách, điều chỉnh CCC đang tiến hành sắp xếp hợp lý hơn và tối ưu hóa danh mục; mở rộng phạm vi thực hiện tự khai; tối ưu hóa thủ tục chứng nhận, giảm đơn vị chứng nhận và số lượng chứng chỉ; chia sẻ thông tin về chất lượng, kết nối với nền tảng tín dụng quốc gia và tăng cường hợp tác quốc tế về công nhận đối ứng. Đến cuối năm 2018, hơn 530 CBs đã được phê duyệt bao gồm 57 CBs được đầu tư nước ngoài.

Chia sẻ trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, phía CNCA đã làm việc với rất nhiều đối tác trên toàn thế giới và mong muốn chung tay, thúc đẩy hợp tác chứng nhận, công nhận với tất cả các quốc gia, khu vực hoặc tổ chức quốc tế.

Lĩnh vực hợp tác quốc tế mà CNCA hướng tới là trao đổi và thảo luận về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của sản phẩm trong lĩnh vực sản phẩm cung ứng lẫn nhau; Trao đổi các thông tin liên quan về các tổ chức chứng nhận và các phòng thử nghiệm liên quan; Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức công nhận; Đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các tổ chức chứng nhận và các phòng thử nghiệm liên quan.

Cùng với đó, phương thức hợp tác mà CNCA hướng tới là trao đổi về các luật, quy chuẩn kĩ thuật quốc gia liên quan; Dự án hợp tác cụ thể đem lại lợi ích chung cho 2 bên; Tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề cho các chuyên gia; Khuyến khích các tổ chức chứng nhận, các phòng thử nghiệm kí hiệp định song phương về nội dung trình bày trong MoU; Hỗ trợ kĩ thuật về mặt nâng cao năng lực đánh giá sự phù hợp.

Cũng tại buổi làm việc, ông Chen Haiyang đề cập đến Diễn đàn hợp tác chứng nhận và công nhận MOST-CNCA được tổ chức 2 lần tại Hà Nội và Quảng Châu 2010. Ông mong muốn mối quan hệ kinh tế và thương mại song phương ngày càng phát triển, cải thiện chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, tạo thuận lợi thương mại; Đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương và thành lập cơ chế hợp tác; Đẩy mạnh trao đổi thông tin và thảo luận về các quy chuẩn kĩ thuật cũng như quy trình đánh giá sự phù hợp liên quan đến sản phẩm; Đẩy mạnh công nhận và chứng nhận lẫn nhau giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Nhân chuyến thăm lần này, phía Trung Quốc mong muốn mời STAMEQ tham dự Diễn đàn quốc tế về kiểm tra và thử nghiệm do Trung Quốc tổ chức vào 11/10/2019.

Liên quan đến vấn đề hợp tác trong thời gian sắp tới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh mong muốn phía CNCA cùng trao đổi và hợp tác về lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn mũ bảo hiểm.

Hai bên tặng nhau những món quà lưu niệm.

Đại diện 2 đơn vị cùng chụp ảnh lưu niệm.

Trương Vân

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang