Doanh nghiệp da giày đẩy mạnh năng suất chất lượng tăng sức cạnh tranh

(VietQ.vn) - Trong bối cảnh hội nhập, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc áp dụng nhiều công cụ quản lý, cải tiến năng suất nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa là yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp da giày.
Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG
Nâng cao năng suất chất lượng, đảm bảo thành công bền vững cho doanh nghiệp
Năng suất cao giúp giảm chi phí, nâng cao lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Một số yếu tố ảnh hưởng đến năng suất
Xuất khẩu của ngành Da giày Việt Nam ngày cảng khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều thách thức
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày- Túi xách Việt Nam, cho biết hiện Việt Nam có khoảng hơn 1.000 nhà máy sản xuất giày và tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu nhân công, đóng góp khoảng 8% GDP của cả nước. Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản xuất giày dép (sau Trung Quốc và Ấn Độ) với 1,3 tỷ đôi/năm, chiếm 5,4% thị phần và đứng thứ 2 về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc) với 1,276 tỷ đôi/năm, chiếm 7,3% thị phần.
Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê và Hải quan, năm 2023 Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép, với kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, dệt may và da giày tiếp tục nằm trong nhóm ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước và chỉ xếp sau mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phương tiện khác. Trong đó giày, dép đạt 8,639 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của 2 nhóm ngành hàng...
Số liệu từ Bộ Công Thương, xuất khẩu toàn ngành Da giày tháng 11/2024 ước đạt 2,54 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2024 đạt 24,6 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện, một số doanh nghiệp lớn đã ký được hợp đồng đến giữa năm 2025.
Mục tiêu đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép và túi xách của Việt Nam sẽ đạt 38-40 tỷ USD. Đến năm 2035, ngành sẽ phát triển hiệu quả và bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời phát triển một số thương hiệu khu vực và thế giới.

Ngành da giày muốn phát triển bền vững cần đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới mà các thị trường đưa ra. Ảnh minh họa
Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam đánh giá, ngành Da giày đã tận dụng tốt lợi thế của các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Các thị trường có FTA như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN đều có mức tăng trưởng khá. Một số thị trường lớn như Mỹ, EU đều có mức tăng trên 10%. Đặc biệt, năm nay Trung Quốc tiếp tục được xếp vào nhóm thị trường xuất khẩu tỷ USD của ngành, chỉ xếp sau Mỹ, EU và chiếm 9% tỷ trọng.
Dù có lợi thế là quốc gia đứng thứ 3 thế giới nhưng thách thức lớn nhất với ngành Da giày Việt Nam lúc này là cần đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới mà nhiều quốc gia nhập khẩu giày dép lớn đưa ra, đó là tính bền vững trong sản xuất, yêu cầu về trách nhiệm xã hội...
Điển hình như thị trường EU thị trường này đã bắt đầu đưa ra các yêu cầu mới như thiết kế sinh thái với các thiết kế bền vững. Hay như vấn đề truy xuất và minh bạch chuỗi cung ứng, nếu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, Việt Nam sẽ phải minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tại khu vực sản xuất.
Ngoài ra để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường, Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho rằng, thời gian tới, doanh nghiệp toàn ngành cần đầu tư công nghệ mới, giảm chi phí hao hụt trong sản xuất, áp dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Xu hướng tự động hóa là rất cần thiết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm đi chi phí sản xuất, giảm chi phí lao động. Các chuyên gia năng suất, chất lượng khuyến cáo, doanh nghiệp ngành Da giày cần đẩy mạnh áp dụng nhiều công cụ quản lý, công cụ cải tiến năng suất, điển hình như ISO 9001, ISO 14051, 5S, Kaizen…
Đẩy mạnh áp dụng công cụ cải tiến nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm
Thực tế, thời gian qua, một trong những ví dụ điển hình áp dụng công cụ cải tiến giúp nâng cao năng suất, chất lượng trong ngành Da giày là trường hợp Công ty TNHH giầy Tân Hợp (tỉnh Đồng Nai). Doanh nghiệp này lựa chọn thực hành 5S từ tháng 8/2016 với sự tư vấn hướng dẫn của các chuyên gia. Chỉ sau thời gian ngắn, Công ty đã có những thay đổi đáng kể ở tất cả các bộ phận.
Trước khi thực hiện 5S, Công ty còn nhiều trang thiết bị chưa được sắp xếp hợp lý, thiếu khoa học, nhà xưởng còn rất nhiều rác, bụi. Kho vật tư, xưởng cơ khí là hai bộ phận có nhiều vấn đề nhất về không gian cũng như sắp xếp và quản lý. Tuy nhiên, tại bộ phận kho vật tư – nguyên liệu, sau khi áp dụng phương pháp 5S, việc kiểm kê, xuất nhập hàng hóa hiệu quả hơn rất nhiều, không còn chênh số liệu thực tồn.

Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty giày Gia Định.
Việc áp dụng phương pháp 5S thường xuyên giúp tất cả nhân viên đều có thể tham gia hoạt động, nâng cao tinh thần tập thể, tạo sự hoà đồng của mọi người. Qua đó mọi người làm việc có thái độ tích cực, có trách nhiệm và ý thức trong công việc, từ đó năng suất, chất lượng công việc được tăng lên đáng kể trong doanh nghiệp.
Ông Đoàn Văn Đông, Giám đốc Công ty cho hay, sau khi làm 5S, việc kiểm kê, xuất nhập hàng hóa hiện tại khoẻ hơn rất nhiều, không còn hiện tượng chênh số liệu thực tồn nữa. Khách hàng đã ghi nhận sự cố gắng của Công ty và đã tài trợ cho Công ty triển khai áp dụng chương trình LEAN vào cuối năm 2016. Ông Đông khẳng định, Giày dép Tân Hợp sẽ tiếp tục duy trì áp dụng 5S và nâng dần cấp độ 5S lên mức cao hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty giày Gia Định có trụ sở chính tại thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để phát triển bền vững, giữ được các đơn hàng và thị trường, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất gắn với tiết giảm chi phí kinh doanh; đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, xây dựng thương hiệu, ứng dụng nguyên liệu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới tập trung sản xuất phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.
Nhờ đó, thời gian qua dù gặp không ít khó khăn thách thức, nhất là trong thời kỳ Covid-19 nhưng với nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm Gia Định Group hiện có mặt tại 8 tỉnh thành trên cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Hưng Yên, Lạng Sơn.
An Dương