Dòng tiền âm, IPPG vẫn ‘rộng tay’ cho người nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn vay 'khủng'

author 12:11 02/10/2021

(VietQ.vn) - Cả năm 2020, doanh thu của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) đạt 497 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền cho vợ con ông Johnathan Hạnh Nguyễn vay lên đến 479 tỷ đồng, chỉ thấp hơn doanh thu cả năm 2020 của IPPG một chút.

Kế hoạch chi tiêu "khủng" 

Nhắc đến Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP Group), người ta nhắc ngay đến tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn với vai trò là người gây dựng. IPP Group hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực nhưng nổi tiếng nhất vẫn là hàng hiệu và sân bay. Hệ sinh thái IPP Group gồm nhiều công ty, trong đó Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) là hạt nhân..

Mặc dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, gần đây IPP Group đã gây xôn xao dư luận khi công bố kế hoạch mua bán “siêu khủng”. Cụ thể, ngày 27/9, IPP Group xác nhận thông tin Tập đoàn Boeing (Mỹ) đã chào hàng 10 máy bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỉ USD. Lãnh đạo IPP Group đã đồng ý và xác nhận với đối tác việc sẽ mua 10 chiếc máy bay này trong thời gian tới.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ, số máy bay này là đặt hàng trước và khi được cơ quan chức năng cấp phép, Công ty Cổ phần IPP Air Cargo trong hệ sinh thái của IPP Group sẽ có sẵn đội bay hùng hậu để triển khai kinh doanh, đồng thời đưa hãng bay này thành hãng hàng không vận tải hàng hóa lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Á.

Trước đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư các dự án trọng điểm của IPPG. Tại văn bản này. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch HĐTV IPPG cho biết, thời gian qua, tập đoàn IPPG cùng các đối tác đầu tư Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước Châu Âu... tích cực làm việc với các tỉnh, thành phố và Bộ, ngành liên quan để nghiên cứu triển khai 45 dự án trọng điểm tại Việt Nam.

Theo Chủ tịch IPPG, các dự án của doanh nghiệp tập trung vào 5 lĩnh vực đầu tư: Trung tâm tài chính quy mô quốc tế và khu vực tại TP.HCM và TP.Đà Nẵng; các khu phi thuế quan; các thành phố sân bay; khu đô thị thông minh, nghỉ dưỡng và sức khỏe cộng đồng; thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bellazio Logistics. 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn và vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên.  

Trước liên tiếp thông tin dồn dập liên quan đến các dự án của ông Johnathan Hạnh Nguyễn khiến dư luận không khỏi xôn xao về tiềm lực của IPPG. Và, với những kế hoạch chi tiêu tới hàng trăm tỷ USD, câu hỏi được đặt ra là “sức khoẻ” của IPP Group thế nào?

1 đồng vốn chỉ sinh ra 0,05 đồng lợi nhuận

Các lĩnh vực kinh doanh của IPPG (nổi bật là hàng hiệu và sân bay) được tin là có tỷ suất lợi nhuận rất cao. Niềm tin đó hoàn toàn có cơ sở vì trong năm 2020, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu tại IPPG là khá cao, lên đến 42,7% (1 đồng doanh thu sinh ra gần 0,5 đồng lợi nhuận). 

Cụ thể, năm 2020, bất chấp dịch Covid-19, Việt Nam phải nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn hơn, IPPG vẫn ghi nhận doanh thu tăng trưởng dương, tăng 45 tỷ đồng, tương đương 10% so với năm 2019 lên 497 tỷ đồng.

Doanh thu tăng nhưng giá vốn giảm nhẹ, từ 186 tỷ đồng xuống 179 tỷ đồng nên kết quả là lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của IPPG tăng đáng kể, tăng 91 tỷ đồng, tương đương 40% lên 318 tỷ đồng. Trong khi đó, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp, các chi phí khác đều giảm nên công ty báo lãi 212 tỷ đồng, tăng 12 tỷ đồng, tương đương 6% so với năm 2019. Duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận dương giữa đại dịch Covid-19 là nỗ lực lớn của IPPG. Không chỉ tăng trưởng dương, IPPG còn ghi nhận tỷ suất lợi nhuận/doanh thu rất cao, lên tới 42,7%.

Thế nhưng, hiệu quả sử dụng vốn tại IPPG lại không cao vì quy mô IPPG lớn vượt trội so với doanh thu. Cần nói thêm, IPPG là công ty ngàn tỷ, vốn góp chủ sở hữu lên đến 3.000 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối năm 2020, IPPG đạt 3.946 tỷ đồng vốn chủ sở hữu và 5.492 tỷ đồng tổng tài sản.

Vì vậy, tỷ suất lợi nhuận/vốn của IPPG chỉ là con số khiêm tốn 5,4%. Nghĩa là 1 đồng vốn chỉ sinh ra 0,05 đồng lợi nhuận. 5,4% vẫn thấp hơn một chút so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nhà nước. Còn tại ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất kỳ hạn 12 tháng lên tới 7%/năm.

Tiền cho vay xấp xỉ bằng doanh thu cả năm

IPPG có hơn 345 tỷ đồng phải thu cho vay ngắn hạn từ bà Lê Hồng Thủy Tiên - mẹ chồng Tăng Thanh Hà. Ảnh: BCTC riêng IPPG năm 2020. 

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận/vốn thấp không phải điều đáng chú ý nhất tại IPPG. Dòng tiền tại công ty này mới thực sự đáng chú ý. Tại thời điểm cuối năm 2020, dòng tiền của IPPG âm đáng kể. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của IPPG là âm 115 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 71 tỷ đồng của năm 2019. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính là âm 148 tỷ đồng, giảm so với con số 192 tỷ đồng của năm trước.

Trong khi đó, IPPG phải phát hành trái phiếu khiến tổng nợ vay tại ngày 31/12/2020 lên tới 1.203 tỷ đồng. Kết quả là IPPG phải dành gần 68 tỷ đồng cho chi phí lãi vay. Thế nhưng, IPPG vẫn rộng tay cho các cá nhân, tổ chức có liên quan vay. Trong đó, đáng chú ý nhất là vợ con ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Tại thời điểm cuối năm 2020, IPPG có khoản phải thu ngắn hạn lên đến hơn 345 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn, 102 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và 32 tỷ đồng với ông Nguyễn Phi Long.

Như vậy, tổng số tiền phải thu từ cho vay vợ con ông Johnathan Hạnh Nguyễn là 479 tỷ đồng, xấp xỉ doanh thu cả năm 2020 của IPPG. Ngoài ra, IPPG còn có khoản phải thu lãi cho vay gần 27 tỷ đồng với bà Lê Hồng Thuỷ Tiên, hơn 10 tỷ đồng với ông Nguyễn Quốc Khánh và gần 455 triệu đồng với ông Nguyễn Phi Long. Ngoài ra, bà Lê Hồng Thuỷ Tiên còn nhận tạm ứng hơn 264 tỷ đồng từ IPPG.

Những khoản cho vay theo kiểu "người nhà" như trên khiến dư luận không khỏi băn khoăn về câu chuyện quản trị của doanh nghiệp này. 

Về bà Lê Hồng Thủy Tiên, trong giới kinh doanh hàng hiệu, đặc biệt dưới con mắt của đối tác nước ngoài, bà là người nhiều năng lượng và yêu thích kiếm tiền, đặc biệt là khả năng nắm bắt được xu thế kinh doanh.

Theo thông tin trên báo chí, mặc dù ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến là ông chủ của IPP hơn 30 năm nay, nhưng ít ai biết rằng, trên thực tế, việc điều hành IPP Group hơn 10 năm nay đã thuộc về bà Thủy Tiên.

Chính bà từng khẳng định, bà có được những thành công về mặt tài chính mà không cần dựa dẫm vào chồng. “Tôi học mọi thứ kinh doanh từ A đến Z vì vậy tôi có thể có được thành công ở mức cao như vậy”, bà chia sẻ.

Mai Phương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang