Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, tạo thuận lợi phát triển kinh tế

author 19:38 19/11/2021

(VietQ.vn) - Chính sách tài khóa cần được triển khai nhanh, gọn, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, dữ liệu, đồng thời, gắn chương trình phục hồi kinh tế với chiến lược phòng, chống dịch bệnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài chính đã điều hành linh hoạt chính sách tài khóa, hỗ trợ tăng trưởng và đảm bảo nguồn chi cho công tác phòng, chống dịch. Tổng số tiền thuế và thu ngân sách Nhà nước đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành thực hiện năm 2020 đạt khoảng 129.000 tỷ đồng. 

Năm 2021, tiếp tục thực hiện một số chính sách đã ban hành trong năm 2020 và ban hành thêm nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh tháo gỡ khó khăn, với quy mô dự kiến khoảng 140.000 tỷ đồng. 

Gần 2 năm qua, chính sách tài khóa được thể hiện qua việc tăng cường kỷ luật tài khóa, kiểm soát thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công. Cụ thể, thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nợ chính phủ/GDP năm 2020 lần lượt ở mức 3,5%, 43,5% và 38,6% (theo GDP điều chỉnh).

Cùng với đó, tăng cường các gói hỗ trợ tài khóa cùng với các gói hỗ trợ tiền tệ (miễn giảm, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất nông nghiệp, phí trước bạ ôtô sản xuất trong nước, tiền thuê đất...).

Điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, tạo thuận lợi phát triển kinh tế. Ảnh minh họa. 

Dù vậy, các chuyên gia cũng chỉ ra một số hạn chế của chính sách tài khóa thời gian qua như: Các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; thu ngân sách thiếu bền vững; phối hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác cần tiếp tục cải thiện...  

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho biết, có nhiều thách thức đối với chính sách tài khóa thời gian tới, một mặt phải đẩy mạnh hỗ trợ nền kinh tế, mặt khác phải kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ.

“Thâm hụt ngân sách nhà nước, nợ công được kiểm soát tốt trong giai đoạn trước, hiện vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực trong khi cơ hội tăng vay nợ trong nước (qua phát hành trái phiếu Chính phủ) với lãi suất thấp, rủi ro thấp, tạo dư địa gia tăng chi tiêu ngân sách cho phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế; quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn; các cân đối lớn (thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách nhà nước, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Vì vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nên chấp nhận tăng nợ công, thâm hụt ngân sách để bổ sung các gói hỗ trợ; tập trung nhiều vào hỗ trợ tiền mặt, giảm phí/chi phí, bảo lãnh tín dụng, cho vay ưu đãi (hỗ trợ lãi suất) hơn là giãn hoãn thuế, nghĩa vụ trả nợ. “Chính sách tài khóa cần được triển khai nhanh, gọn, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, dữ liệu, đồng thời, gắn chương trình phục hồi kinh tế với chiến lược phòng, chống dịch bệnh, đề án cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang