Doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực quản trị trong điều kiện ‘bình thường mới’

author 08:09 23/10/2021

(VietQ.vn) - Hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp là đẩy mạnh tái cấu trúc, đổi mới mạnh mẽ để tiếp tục phát triển trong điều kiện “bình thường mới”. Chủ động nâng cao năng lực quản trị được những rủi ro, khủng hoảng vượt qua thách thức.

Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”. Báo cáo từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng qua, có 85.000 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng có tới 90.000 doanh nghiệp rời bỏ thị trường. Đây là lần đầu tiên số doanh nghiệp rời khỏi thị trường lớn hơn doanh nghiệp thành lập mới.

Đặc biệt, dịch đã làm cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, giãn cách xã hội dẫn đến gián đoạn thị trường là điều khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện tại; việc siết chặt đi lại của người lao động khiến cho sản xuất không diễn ra bình thường được; Chuỗi cung ứng đứt gãy.

Doanh nghiệp chủ động nâng cao năng lực quản trị trong điều kiện "bình thường mới". Ảnh minh họa.

Bởi vậy, yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp là đẩy mạnh việc tái cấu trúc, đổi mới mạnh mẽ để tự tiếp tục phát triển trong điều kiện “bình thường mới”. Chủ động nâng cao năng lực quản trị được những rủi ro, khủng hoảng vượt qua thách thức. Cùng với đó là quan tâm đến xây dựng mô hình kinh doanh bảo vệ môi trường, xanh hóa trong các hoạt động để phát triển một cách bền vững trong thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để vực dậy sản xuất, cần có chính sách cho các doanh nghiệp giãn thời hạn trả nợ, cắt giảm các thủ tục hành chính cản trở, gây khó cho doanh nghiệp. Việc tái mở cửa đã góp phần kịp thời “cởi trói” và thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp lúc này.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển kinh doanh nêu quan điểm, hệ thống ngân hàng, Chính phủ nên có một kế hoạch giãn, hoãn nợ xa hơn cho doanh nghiệp. Đợi doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất là thực sự bắt đầu có doanh thu, có lợi nhuận thì lúc đó mới trả được nợ.

Do đó, đối với các khoản nợ cũ cần được giãn thêm nữa, ngắn hạn, trung hạn; trung hạn thì cho thành dài hạn đến năm 2023 trở đi thì doanh nghiệp mới có thể trả được nợ. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, để làm được điều này, doanh nghiệp ngay bây giờ cần phải làm một kế hoạch rõ ràng cụ thể về thuế và tài chính tổng thể, kế hoạch rõ ràng về nợ, trả nợ và một kế hoạch thị trường.

Tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị cộng đồng doanh nghiệp chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với chuyển đổi số; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh; quan tâm đến việc “giữ chân” người lao động, chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động; đầu tư hơn nữa cho công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để biến thách thức thành cơ hội; mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang