Đồng Nai: Phát hiện nhiều cơ sở bán thiết bị phòng cháy chữa cháy kém chất lượng

author 14:02 28/09/2022

(VietQ.vn) - Công an Đồng Nai cho biết đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 4 cơ sở kinh doanh thiết bị phòng cháy, chữa cháy kém chất lượng và tạm giữ hơn 17.000 thiết bị.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an Đồng Nai) phối hợp Đoàn kiểm tra liên ngành 389 tỉnh Đồng Nai thành lập 3 tổ công tác, kiểm tra đột xuất 4 cơ sở kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy tại TP.Biên Hòa.

4 cơ sở bị kiểm tra gồm Công ty TNHH thương mại - xuất nhập khẩu Tấn Đức Thịnh, Công ty TNHH Kim Sơn Minh, Cơ sở thiết bị phòng cháy chữa cháy Phương Nam và hộ kinh doanh Thanh Phương. Lực lượng chức năng phát hiện cả 4 cơ sở trên đều vi phạm quy định trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy như: thiết bị phòng cháy chữa cháy không có tem kiểm định; không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

 Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Lực lượng chức năng còn ghi nhận tại 4 cơ sở này sử dụng các chất chữa cháy như bột, bọt chữa cháy… để cung cấp, nạp, sạc cho các phương tiện phòng cháy chữa cháy cho nhiều công ty, xí nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn TP.Biên Hòa. Các chất chữa cháy trên không rõ nguồn gốc hoặc xuất xứ từ Trung Quốc, chưa được kiểm định về chất lượng. Chất chữa cháy kém chất lượng nên hiệu quả chữa cháy thấp hoặc không có khả năng dập tắt đám cháy ngay từ ban đầu, từ đó làm tăng khả năng cháy lan, cháy lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Bước đầu, đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh phòng cháy chữa cháy đối với 4 cơ sở trên. Đồng thời, tạm giữ hơn 17.000 thiết bị phòng cháy, chữa cháy; hơn 5.000kg bột chữa cháy và hơn 12.000 lít bọt chữa cháy chưa được kiểm định, dán tem và cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện… để tiếp tục làm rõ các sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Liên quan đến các tiêu chuẩn trong phòng cháy, chữa cháy, Bộ Công an cũng đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với 03 dự thảo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về phòng cháy và chữa cháy. Theo đó, dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy - Hệ thống phát hiện và báo động cháy – Phần 29: Đầu báo cháy video - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử quy định các yêu cầu, phương pháp thử nghiệm và tiêu chí hiệu suất cho đầu báo cháy video (VFD), hoạt động trong quang phổ nhìn thấy được để sử dụng trong phát hiện cháy và hệ thống báo động được lắp đặt trong và xung quanh các công trình (xem ISO 7240-1). Để kiểm tra các loại VFD khác hoạt động trên các điều kiện khác nhau, tiêu chuẩn này chỉ có thể được sử dụng như một hướng dẫn tham khảo.

Đầu báo cháy video được phát triển để bảo vệ các rủi ro cụ thể kết hợp đặc điểm riêng biệt (bao gồm tính năng bổ sung hoặc chức năng nâng cao mà tiêu chuẩn này không xác định phương pháp kiểm tra hoặc đánh giá) nằm ngoài phạm vi của tiêu chuẩn này.

Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện chữa cháy - Thiết bị đầu nối – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử áp dụng đối với đầu nối kiểu ngoàm và kiểu cắm rút, dùng để nối các vòi đẩy chữa cháy với nhau, nối vòi đẩy chữa cháy với thiết bị chữa cháy khác; áp dụng cho các loại vòng đệm làm kín dùng cho đầu nối. Tiêu chuẩn này áp dụng đối với các cơ sở sản xuất và nhập khẩu đầu nối.

Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện bảo vệ cá nhân cho người chữa cháy – Phần 4: Găng tay chữa cháy - Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử quy định yêu cầu về kỹ thuật và tính năng tối thiểu đối với găng tay chữa cháy là một phần của bộ phương tiện bảo vệ cá nhân (PPE) được sử dụng cho chiến sỹ chữa cháy để bảo vệ khỏi việc tiếp xúc với lửa và tải nhiệt cao.

Trước đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 234/QĐ-BKHCN công bố 2 Tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy chữa cháy.

Tiêu chuẩn TCVN 13455:2022 – Phòng cháy chữa cháy - Ống mềm kim loại kết nối đầu phun trong hệ thống sprinkler tự động – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử áp dụng để thiết kế, lắp đặt phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn được trang bị cho gian phòng, nhà và các công trình xây dựng trong tất cả các giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng. Tiêu chuẩn này quy định yêu cầu kỹ thuật, phương pháp thử đối với ống mềm bằng kim loại kết nối với đầu phun trong hệ thống sprinkler tự động.

Tiêu chuẩn TCVN 13456:2022 – Phòng cháy chữa cháy – Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn – Yêu cầu thiết kế, lắp đặt áp dụng để thiết kế, lắp đặt phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn được trang bị cho gian phòng, nhà và các công trình xây dựng trong tất cả giai đoạn xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hay thay đổi công năng, tiêu chuẩn quốc gia nêu trên được ban hành sẽ giúp cơ quan quản lý, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế có cơ sở pháp lý để thực hiện khi thiết kế, sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn tại Việt Nam. Phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn rất quan trọng trong việc chiếu sáng, chỉ dẫn thoát nạn khi có sự cố xảy ra trong các tòa nhà và cơ sở sản xuất...

Bảo Linh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang