Doanh nghiệp dệt may cần phải làm gì để đáp ứng tiêu chuẩn xanh?

author 06:18 17/11/2023

(VietQ.vn) - Sản xuất xanh hướng đến phát triển bền vững đã bắt đầu chuyển từ trạng thái khuyến khích sang bắt buộc. Do đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần thay về nhận thức, phải có tư duy xanh mới phát triển bền vững.

Doanh nghiệp xuất khẩu thời trang tìm giải pháp chuyển đổi xanh

Trong bối cảnh thị trường đang ngày càng đòi hỏi sản xuất phải xanh hóa, các doanh nghiệp xuất khẩu thời trang Việt Nam chủ động có giải pháp chuyển đổi thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh, giữ vững thị phần, vượt qua thách thức để phát triển bền vững.

Sản xuất xanh hướng đến phát triển bền vững đã bắt đầu chuyển từ trạng thái khuyến khích sang bắt buộc. Các thị trường lớn đã ban hành nhiều quy định về tiêu chuẩn xanh, bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện khi nhập khẩu hàng hoá vào nước mình. Tổ chức OECD (chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) năm 2017 đã ban hành Hướng dẫn thẩm định đối với chuỗi cung ứng có trách nhiệm trong lĩnh vực may mặc và giày dép.

EU cũng ban hành hàng loạt quy định như: Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR); Đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) thí điểm từ tháng 10/2023 và có hiệu lực từ năm 2026; Quy tắc buộc nhà sản xuất phải đảm nhận trách nhiệm cho toàn bộ vòng đời của sản phẩm dệt may và hỗ trợ sự quản lý bền vững rác thải dệt may dự kiến có hiệu lực từ năm 2025;...

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã mở ra cơ hội xuất khẩu lớn. Với độ mở lớn của nền kinh tế, các ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam; trong đó có ngành hàng thời trang cần phải chủ động chuyển đổi sớm, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa, về môi trường, về lao động, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, mới có thể khai thác tốt các lợi ích do các hiệp định này mang lại, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững ngành dệt may. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản luật, văn bản quy phạm pháp luật; trong đó phải kể đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020... để thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam sớm chuyển đổi, tăng lợi thế cạnh tranh và cũng để thực hiện cam kết Net Zero vào năm 2050.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Giám đốc Điều hành và Quan hệ đối ngoại Công ty Adidas Việt Nam cho biết, từ năm 2021, Adidas đã tăng gấp đôi nỗ lực của mình bằng việc đưa ra mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 30% phát thải carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Và đến năm 2050 đạt Net Zero.

Để thực hiện được mục tiêu này, Adidas đã thông tin và yêu cầu các đối tác cung cấp phải tuân thủ các yêu cầu đề ra một cách công khai, minh bạch và phải được kiểm chứng thông qua chuyên gia của Adidas hoặc bên thứ 3, dựa trên các thang điểm và hệ thống thu thập cơ sở dữ liệu trên thời gian thực của Adidas. Nếu đối tác không đáp ứng được các yêu cầu này, Adidas sẽ dừng hoặc không hợp tác với các nhà cung cấp đó.

Đồng bộ các giải pháp

Theo chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, chuyển đổi xanh hiện là yêu cầu mang tính sống còn của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh ý thức tiêu dùng theo hướng thân thiện môi trường ngày càng gia tăng. Do vậy, để chuyển đổi xanh, doanh nghiệp phải thay đổi về nhận thức, phải có tư duy xanh. Thay đổi đó phải trở thành văn hóa của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, có tư cách chứng nhận xanh phù hợp. Các đơn vị này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khảo sát mọi công đoạn, từ đó đề xuất kế hoạch chuyển đổi phù hợp, từ việc đào tạo huấn luyện, xây dựng quy trình hệ thống, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Và chính các đơn vị này sẽ đánh giá, chấm điểm và cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn của thị trường mà doanh nghiệp định vị.

Doanh nghiệp cần lưu ý thiết kế sản phẩm xanh, nhãn sinh thái cho hàng hóa thể hiện trong toàn bộ quá trình sản xuất; ứng dụng công nghệ 4.0 trong hệ thống sản xuất và giám sát; đào tạo, phát triển nhân lực có tư duy phát triển bền vững; tranh thủ tiếp cận các nguồn tài chính xanh để có nguồn kinh phí đầu tư chuyển đổi sản xuất tuần hoàn.

Cũng theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, 4 nguyên tắc chủ đạo của sản xuất tuần hoàn (4R) gồm: giảm phát thải, tái sử dụng, tái chế và sửa chữa, thực chất là tiết kiệm. Các doanh nghiệp hãy chuyển đổi từ chính việc tiết kiệm trong mọi hoạt động của doanh nghiệp.

Chia sẻ ở góc độ đơn vị chuyên tư vấn và cung cấp giải pháp nâng cao hiệu quả lao động, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Huỳnh Thanh Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Leanwares cho biết, để thiết lập nhà máy xanh, hợp chuẩn, vừa đảm bảo năng suất, giá thành cạnh tranh, vừa đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn thị trường quốc tế là bài toán không dễ.

Cách tiếp cận là đi ngược từ thị trường. Muốn bán hàng vào thị trường nào, doanh nghiệp phải hiểu rõ tiêu chuẩn xanh của thị trường đó. Để từ đó chọn đúng lõi công nghệ tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường; xây dựng được báo cáo nghiên cứu khả thi, đáp ứng được yêu cầu của các nguồn tín dụng xanh, từ đó có cơ hội sử dụng dòng tiền của các nguồn này để tạo ra giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Các nỗ lực xanh hoá của doanh nghiệp cần được phát tín hiệu đến người tiêu dùng thông qua chứng nhận xanh. Tiêu chuẩn xanh là thị thực của hàng hóa. Hàng hóa muốn được nhập khẩu phải đạt các tiêu chuẩn của nước đó, mà các tiêu chuẩn này, độ khó ngày càng tăng.

Hiện nay, có rất nhiều hệ thống chứng nhận xanh được các doanh nghiệp áp dụng. Các chương trình chứng nhận toàn cầu đang góp phần tiêu chuẩn hoá việc giảm thiểu tác động môi trường. Hệ thống chứng nhận bền vững toàn cầu xoay quanh việc chứng nhận xanh trong các khía cạnh: vật liệu bền vững; quy trình sản xuất; nhãn hiệu sinh thái và chứng nhận công trình xanh.

Theo ông Huỳnh Thanh Trung, các doanh nghiệp cần phân chia phân khúc thị trường từ thấp đến cao để chuyển đổi dần; nâng cao năng lực cạnh tranh trước khi phát triển lên thị trường mới; tính toán đầu tư từ chuyền nhỏ, nhà xưởng nhỏ được chuẩn hóa theo từng phân khúc, tránh đầu tư dàn trải lãng phí, không cần thiết.

Ngoài ra, muốn chuyển đổi xanh, doanh nghiệp phải chuyển đổi số. Dữ liệu báo cáo phải truy xuất được nguồn gốc từng nguyên liệu cấu thành nên sản phẩm và thẩm định được theo thời gian thực, đòi hỏi tính minh bạch của dữ liệu. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số, phải tái cấu trúc doanh nghiệp, phải chuẩn hóa về mặt vận hành, về mặt con người trước, nghĩa là "phải ổn dưới đất trước khi đưa dữ liệu lên mây".

Ông Hồ Văn Đông, Giám đốc điều hành Công ty GCL International Việt Nam, công ty chuyên cung cấp chứng chỉ được công nhận quốc tế cho biết, các doanh nghiệp chỉ cần tuân thủ các yêu cầu quy định của Chính phủ về đảm bảo an toàn lao động, cháy nổ, môi trường, phúc lợi xã hội cho người lao động là đã đạt 60-70% các yêu cầu của tiêu chuẩn xanh.

Từ 30-40% còn lại là các yêu cầu thêm vào của các tiêu chuẩn này như: đảm bảo thống nhất giữa đầu vào đầu ra; truy xuất nguồn gốc rõ ràng; hóa chất không gây hại đến môi trường;... Xanh không có nghĩa là không dùng hóa chất, mà hóa chất đó không ảnh hưởng đến môi trường.

Chia sẻ ở góc độ doanh nghiệp đã có những thành công nhất định trong quá trình chuyển đổi xanh, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Công ty Việt Thắng Jeans cho biết, chuyển đổi xanh không khó. Khó nhất là doanh nghiệp có quyết tâm thực hiện hay không. Trong đó, con người là quan trọng nhất. Doanh nghiệp phải tái cấu trúc nhiều lần, ít nhất từ 30-40%, đầu tư dần các công đoạn.

Doanh nghiệp bắt đầu tự động hóa một số công đoạn từ năm 2008. Đến năm 2012, công ty ứng dụng công nghệ 4.0 từ khâu thiết kế 3D đến khâu hoàn thiện cuối cùng. Đến năm 2016, doanh nghiệp vào thị trường EU thành công. Với hiệu suất giá trị gia tăng cao, nếu tình hình thị trường không xấu như hiện nay, các doanh nghiệp có thể thu hồi vốn đầu tư sau 3 năm, ông Việt nhấn mạnh.

Các tiêu chuẩn xanh trên thế giới

Xu hướng hiện nay, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới – đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam đang chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về sản xuất thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên và sẽ loại dần những doanh nghiệp không chịu cải tiến sản xuất an toàn. Cùng với đó, người tiêu dùng trên toàn cầu cũng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp khi lựa chọn sản phẩm. Vậy các công ty ngành dệt may Việt Nam phải tuân thủ các tiêu chuẩn gì để đáp ứng các tiêu chí về phát triển bền vững ngành dệt may.

Tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội: BSCI, WRAP, SEDEX - SMECTA, WCA, BETTER WORK …

Tiêu chuẩn BSCI: BSCI được thiết lập bởi Hiệp hội Ngoại thương (FTA) vào năm 2003. Tiêu chuẩn có thể áp dụng cho hầu hết các đơn vị, tổ chức mà không phân biệt loại hình hay quy mô. Khi áp dụng trong ngành dệt may, tiêu chuẩn BSCI giúp xây dựng được môi trường làm việc lành mạnh cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động.

Tiêu chuẩn WRAPWRAP là chương trình chứng nhận nhà máy độc lập lớn nhất thế giới, tập trung vào các lĩnh vực may mặc, giày dép và các sản phẩm may … thuộc mọi quy mô. Chương trình WRAP đánh giá việc tuân thủ 12 nguyên tắc của WRAP nhằm đảm bảo các quy trình sản xuất an toàn, hợp pháp và có đạo đức.

Tiêu chuẩn SEDEX - SMECTASMETA là tiêu chuẩn quốc tế về thực hành đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội (viết tắt của Sedex Members Ethical Trade Audit). Đây là một phương pháp đánh giá và báo cáo về thực hành đạo đức và trách nhiệm xã hội được công nhận và sử dụng phổ biểm trên thế giới. SMETA ra đời với mục tiêu thúc đẩy cải tiến của các doanh nghiệp trên thị trường. Bất cứ công ty có quy mô lớn nhỏ nào trên thế giới cũng đều có cơ hội tư vấn chứng nhận tiêu chuẩn SMETA và hưởng đầy đủ mọi lợi ích nếu dự án thành công. Ngoài ra, bằng cách chia sẻ các báo cáo với nhà cung cấp, Doanh nghiệp sẽ tiếp cận rộng rãi hơn đến mọi đơn vị, tiết kiệm chi phí một cách hiệu quả nhất.

Tiêu chuẩn WCATiêu chuẩn WCA được xây dựng như là một phần của Chương trình tuân thủ xã hội toàn cầu (GSCP). Chương trình GSCP này được nhiều hiệp hội bán lẻ trên thế giới công nhận. WCA là thước đo để đánh giá điều kiện làm việc của doanh nghiệp theo tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, mở ra cơ hội kinh doanh và phát triển thị trường cho Doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh gay gắt.

Tiêu chuẩn Etter WorkEtter Work là chương trình hợp tác đặc biệt giữa Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) với mục tiêu cải thiện điều kiện lao động và nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong ngành may mặc.

Hệ Thống Quản Lý Môi Trường: ISO 14001, HIGG INDEX

Tiêu chuẩn Higg Index (Chỉ số Higg) là một bộ công cụ cho phép các thương hiệu, nhà bán lẻ và cơ sở thuộc mọi quy mô - ở mọi giai đoạn trong hành trình bền vững - đo lường và chấm điểm chính xác hiệu suất bền vững của công ty hoặc sản phẩm may mặc và giày dép. Higg Index cung cấp một cái nhìn tổng thể toàn diện giúp các doanh nghiệp thực hiện những cải tiến có ý nghĩa nhằm bảo vệ phúc lợi của công nhân nhà máy, cộng đồng và môi trường

Tiêu chuẩn ISO 14001: Đây vốn là tiêu chuẩn quy định về vấn đề quản lý môi trường được xây dựng bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế. Không chỉ hạn chế được những tác động xấu, tiêu chuẩn còn nâng cao hiệu quả hoạt động liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Thông qua đó, sản phẩm ngành may dệt cũng được đảm bảo chất lượng lẫn an toàn với người tiêu dùng.

Nguyên liệu hữu cơ tái chế: GOTS, GRS, OCS

Tiêu chuẩn GRS: Trong số những tiêu chuẩn ngành dệt may được áp dụng phổ biến hiện nay có cả GRS. Đây là tiêu chuẩn giúp xác định thành phần tái chế của sản phẩm. Ngoài ra, GRS còn có ý nghĩa đặc biệt trong hoạt động xã hội và môi trường vì đảm bảo hạn chế sử dụng hóa chất độc hại. Thông qua đó, điều kiện làm việc và sự an toàn trong lao động cũng được đảm bảo.

Tiêu chuẩn GOTS: GOTS là tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu được thiết lập vào năm 2006. Tiêu chuẩn giúp đảm bảo được tình trạng hữu cơ của sản phẩm dệt may. Đặc biệt, GOTS áp dụng cho cả quá trình từ lựa chọn nguyên liệu thô cho đến khâu sản xuất.

Nhờ vậy, người dùng có thể yên tâm hơn về thành phần cũng như chất lượng của sản phẩm. Do đó, GOTS cũng là tiêu chuẩn ngành dệt may được sử dụng phổ biến trên toàn cầu hiện nay.

Tiêu chuẩn OCS: OSC là tiêu chuẩn có tác dụng trong việc xác minh được hàm lượng nguyên liệu hữu cơ trong sản phẩm. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn được dùng để áp dụng cho những sản phẩm có chứa 5 – 100% hàm lượng hữu cơ.

Đồng thời, việc áp dụng tiêu chuẩn giúp các đơn vị sản xuất theo dõi được hành trình của nguyên liệu trong suốt chuỗi cung ứng. Trong đó, đối tượng mà tiêu chuẩn hướng đến chính là các doanh nghiệp cũng đơn vị sản xuất mặt hàng từ nguyên liệu hữu cơ.

Hệ thống quản lý hóa chất: BLUESIGN, OEKO-TEX STANDA 100

Tiêu chuẩn BLUESIGN: Tiêu chuẩn Bluesign là một thế hệ tiêu chuẩn sinh thái mới về bảo vệ môi trường được thiết lập bởi các tổ chức học thuật, công nghiệp, bảo vệ môi trường và người tiêu dùng ở EU. Khi áp dụng trong ngành dệt may, Tiêu chuẩn này quản lý việc không sử dụng những chất hóa học có hại trong quá trình sản xuất sản phẩm. Với những yêu cầu về quản lý/ kiểm soát/ giám sát chặt chẽ như vậy Hệ thống BlueSign được coi là giải pháp cho việc sản xuất bền vững.

Tiêu chuẩn OEKO TEX: OEKO TEX là tiêu chuẩn được thiết lập nhằm giảm thiểu lượng chất độc hại có trong các mặt hàng dệt. Để những sản phẩm của mình có thể gắn nhãn OEKO TEX, các đơn vị áp dụng cần phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra nghiêm ngặt. Hiệu lực của chứng nhận OEKO TEX là một năm. Do vậy, các doanh nghiệp cần tiến hành gia hạn khi chứng nhận hết hiệu lực nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang