Hà Nội: Nhiều vi phạm trong vấn đề an toàn thực phẩm

author 15:54 17/05/2024

(VietQ.vn) - Triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm.

Tiếp tục triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm", lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát đối với các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn. Kết quả phát hiện và xử lý nhiều hành vi vi phạm.

Cụ thể, ngày 23/03/2024, Đội QLTT số 3 phối hợp với Công an quận Ba Đình tiến hành kiểm tra đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm tại số 89 phố Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở đang kinh doanh 40 sản phẩm thực phẩm là mứt đào vàng, syrus các vị đã hết hạn sử dụng. Đội QLTT số 3 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tiếp đến ngày 25/4/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành BCĐ 389 huyện Hoài Đức gồm: Đội QLTT số 24, Phòng Kinh tế, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế & Ma tuý - Công an huyện Hoài Đức tiến hành kiểm tra đối với Hộ kinh doanh tổng hợp tại địa chỉ số nhà 54, đường La Phù, thôn Chùa Tổng, xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra Đoàn kiểm tra đã phát hiện có một số hàng hoá không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp gồm: 'Bánh quy nhãn có chữ bằng tiếng nước ngoài Egg White Panncakes (306 g / gói; 24 gói / thùng)= 13 Thùng; Bánh xốp nhãn có chữ bằng tiếng nước ngoài Suizizi (260g / gói; 20 gói / thùng) = 9 Thùng; Bánh sandwich nhãn có chữ bằng tiếng nước ngoài True heart (300 g / gói; 16 gói / thùng) = 10 Thùng; Bánh quy giòn nhãn có chữ bằng tiếng nước Purple Crispy Cracker ( 228 g / gói ; 20 / thùng) = 7 Thùng.

 Hà Nội xử lý nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội

Liên quan tới lĩnh vực này, ngày 3/5, lực lượng liên ngành của thành phố tiếp tục tạm giữ 1.520 kg thực phẩm là nầm lợn, lườn vịt, đùi vịt các loại đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc tại một điểm kinh doanh thuộc thôn kỳ Thủy, Bích Hoà, Thanh Oai, Hà Nội.

Ngày 7/5, Đội QLTT số 24 phối hợp với Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội tạm giữ một lượng lớn thực phẩm do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, bao gồm: xúc xích; cánh gà… tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn thôn Quyết Tiến, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Ngày 10/5, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội QLTT số 14 phối hợp cùng Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra đột xuất một địa điểm kinh doanh, tập kết thực phẩm tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 1,5 tấn nầm lợn và 400 kg lạp xưởng. Bao bì các sản phẩm lạp xưởng đều in chữ nước ngoài. Chủ số thực phẩm trên khai nhận toàn bộ hàng hóa được thu mua trôi nổi trên thị trường nên không có hóa đơn, chứng từ.

Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn như vậy cho nên vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội luôn là vấn đề nóng.

Như tại quận Hoàng Mai, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, quận đã thành lập 18 đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm, kiểm tra 248 cơ sở, xét nghiệm nhanh 137 mẫu, xử lý 24 vụ, phạt hơn 145 triệu đồng. Hay tại huyện Thạch Thất, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 8 cơ sở có vi phạm, với tổng số tiền là 75 triệu đồng.

Từ ngày 15/4 đến nay, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã tổ chức các đoàn và triển khai kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn, phát hiện và xử phạt nhiều vi phạm… Ngoài bốn đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…

Gần đây, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm số 2 của thành phố Hà Nội đã kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại huyện Quốc Oai. Theo báo cáo của huyện, trong "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2024, các đoàn kiểm tra của huyện tiến hành kiểm tra 97 cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã xử phạt hành chính 21 cơ sở, với số tiền gần 80 triệu đồng. Tại huyện Phúc Thọ, các đơn vị đã kiểm tra 50 cơ sở, trong đó có 48 cơ sở đạt yêu cầu, phát hiện hai cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền 4 triệu đồng.

Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị các đoàn kiểm tra của các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong đó, các đoàn phải tập trung hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, xử phạt nghiêm các vi phạm; đồng thời kết hợp kiểm tra với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm.

An Dương 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang