Doanh nghiệp KCN các tỉnh phía Bắc áp dụng công cụ nâng cao năng suất

author 12:24 05/12/2022

(VietQ.vn) - Việc áp dụng các Hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001, môi trường ISO 14001, an toàn thực phẩm ISO 22000, an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp ISO 45001,… tích hợp các công cụ cải tiến NSCL (KPI, Kaizen, QCC, 7QC,…) tại doanh nghiệp thuộc KCN phía Bắc sẽ là động lực mạnh mẽ trong sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp đáng kể vào việc tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương, nguồn thu của quốc gia và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Tính đến nay, các tỉnh, thành phố phía Bắc có 258 KCN được quy hoạch, diện tích gần 70.000 ha. Phần lớn KCN phía Bắc đều được đặt tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực kinh tế trọng như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc.

Các khu công nghiệp hiện tập trung nhiều doanh nghiệp điện tử quy mô lớn và nổi tiếng như Fuji Xerox, Compal, Canon, Foxconn, Petragon, Samsung, Meiko, Luxshare, USI, LG Electronic, Hosiden... hoạt động chủ yếu tại KCN ở Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên và Hà Nam.

Việc nhà sản xuất điện tử đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ kéo theo các nhà sản xuất phụ trợ khác. Các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam đang thu hút nhiều dự án FDI vào khu công nghiệp công nghệ cao, đầu tư hạ tầng cả trong và ngoài KCN, đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư trong giai đoạn mới.

Hàng hóa sản xuất từ các KCN phía Bắc chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng số lượng hàng hóa xuất khẩu của địa phương và cả nước. Khi doanh nghiệp đi vào sản xuất ổn định, có hiệu quả, nguồn thu ngoại tệ bắt đầu tăng lên nhờ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp KCN phía Bắc. Ngoài ra, hình thức xuất khẩu tại chỗ thông qua việc cung ứng nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước cho các doanh nghiệp chế xuất hoạt động trong KCN phía Bắc góp phần vào quá trình nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, việc áp dụng các HTQL theo tiêu chuẩn chất lượng (ISO 9001), môi trường (ISO 14001), an toàn thực phẩm (ISO 22000), an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp (ISO 45001)… tích hợp công cụ cải tiến NSCL (KPI, Kaizen, QCC, 7QC,…) tại các doanh nghiệp thuộc KCN phía Bắc sẽ là một động lực mạnh mẽ trong sự phát triển của doanh nghiệp, đóng góp đáng kể vào việc tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương, đóng góp chung cho nguồn thu của quốc gia và góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Đặc thù doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp các tỉnh phía Bắc khi áp dụng các công cụ Nâng cao năng suất
 Để bắt kịp các doanh nghiệp khác trong thị trường đầy cạnh tranh như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phía Bắc phải tích hợp có hiệu quả các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất.

Để bắt kịp các doanh nghiệp khác trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phía Bắc phải tích hợp có hiệu quả hệ thống quản lý, công cụ tiên tiến để phát triển doanh nghiệp bền vững và nâng cao sức cạnh tranh, đáp ứng tổng thể yêu cầu về quản lý theo chuẩn quốc tế một cách hiệu quả nhất.

Việc áp dụng tích hợp các HTQL với công cụ NSCL được xem là giải pháp mới trong xu thế hội nhập nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng tới sử dụng tối ưu nguồn lực và hoạt động hiệu quả. Việc tích hợp giúp doanh nghiệp sử dụng chung hệ thống tài liệu, tránh sự cồng kềnh, rút ngắn thời gian, chi phí đến 30% so với áp dụng hệ thống riêng lẻ, vận hành hiệu quả và nhanh chóng, đáp ứng đánh giá nghiêm khắc của chuyên gia độc lập bên ngoài, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng dịch vụ của khách hàng.

Tại Việt Nam, số lượng doanh nghiệp áp dụng đồng bộ, tích hợp HTQL và công cụ năng suất chất lượng hiện có hàng trăm doanh nghiệp chủ yếu trong lĩnh vực phục vụ xuất khẩu như dệt may, chế biến thủy sản. Kinh nghiệm phát triển nhiều nước trên thế giới cho thấy, việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến của các nước đi trước là một trong những bí quyết để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa.

Đặc biệt, việc áp dụng HTQL, công cụ cải tiến NSCL tại doanh nghiệp trong các KCN góp phần thúc đẩy việc tăng năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 Trước xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, việc đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học & công nghệ được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp.

Mỗi công cụ cải tiến năng suất đều mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích riêng. Tuy nhiên, thực trạng doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất tại Việt Nam còn ít và đạt hiệu quả chưa cao.

Môi trường kinh doanh quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước đòi hỏi nghiêm ngặt về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn sức khỏe và bảo vệ môi trường quan tâm hơn đến việc áp dụng các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến NSCL. Chính vì vậy, việc áp dụng công cụ cải tiến NSCL vào doanh nghiệp là cần thiết và cần được nhân rộng.

Phương Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang