Doanh nghiệp đối mặt khó khăn về nguồn vốn, đâu là giải pháp?

author 16:52 20/03/2023

(VietQ.vn) - Nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trên con đường phục hồi và phát triển sau dịch bệnh, trong đó khó khăn về nguồn vốn vẫn là vấn đề nan giải mà nhiều doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt.

Còn nhớ, năm 2021, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp khiến cho trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Năm 2022, dịch bệnh dần được kiểm soát, nhưng mỗi tháng vẫn có khoảng hơn 11.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Sang năm 2023, bức tranh doanh nghiệp đang thể hiện những dấu hiệu không mấy tích cực. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút lui và tạm thời rút lui khỏi thị trường là 51.400 doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước. Nghĩa là mỗi tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui, cao gấp 2,5 lần năm đỉnh dịch 2021. Con số này cũng gấp hơn 2 lần trung bình năm 2022 vừa qua.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động là 37.900 doanh nghiệp, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Số đăng ký thành lập mới là 19.700 doanh nghiệp, số quay lại hoạt động là 18.200 doanh nghiệp. Kết quả này giảm cả về số lượng, vốn đăng ký và lao động so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn là một trong những nút thắt lớn cần được tháo gỡ giúp doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Ảnh minh họa. 

Từ những dẫn chứng trên có thể thấy mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn trên con đường phục hồi và phát triển, trong đó khó khăn về nguồn vốn vẫn là vấn đề nan giải mà nhiều doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt.

Chia sẻ với báo chí, Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, từ đầu tháng 2, nhiều đơn hàng xuất khẩu nông sản, thực phẩm, công nghiệp chế biến đã tăng lên, cho thấy tín hiệu phục hồi của nền sản xuất trong nước nhờ vào khả năng xuất khẩu tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nút thắt hiện nay vẫn là làm sao để khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp giúp ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an ninh tài chính.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nếu chỉ dừng ở việc giãn, hoãn thuế, phí thì chỉ 6 tháng hay nhiều là 1 năm sau doanh nghiệp vẫn sẽ phải nộp lại. Trong bối cảnh doanh nghiệp đang còn rất nhiều khó khăn sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cộng thêm những tác động không thuận từ thị trường thế giới, cần có chính sách miễn giảm ngay một số khoản thuế, trong đó có thuế giá trị gia tăng để tiếp sức cầu trong nước hiện đang rất yếu bởi cầu trong nước chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định cho thúc đẩy tăng trưởng…

“Miễn, giảm thuế là hay nhất, bởi vì không phải thông qua các thủ tục hành chính để triển khai thực hiện nên có hiệu lực nhanh nhất. Cùng với đó, có thể miễn, giảm thuế khi thời gian vừa qua nguồn thu rất nhiều và vượt dự toán, chính là dư địa và là cơ sở để tiếp tục miễn, giảm thuế nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp”, ông Cung nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cũng cho biết, đây là thời điểm cần bổ sung thêm các nguồn năng lượng tích cực mới cho giai đoạn phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Cụ thể, Chính phủ sẽ đồng hành, hỗ trợ, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tiếp thêm niềm tin và động lực để cộng đồng doanh nghiệp phát triển”.

Thanh Tùng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang