Nhập viện vì tự ý dùng thuốc kháng sinh không theo liều lượng khuyến cáo

authorNgọc Nga 09:13 24/04/2024

(VietQ.vn) - Mới đây một cụ bà tên T.T.H. 81 tuổi, ở thành phố Thái Nguyên nhập viện trong tình trạng tiêu chảy kéo dài vì tự ý uống thuốc kháng sinh không theo liều lượng khuyến cáo.

Nhập viện do dùng thuốc kháng sinh bừa bãi dẫn đến viêm đại tràng

Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận cụ H trong tình trạng bị mất nước nặng, rối loạn điện giải và suy thận cấp. Sau khi đánh giá tiền sử bệnh và tình hình người bệnh, các bác sỹ đã nhanh chóng cấp cứu, bù nước điện giải và tiến hành nội soi đại tràng cho cụ. Hình ảnh nội soi cho thấy niêm mạc đại tràng của cụ bị viêm trợt, phù nề mạnh, có rất nhiều giả mạc trắng bám trên bề mặt.

Khai thác thông tin từ người nhà của cụ được biết, cụ H thường xuyên tự ý mua kháng sinh nhiều loại khác nhau, uống không theo liều lượng được khuyến cáo. Thậm chí còn “tư vấn” cho con cháu mua và dùng kháng sinh trong khi cụ không phải là bác sỹ hay dược sỹ.

Qua kết quả nội soi và khai thác thông tin từ gia đình, các bác sỹ nhận định, trường hợp của cụ H là trường hợp điển hình của bệnh viêm đại tràng giả mạc do dùng thuốc kháng sinh bừa bãi. Khi dùng quá nhiều loại kháng sinh trong thời gian dài sẽ làm mất các vi khuẩn có lợi ở ruột, vi khuẩn có hại (vi khuẩn C. Difficile) phát triển mạnh gây viêm đại tràng.

Tự ý dùng nhiều loại thuốc kháng sinh khiến cụ bà bị viêm đại tràng phải nhập viện. Ảnh: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên

Trên thực tế hiện nay, nhiều người dân khi gặp vấn đề sức khoẻ thường tự ý mua và dùng thuốc kháng sinh không theo chỉ định, chỉ khi thấy bệnh tình nặng lên mới đến các sơ y tế thăm khám. Từ ca bệnh của cụ H các bác sỹ khuyến cáo, thuốc kháng sinh là thuốc tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn, từ đó giảm đáp ứng viêm gây ra bởi vi khuẩn nhưng cũng có các tác dụng không mong muốn kèm theo khi sử dụng, mức độ biểu hiện khác nhau tùy trường hợp. Do đó để tránh hậu quả khôn lường, người dân không nên tự ý dùng kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh khi đã được bác sỹ thăm khám và kê đơn thuốc.

Liên quan tới vấn đề này, Bác sĩ Nguyễn Hy Quang (Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện E, Hà Nội) cho biết, việc dùng kháng sinh bừa bãi nguy cơ dẫn đến cơ thể người bệnh phát sinh những loại vi khuẩn đề kháng kháng. Ngoài ra khi dùng kháng sinh, người bệnh có thể bị kích ứng dạ dày (đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua), bị tiêu chảy (kháng sinh tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi của đường ruột).

Kháng sinh có thể gây ra dị ứng, nhẹ chỉ nổi mề đay, ban đỏ, ngứa, buồn nôn, nôn, nặng có thể gây sốc phản vệ, nguy hiểm tính mạng. Nguy hiểm hơn, khi tự dùng thuốc kháng sinh chữa bệnh hoặc chữa bệnh theo đơn thuốc của người khác khiến cho bệnh không khỏi (vì thuốc điều trị không đúng bệnh) mà còn dẫn đến nhiều biến chứng. Sử dụng một số loại kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn kỵ khí - bao gồm các loại phổ biến như penicillin, cephalosporin nhiều lần hoặc theo liệu trình kéo dài làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Sự gián đoạn trong hệ vi sinh vật đường ruột có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của vi khuẩn tiềm năng thúc đẩy ung thư. Một số vi khuẩn như e.coli, có thể góp phần gây ung thư ruột kết ở một số trường hợp.

Nguy cơ đặc biệt cao ở những người sử dụng kháng sinh trong thời gian kéo dài từ 30 đến 60 ngày hoặc lâu hơn. Các phát hiện cho thấy những bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh trong hơn 60 ngày có nguy cơ mắc ung thư ruột kết cao hơn 17%, so với không dùng thuốc.

Những cách dùng thuốc kháng sinh không đúng

Để tránh những hậu quả trên và dùng thuốc được an toàn, hiệu quả, khi có bệnh, người bệnh cần đi khám để được dùng đúng thuốc. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, dùng hết liều được kê, kể cả khi cảm thấy khỏe và không được chia sẻ kháng sinh với người khác. Đặc biệt cần tránh những cách dùng kháng sinh sai lầm dưới đây:

Chữa bệnh do virus: Nhiều bố mẹ khi thấy con sốt cao tự dùng kháng sinh, trong khi khoảng 50% trẻ sốt do viêm đường hô hấp trên xuất phát từ virus, thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt được vi khuẩn chứ không hiệu quả trên virus. Trường hợp nhiễm virus nếu bội nhiễm vi khuẩn gây viêm tai giữa cấp mủ, viêm mũi xoang mủ, viêm phế quản đờm xanh thì sẽ có chỉ định dùng kháng sinh.

Chữa bệnh do trào ngược acid dạ dày: Đây là sai lầm phổ biến ở nhiều người bệnh và kể cả các người không chuyên sâu. Nhiều trường hợp khi thấy ho nhiều, đau rát họng vội sử dụng kháng sinh, nhưng trong đó 1 tỷ lệ không nhỏ các bệnh nhân do acid dạ dày bị trào ngược lên họng - thanh quản mới gây nên hiện tượng đau họng, ho, đờm. Với những trường hợp này kháng sinh không cần thiết, thậm chí có thể gây ho nhiều hơn, một số đỡ ho, đau họng nhưng rất nhanh bị lại và phải dùng kháng sinh liên tục.

Tự ý giảm thời gian điều trị: Không ít người bị bệnh dùng kháng sinh 2-3 ngày thấy bệnh thuyên giảm, hết sốt, hết triệu chứng bệnh nên ngừng thuốc, không uống tiếp, cho rằng nếu uống tiếp sẽ hại người, bị tác dụng phụ. Có trường hợp khi dùng kháng sinh vài ngày thấy triệu chứng bệnh không đỡ thì tự ý đổi sang dùng loại kháng sinh khác. Hoặc vì 1 lý do khác như bị tác dụng phụ đi ngoài, dị ứng, bé nôn hay sốt cao, ăn kém... thì tự ý dừng kháng sinh mà không tham vấn ý kiến Bác sĩ.

Trong khi một đợt điều trị kháng sinh thường kéo dài 7 tới 10 ngày hay 14 ngày tuỳ theo từng người bệnh và loại bệnh. Một số loại kháng sinh có thể được chỉ định dùng trong 5 ngày với những nhiễm trùng nhẹ, vết thương sạch.

Tự ý cắt giảm thuốc, số lượng kháng sinh không đủ để tiêu diệt những vi khuẩn gây bệnh còn sót lại. Những vi khuẩn còn sót lại này sẽ sinh sản và tái tạo lại quần thể, kết quả là trẻ sẽ dễ bị tái phát bệnh sau một thời gian.

Tự ý giảm liều dùng kháng sinh: Không ít trường hợp đi khám, nhưng về nhà thấy liều kháng sinh bác sĩ kê cao hơn hướng dẫn sử dụng, hoặc liều cao hơn liều những đợt trước đã dùng nên tự ý giảm liều kháng sinh. Đối với trường hợp này tốt nhất cần hỏi lại ý kiến bác sĩ kê đơn hoặc tham vấn thêm một bác sĩ khác để chắc chắn không có sự nhầm lẫn. Liều kháng sinh ngoài kê theo cân nặng (kg), còn tùy thuộc mức độ bệnh và liều tối đa có thể dùng/ngày lại thường chỉ được đề cập tới trong các nghiên cứu chuyên sâu, không phải trên các tờ hướng dẫn sử dụng.

Kháng sinh muốn tiêu diệt được vi khuẩn cần phải đạt được ngưỡng nồng độ nhất định, dùng kháng sinh liều thấp vừa không tiêu diệt được vi khuẩn, vừa "rèn luyện" giúp vi khuẩn quen và kháng kháng sinh.

Dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết: Kháng sinh mạnh là những loại kháng sinh thế hệ mới (uống hoặc tiêm- kháng sinh tiêm luôn được hiểu là mạnh hơn kháng sinh uống) thường được chỉ định trong các trường hợp nhiễm trùng nặng, trên một số loại vi khuẩn nhờn với kháng sinh thế hệ cũ. Trong các trường hợp nhiễm trùng thông thường dùng tới các kháng sinh này sẽ gây lãng phí và góp phần làm tăng khả năng vi khuẩn kháng thuốc.

Ngọc Nga (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang