Doanh nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu thị trường toàn cầu

(VietQ.vn) - Trước thực tế cạnh tranh của thị trường thương mại tự do, thương mại điện tử xuyên biên giới thì người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đến dù muốn hay không thì doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường toàn cầu.
Hoàn thiện chính sách thúc đẩy doanh nghiệp xanh hóa nền kinh tế
Chuyên gia: ‘Việt Nam sẽ xanh hơn từ hàng triệu hành động nhỏ mỗi ngày'
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay cả người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ xanh, bên cạnh những yếu tố như chất lượng, giá cả. Đồng thời, trước thực tế cạnh tranh của thị trường thương mại tự do, thương mại điện tử xuyên biên giới thì người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đến dù muốn hay không thì doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường toàn cầu.

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong khi tình hình sản xuất kinh doanh trong nước đối mặt với không ít thách thức thì tại nhiều thị trường xuất khẩu doanh nghiệp cũng gặp nhiều rào cản. Do đó, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đã và đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm ra những giải pháp khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự (FTA) mà Việt Nam tham gia và một trong những giải pháp đó là thực hiện trách nhiệm xã hội, cũng là yếu tố được nhiều thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng quan tâm.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia quản trị công ty phát triển bền vững cho biết, hàng hóa Việt Nam không chỉ đang chịu áp lực cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mà còn khó khăn trong đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Điển hình, xuất khẩu xanh là một trong những vấn đề phát triển bền vững đặt ra cho sản phẩm, dịch vụ tham gia thị trường toàn cầu; trong đó có hàng Việt.
Một số khảo sát thực tế chỉ ra rằng, các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng có những tiêu chuẩn quyết liệt hơn liên quan đến phát triển bền vững; trong đó có những thị trường trọng điểm mà hàng Việt hướng đến xuất khẩu. Cụ thể, EU dự kiến tính toán lại lượng phát thải carbon đối với danh mục nhãn hàng có dấu hiệu quản lý chưa nghiêm ngặt về carbon. Đồng thời, những nước xuất khẩu tham gia chuỗi cung ứng của EU chưa quản lý nghiêm ngặt về phát thải carbon như do lường, giám sát… sẽ bị đánh thuế phát thải carbon vào năm 2026.
Ngoài ra, chuyên gia tại Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) cũng cho biết, việc ứng dụng mã số, mã vạch để truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm, nhất là nông sản giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong cả sản xuất lẫn thương mại. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, doanh nghiệp đã có giấy thông hành vào các thị trường khó tính trên thế giới, đồng thời nâng cao vị thế của sản phẩm nông sản Việt.
Trên thực tế, các nước như Nhật Bản, Australia, Mỹ… đều làm rất chặt vấn đề truy xuất nguồn gốc. Đơn cử, khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản vào Mỹ, người ta yêu cầu tất cả vùng trồng, nhà đóng gói phải được Mỹ cấp mã số mà không phải Việt Nam. Ngay cả việc chiếu xạ đối với sản phẩm xuất khẩu, thì cơ sở nào được Mỹ xác nhận thì mới được tiến hành chiếu xạ, phải đảm bảo giám sát tất cả các mối nguy hại có thể xảy đến từ sản phẩm.
Nhìn chung, doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng, muốn xuất khẩu hàng hóa và hội nhập quốc tế thì việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ; đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc; chuyển đổi xanh là những điều kiện quan trọng và sống còn nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.