Đeo tai nghe đi ngủ liên tục trong hai năm khiến cô gái bị điếc phải đeo máy trợ thính

author 19:00 14/03/2024

(VietQ.vn) - Mới đây một cô gái tại Trung Quốc đã bị điếc phải đeo máy trợ thính do sau hai năm đeo tai nghe và bật nhạc để đi ngủ hằng đêm.

Cô gái trên sống tại Sơn Đông, Trung Quốc, là thư ký cho một doanh nghiệp địa phương. Tháng 2, cô đi khám tai sau khi nhận thấy mình có một số vấn đề về thính giác. Wang cho biết trong các cuộc họp, cô không thể nghe rõ cấp trên nói gì với mình, ảnh hưởng đến công việc.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ kết luận nữ bệnh nhân bị tổn thương thần kinh thính giác vĩnh viễn ở tai trái. Tại bệnh viện, cô cho biết bản thân không sống ở môi trường có tiếng ồn lớn trong thời gian dài, nhưng có thói quen nghe nhạc bằng tai nghe mỗi tối.

"Khi còn học đại học, tôi thích ngủ khi đang nghe nhạc. Tôi đeo tai nghe cả đêm, điều này đã trở thành thói quen, duy trì được khoảng hai năm", cô nói.

Theo Li Tao, Giám đốc Khoa Tai mũi họng của bệnh viện, đây chính là nguyên nhân khiến Wang mất thính lực. Âm lượng trong tai nghe không quá lớn, tuy nhiên có thể gây tổn thương vĩnh viễn nếu tác động đến màng nhĩ trong thời gian dài. May mắn, chỉ tai trái của cô Wang bị ảnh hưởng, cô có thể đeo máy trợ thính để hỗ trợ thính giác.

Việc đeo tai nghe thường xuyên sẽ có nguy cơ bị điếc. Ảnh minh họa

Trường hợp tương tự xảy ra vào năm 2019. Một người đàn ông ở Đài Loan đã bị điếc một bên tai vì thường xuyên ngủ quên khi đang nghe nhạc. Theo Tian Huiji, Giám đốc Khoa Tai mũi họng tại Bệnh viện Đại học Châu Á, Đài Loan, khi con người chìm vào giấc ngủ, quá trình lưu thông máu trong cơ thể chậm lại. Trong khi đó, các tế bào lông trong tai vẫn bị âm thanh kích thích, cơ thể lại cung cấp đủ máu. Điều này có thể dẫn đến điếc đột ngột.

Ông cũng lưu ý tai nghe dạng earbuds đặc biệt nguy hiểm, bởi nó không cho âm thanh thoát ra ngoài. Headphone có đệm là lựa chọn an toàn hơn, bởi chúng có cơ chế thoát âm. Tiến sĩ Huiji khuyến nghị không nên sử dụng các loại tai nghe trong khi ngủ, để tai nghỉ ngơi 10 phút sau mỗi 50 phút sử dụng các loại phụ kiện âm thanh này.

Câu chuyện của Wang lan truyền rộng rãi ở Trung Quốc, được giới trẻ coi như bài học cảnh giác. Các bác sĩ khuyên mọi người tuân theo nguyên tắc 60-60-60 để tránh các vấn đề tương tự. Tức là không để tai tiếp xúc với âm thanh vượt quá 60 decibel trong thời gian dài, không đeo tai nghe hoặc nghe nhạc lớn quá 60 phút và khi sử dụng thiết bị điện tử phát âm thanh, giữ âm lượng dưới 60%.

Liên quan tới tác hại khi đeo tai nghe quá lâu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra cảnh báo, giới trẻ nên hạn chế thời gian đeo tai nghe chỉ khoảng một tiếng đồng hồ để tránh bị điếc trong tương lai.

Theo WHO, có khoảng 1,1 tỉ thanh niên và người trẻ tuổi trên toàn thế giới có nguy cơ cao mất thính lực vì sử dụng tai nghe quá nhiều hoặc do thích đến các buổi biểu diễn và các câu lạc bộ có âm thanh quá lớn. Những người trong độ tuổi từ 12 - 35 là những người có nguy cơ cao nhất. Chỉ trong 10 năm trước, số người mất khả năng nghe đã tăng lên vì sử dụng máy nghe nhạc và điện thoại để nghe nhạc. 

TS.BS Nguyễn Ngọc Minh - Giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, ông từng tiếp nhận khám và điều trị một số bệnh nhân bị thính lực kém do thói quen sử dụng tai nghe (earphone và headphone) trong thời gian dài.

Theo ông, đeo tai nghe là nhu cầu cần thiết để giải trí; hay giúp tăng độ tập trung, hạn chế sao nhãng khi học tập, làm việc, cũng như không ảnh hưởng đến mọi người, không gian xung quanh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng đeo tai nghe, có thể gây ra nhiều tổn thương cho tai từ nhẹ đến nặng. Sự tổn thương này phụ thuộc mức âm thanh, thời gian dùng tai nghe và cả loại tai nghe (nhét vào bên trong tai hay ôm cả tai).

Theo đó, mức âm thanh tối đa mà tai người chịu đựng là 70-80 db (decibels), tương đương tiếng ồn lúc đường phố đông đúc nghe từ trong ô tô. Nếu đeo tai nghe với công suất trên 80db trong thời gian hơn một tiếng đồng hồ sẽ có thể gây tổn thương tai trong (thính lực).

Nếu vẫn tiếp tục nghe với mức âm lượng này và duy trì trong thời gian dài sẽ làm tai nghe kém, có thể dẫn đến điếc có hồi phục, thậm chí bị điếc nhưng không hồi phục. Nếu có vi khuẩn bám vào tai nghe sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai, ngứa tai, gây viêm ống tai ngoài, thậm chí dộp da tai… Trường hợp này cần điều trị viêm da tiếp xúc.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang