Đo lường – công cụ đắc lực đảm bảo chính xác, thống nhất trong mua bán hàng hóa, dịch vụ

author 09:24 27/06/2024

(VietQ.vn) - Thực hiện pháp luật về đo lường khẳng định vai trò của đo lường trong sự phát triển kinh tế - xã hội.

Sự kiện: CHUYÊN ĐỀ TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN 996

Thời gian qua, hoạt động kiểm tra nhà nước về đo lường đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, trong năm 2023 đã tiến hành 19 đoàn kiểm tra (10 đoàn theo kế hoạch và 09 đoàn đột xuất), xử lý vi phạm hành chính đối với 06 tổ chức (thu NSNN 240.000.000 đồng). Đầu năm 2024, đoàn kiểm tra đột xuất 01 tổ chức và xử phạt vi phạm hành chính 20.000.000 đồng.

Ông Trần Quý Giầu - Vụ trưởng Vụ Đo lường.

Kết quả tổ chức thực hiện pháp luật về đo lường nêu trên đã khẳng định vai trò của đo lường trong sự phát triển kinh tế xã hội như: Đảm bảo chính xác, thống nhất; Minh bạch, khách quan, công bằng giữa các bên trong mua bán, thanh toán hàng hóa, dịch vụ;

Là công cụ đắc lực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám định tư pháp... Cụ thể như: Bảo đảm độ chính xác của các phương tiện đo, kết quả phép đo trong mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ đặc biệt là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của đời sống (điện năng, xăng, dầu, khí, nước sạch, vàng bạc, đá quý, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi, dịch vụ vận tải hàng hóa đường bộ, đường sắt, đường hàng không...); Hạn chế tối đa việc phát sinh khiếu kiện giữa các tổ chức, cá nhân trong mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nêu trên;

Giúp doanh nghiệp chủ động kiểm soát chất thải gây ô nhiễm môi trường do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bảo vệ môi trường; Giúp doanh nghiệp tiết kiệm nguyên vật liệu, giảm giá thành, tăng cường sức cạnh tranh của hàng hóa và doanh nghiệp trên thị trường trong nước cũng như trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu;

Giúp doanh nghiệp kiểm soát, điều chỉnh quá trình công nghệ, hạn chế thất thoát nguyên vật liệu, giảm giá thành; Giúp bác sỹ, nhân viên y tế trong phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân...; Giúp cho cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật (vi phạm về quá tải ô tô, quá tải đường bộ, hành vi gian lận về đo lường trong kinh doanh xăng dầu, trong kinh doanh vàng, kiểm soát tai nại giao thông (vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở, phương tiện giao thông chạy quá tốc độ,…).

Chia sẻ một số điểm nổi bật trong hoạt động quản lý nhà nước về đo lường, ông Giầu cho hay, hiện nay, xây dựng, trình ban hành văn bản quản lý về đo lường bao gồm: Thông tư số 03/2024/TT-BKHCN ngày 15/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 07/2019/TT-BKHCN ngày 26/7/2019 của Bộ trưởng Bộ KH&CN, trong đó bổ sung Thiết bị đo điện năng sạc pin xe điện (Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe đạp điện, xe máy điện, Thiết bị đo điện năng xoay chiều sạc pin xe ô tô điện, Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 phê duyệt “Kế hoạch phát triển chuẩn đo lường quốc gia đến năm 2030”; Dự thảo Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia NQI theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

Thực hiện Đề án 996 đã ban hành Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến 2030 xác định rõ công việc, tiến độ, phân công cụ thể đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 996; Quyết định số 3807/QĐ-BKHCN ngày 18/12/2019 phê duyệt “Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 2783/QĐ-BKHCN ngày 13/10/2020 công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13187:2020 “Phòng thí nghiệm đo lường - Tiêu chí đánh giá năng lực đo lường”; Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”; Quyết định số 1537/QĐ-BKHCN ngày 18/7/2023 "Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình so sánh liên phòng về đo lường“;

Quyết định số 1603/QĐ-TĐC ngày 21/9/2023 phê duyệt Kế hoạch xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình so sánh liên phòng về đo lường đến năm 2026; Quyết định số 1876/QĐ-TĐC ngày 03/11/2023 ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp VN nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Đến nay đã có 55 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phê duyệt kế hoạch và triển khai chương trình đảm bảo đo lường ở một số địa phương như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Long An, Đồng Tháp, Hưng Yên, Sóc Trăng, Bình Định…; Đang triển khai nghiên cứu chế tạo/sản xuất khoảng 20 chất chuẩn, công nhận phù hợp tiêu chuẩn ISO 17034: 2016/TCVN ISO 17034 : 2017 cho nhà sản xuất mẫu chuẩn, chất chuẩn trong giai đoạn năm 2024 – 2025;

Tổ chức đào tạo, tập huấn 05 khóa về Chương trình đảm bảo đo lường (CTĐBĐL), với tổng số 145 học viên; khảo sát 41 doanh nghiệp; tư vấn 05 doanh nghiệp; lựa chọn 06 doanh để tư vấn trong năm 2024; Cấp mã chuyên gia tư vấn: 80 chuyên gia. Phối hợp với các địa phương đào tạo 230 lượt cán bộ tham gia các khoá đào tạo nhận thức, đào tạo chuyên gia tư vấn xây dựng và áp dụng Chương trình bảo đảm đo lường. Riêng đào tạo về xây dựng và áp dụng chương trình đảm bảo đo lường, đã tổ chức 14 khóa đào tạo cho 739 lượt học viên của 63 địa phương và 13 doanh nghiệp; Tổ chức gần 80 hội thảo, hội nghị tuyên truyền phổ biến các nhiệm vụ Đề án 996…

An Hạ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang