Doanh nghiệp dệt may cần chủ động nắm bắt thị trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững

author 05:24 30/11/2023

(VietQ.vn) - Năm 2023 là giai đoạn khó khăn nhất đối với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, xuất khẩu tại nhiều thị trường lớn đều đi xuống. Vì vậy, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu xuất khẩu đề ra, đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để tận dụng tốt các cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng...

Theo báo cáo từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), xuất khẩu dệt may năm 2023 vẫn tập trung vào 4 thị trường trọng điểm. Trong đó đứng đầu vẫn là thị trường Mỹ với kim ngạch đạt trên 11 tỷ USD; Đứng thứ hai là Nhật Bản khoảng với con số 3 tỷ; Hàn Quốc đạt 2,43 tỷ USD; EU gần 2,9 tỷ USD. Tiếp đó là Canada khoảng 850 triệu USD, Trung Quốc 830 triệu USD, Campuchia 612 triệu USD, Anh quốc 503 triệu USD, Australia 351 triệu, Nga 283 triệu USD, Indonesia 279 triệu USD. Các thị trường Thái Lan, Hong Kong (Trung Quốc) đều hơn 200 triệu USD…

“Chưa năm nào ngành dệt may Việt Nam có sự bứt phá cả về thị trường xuất khẩu cũng như chủng loại mặt hàng như trong năm 2023. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu có giảm so với mục tiêu, nhưng với những khó khăn trong năm nay, nhưng việc đưa sản phẩm dệt may tiếp cận 104 quốc gia và vùng lãnh thổ được coi là sự bứt phá, cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp dệt may”, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas khi đánh giá.

Đây chính là bước tiến cho việc dệt may Việt Nam, giảm phụ thuộc vào những thị trường lớn. Những thị trường trước đây không nhập khẩu dệt may Việt Nam thì nay đã tiến hành giao thương như: Thị trường châu Phi, Nga, thị trường Đạo hồi… Điều này càng khẳng định vị thế của dệt may Việt Nam trên thị trường toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, hoạt động sản xuất - kinh doanh khó khăn kéo dài do các doanh nghiệp bị tác động bởi các nhân tố như: Tổng cầu dệt may thế giới giảm do các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng. Trước khủng hoảng kinh tế, Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ liên tục tăng lãi suất và duy trì ở mức cao, châu Âu nhiều bất ổn, đứng trên bờ vực suy thoái, Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn kỳ vọng, Nhật Bản phá giá đồng Yên nhưng vẫn không thúc đẩy được xuất khẩu.

Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao như: Giá điện tăng, tỷ giá tăng gần 3% kể từ cuối quý 2, đồng thời bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các quốc gia đối thủ... Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất kinh doanh... Đơn hàng giảm số lượng, nhỏ lẻ, yêu cầu cao, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023.

Doanh nghiệp dệt may phải linh hoạt, đồng bộ các giải pháp để tận dụng tốt các cơ hội, thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh minh họa 

Ông Lê Mạc Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết ngành may trong năm 2023 không khỏi điêu đứng do tổng cầu trên thế giới giảm sút, xét trên góc độ vĩ mô, mỗi doanh nghiệp có mức độ thiệt hại khác nhau. Các thương hiệu thời trang lớn cũng chịu ảnh hưởng ở mức độ xấu nhiều hay xấu ít. “Mỗi thị trường cũng khó khăn khác nhau, có thị trường đang dần phục hồi, nhưng cũng có thị trường vừa chịu thiệt hại về kinh tế vừa chịu ảnh hưởng của xung đột chính trị,” ông Thuấn nói.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng thông tin thêm, tại nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố, đơn hàng chỉ đủ đáp ứng được từ 85% đến 90% năng lực sản xuất. Các đơn hàng trở lại chủ yếu thuộc nhóm nhỏ lẻ, yêu cầu kiểu dáng, thời trang và đơn giá rất cạnh tranh. Ðiều này ngược lại so với thông lệ, bởi thường vào thời điểm cuối năm, các nhà máy đều có đơn hàng và bố trí lịch sản xuất đến giữa năm hoặc hết quý 3 năm sau.

“Mặc dù không đạt được như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, việc đơn hàng hồi phục cũng là tín hiệu đáng mừng, qua đó, giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực, duy trì lao động chờ thị trường phục hồi hoàn toàn,” ông Phạm Xuân Hồng khẳng định.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ khép lại năm 2023, Chủ tịch Vitas đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, đồng thời, tiếp tục đầu tư chuyển đổi công nghệ, hướng tới Xanh hóa trong các quy trình sản xuất, kiểm soát và thích ứng với ngành công nghiệp dệt may toàn cầu đòi hỏi.

“Việc đa dạng thị trường, đa dạng mặt hàng và khách hàng, đối tác là bước tiến lớn cho việc dệt may Việt Nam giảm phụ thuộc vào những thị trường truyền thống. Đặc biệt, những thị trường trước đây không nhập khẩu sản phẩm nay đã nhập khẩu, tạo vị thế cho vững chắc cho sản phẩm của Việt Nam trên thị trường toàn cầu”, Chủ tịch Vitas khẳng định.

Với con số dự kiến trên 40 tỷ USD năm nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đặt mục tiêu xây dựng giải pháp trong phát triển bền vững, đạt các chuẩn mực tốt hơn, cả về xanh hóa, quản trị và đổi mới công nghệ…

Doanh nghiệp dệt may cần đặt ra mục tiêu phát triền bền vững

Định hướng về sản xuất, thị trường và hoạt động xuất khẩu năm 2024, các doanh nghiệp kỳ vọng vào năm 2024 thị trường sẽ khởi sắc tốt hơn và mục tiêu tổng xuất khẩu toàn ngành đạt 44 tỷ USD. Tuy vậy, để nắm bắt và thực hiện được, các doanh nghiệp trong ngành cần thực hiện được 5 vấn đề lớn.

Thứ nhất, tiếp tục đa dạng hoá thị trường, khách hàng, mặt hàng dựa trên bài học năm 2023.

Thứ hai, phát bền vững đi đôi với mục tiêu đòi hỏi của thị trường toàn cầu về vấn đề xanh hoá, giảm phát thải nhà kính, đầu tư sâu vào nồi hơi đốt bằng điện, giảm dần đốt bằng hoá thạch. Trong đó đầu tư vào quản trị số, kiểm soát và thích ứng được với đòi hỏi của dệt may toàn cầu.

Thứ ba, đưa ra giải pháp đầu tư về công nghệ hoá, tự động hoá ở một số dây chuyền sản xuất thích ứng được nhằm giao hàng nhanh, mã hàng nhỏ và chất lượng cao.

Thứ tư, tập trung cho giải pháp công nghiệp thời trang. Trong chiến lược phát triển ngành, Vitas đã kiến nghị Chính phủ để từ chiến lược của Chính phủ đưa vào đời sống của ngành công nghiệp dệt may. Trong đó quan tâm định hình đưa ra giải pháp, chiến lược cho những một số thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.

Thứ năm, xây dựng nguồn lực về phát triển mẫu, thiết kế 3D, công nghệ quản trị số. Hiện nay nhiều doanh nghiệp dệt may đã đầu tư nhưng ý tưởng, vận hành và nguồn lực để vận hành vẫn còn thiếu.

Ngoài ra, thời điểm hiện tại chính là cơ hội số 1 cho dệt may thâm nhập vào thị trường toàn cầu nhờ các FTA nhưng có 3 yếu tố cần tuân thủ. Đó là doanh nghiệp cần thích ứng nhanh luật chơi toàn cầu của các nhãn hàng, chủ động nền công nghiệp thời trang. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động, xây dựng chuỗi chặt chẽ với nhà sản xuất sợi, nhuộm, tạo chuỗi trong chiến lược phát triển, tiến tới làm chủ cuộc chơi về thương hiệu toàn cầu.

Các tiêu chuẩn ngành dệt may hiện nay

Các sản phẩm ngành dệt may cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến để nâng cao sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam. Đáp ứng các tiêu chuẩn ngành dệt may, doanh nghiệp sẽ tăng thêm uy tín và lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Vậy các tiêu chuẩn chứng nhận của ngành dệt may hiện nay là gì?

Tiêu chuẩn RCS

Một trong những tiêu chuẩn ngành dệt may được sử dụng phổ biến hiện nay đó là RCS. Tiêu chuẩn này thường được áp dụng trong quá trình theo dõi nguyên liệu thô tái chế.

Việc áp dụng tiêu chuẩn trong chuỗi cung ứng giúp các đơn vị sản xuất xác định được lượng nguyên liệu tái chế. Thông qua tiêu chuẩn, các doanh nghiệp có thể đảm bảo với người tiêu dùng về tính minh bạch trong thành phần của sản phẩm.

Tiêu chuẩn RDS

RDS cũng là tiêu chuẩn ngành dệt may được áp dụng rộng rãi trên toàn cầu. Đây còn được gọi là tiêu chuẩn Lông vũ trách nhiệm xã hội (Responsible Down Standard). RDS không phải là tiêu chuẩn bắt buộc nhưng lại được áp dụng phổ biến vì mang lại nhiều lợi ích. Vì ngoài bảo vệ quyền lợi vịt hay ngỗng, tiêu chuẩn còn giúp truy xuất nguồn gốc của lông vũ được sử dụng trong chuỗi cung ứng.

Tiêu chuẩn RWS

RWS được xem là một trong những công cụ hoàn hảo giúp các thương hiệu khẳng định chất lượng của các sản phẩm len. Đồng thời, những mặt hàng gắn nhãn RWS còn giúp người tiêu dùng yên tâm về sự tương ứng giữa chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, tiêu chuẩn còn giúp các đơn vị sản xuất đảm bảo được sự uy tín vì tìm được nguồn len đáng tin cậy.

Tiêu chuẩn GRS

Trong số những tiêu chuẩn ngành dệt may được áp dụng phổ biến hiện nay có cả GRS. Đây là tiêu chuẩn giúp xác định thành phần tái chế của sản phẩm. Ngoài ra, GRS còn có ý nghĩa đặc biệt trong hoạt động xã hội và môi trường vì đảm bảo hạn chế sử dụng hóa chất độc hại. Thông qua đó, điều kiện làm việc và sự an toàn trong lao động cũng được đảm bảo.

Tiêu chuẩn GOTS

GOTS là tiêu chuẩn dệt may hữu cơ toàn cầu được thiết lập vào năm 2006. Tiêu chuẩn giúp đảm bảo được tình trạng hữu cơ của sản phẩm dệt may. Đặc biệt, GOTS áp dụng cho cả quá trình từ lựa chọn nguyên liệu thô cho đến khâu sản xuất.

Nhờ vậy, người dùng có thể yên tâm hơn về thành phần cũng như chất lượng của sản phẩm. Do đó, GOTS cũng là tiêu chuẩn ngành dệt may được sử dụng phổ biến trên toàn cầu hiện nay.

Tiêu chuẩn OCS

OSC là tiêu chuẩn có tác dụng trong việc xác minh được hàm lượng nguyên liệu hữu cơ trong sản phẩm. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn được dùng để áp dụng cho những sản phẩm có chứa 5 – 100% hàm lượng hữu cơ.

Đồng thời, việc áp dụng tiêu chuẩn giúp các đơn vị sản xuất theo dõi được hành trình của nguyên liệu trong suốt chuỗi cung ứng. Trong đó, đối tượng mà tiêu chuẩn hướng đến chính là các doanh nghiệp cũng đơn vị sản xuất mặt hàng từ nguyên liệu hữu cơ.

Tiêu chuẩn OEKO TEX

OEKO TEX là tiêu chuẩn được thiết lập nhằm giảm thiểu lượng chất độc hại có trong các mặt hàng dệt. Để những sản phẩm của mình có thể gắn nhãn OEKO TEX, các đơn vị áp dụng cần phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra nghiêm ngặt. Hiệu lực của chứng nhận OEKO TEX là một năm. Do vậy, các doanh nghiệp cần tiến hành gia hạn khi chứng nhận hết hiệu lực nhằm duy trì và đảm bảo chất lượng của sản phẩm.

Tiêu chuẩn FSC

Ngoài những tiêu chuẩn ngành dệt may được đề cập trên thì FSC cũng là cái tên không nên bỏ qua. Vốn được hình thành bởi một tổ chức phi chính phủ, tiêu chuẩn có ý nghĩa trong việc đảm bảo sự bền vững của hệ thống quản lý rừng. Trên cơ sở đó, tiêu chuẩn giúp giảm thiểu được vấn nạn khai thác rừng trái phép. Nhờ vậy, việc bảo tồn và duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng được đảm bảo tốt hơn.

Tiêu chuẩn ISO 14001

ISO 14001 vốn là tiêu chuẩn quy định về vấn đề quản lý môi trường được xây dựng bởi Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế. Không chỉ hạn chế được những tác động xấu, tiêu chuẩn còn nâng cao hiệu quả hoạt động liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Thông qua đó, sản phẩm ngành may dệt cũng được đảm bảo chất lượng lẫn an toàn với người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn ISO 5001

Thông qua tiêu chuẩn, các đơn vị sản xuất có thể từng bước tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống quản lý năng lượng. Điều này được thực hiện thông qua việc ghi chép, xem xét, kiểm toán và phân tích.

Tiêu chuẩn BSCI

BSCI được thiết lập bởi Hiệp hội Ngoại thương (FTA) vào năm 2003. Tiêu chuẩn có ý nghĩa đặc biệt trong việc xây dựng một diễn đàn chung. Đặc biệt, tiêu chuẩn có thể áp dụng cho hầu hết các đơn vị, tổ chức mà không phân biệt loại hình hay quy mô. Khi áp dụng trong ngành dệt may, tiêu chuẩn BSCI giúp xây dựng được môi trường làm việc lành mạnh cũng như đảm bảo an toàn cho người lao động.

Tiêu chuẩn SMETA

Tiêu chuẩn cung cấp cho các đối tượng áp dụng một phương pháp đánh giá hiệu quả. Thông qua SMETA, các đơn vị có thể hạn chế được tình trạng chồng chéo trong việc đánh giá đạo đức cũng như trách nhiệm xã hội.

Tiêu chuẩn Bluesign

Khi áp dụng trong ngành may dệt, tiêu chuẩn góp phần quản lý một cách hiệu quả chất lượng cũng như tính an toàn của sản phẩm. Cụ thể, tiêu chuẩn giúp đảm bảo việc không sử dụng những chất hóa học độc hại khi sản xuất các mặt hàng dệt may.

Khánh Mai (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang