Dự án Đankia - Suối Vàng 'ôm trọn' 1.500ha đất rừng phòng hộ

author 16:29 30/10/2019

(VietQ.vn) - Khu du lịch Đankia - Suối Vàng được Công ty CP Golden Stream đề xuất với tổng diện tích lên đến gần 4.000ha gồm 07 phân khu chính với các hạng mục biệt thự nghỉ dưỡng, sân golf, bệnh viện,... Tuy nhiên, xét về hiện trạng sử dụng đất trong đó có tới gần 1.500ha đất rừng phòng hộ.

Trong khu du lịch có rừng phòng hộ

Khu du lịch Đankia - Suối Vàng (KDL Đankia - Suối Vàng) nằm trên địa bàn thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương) và phường 7 (TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Năm 2014, Ngân hàng TMCP Bắc Á và Tập đoàn TH có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép nghiên cứu đầu tư khu du lịch này.

Sau khi được UBND tỉnh Lâm Đồng thống nhất chủ trương cho phép nghiên cứu, tháng 12/2015, Ngân hàng Bắc Á và các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn TH (Công ty CP Dược liệu TH, Công ty CP Quản lý, đầu tư giáo dục) đã góp vốn thành lập Công ty CP Golden Stream để thực hiện dự án.

Theo đề xuất, KDL Đankia - Suối Vàng có tổng diện tích quy hoạch gần 4.000ha, trong đó các khu vực tập trung phát triển du lịch, hình thành phân khu chức năng chính khoảng 742ha. Dự án gồm 07 phân khu chính gồm: Phân khu Trung tâm du lịch tổng hợp; Phân khu nghỉ dưỡng; Phân khu chăm sóc sức khỏe; Phân khu Du lịch thể thao - Trung tâm thể thao cấp quốc gia; Phân khu sân golf; Phân khu Trung tâm giáo dục; Phân khu du lịch văn hóa Lang Biang. Ngoài ra còn có các phân khu sinh thái nông nghiệp kết hợp du lịch, phân khu dược liệu kết hợp du lịch,...

Dự kiến xây dựng khoảng 1.300 căn biệt thự nghỉ dưỡng, gần 400 bungalow, gần 400 căn hộ cao cấp,...; Trung tâm điều dưỡng và spa chăm sóc sức khỏe khoảng 200 giường; Bệnh viện, viện dưỡng lão quy mô 1.200 giường; sân golf 18 lỗ quy mô trên 150ha;...

Tuy nhiên, xét về hiện trạng sử dụng đất trong gần 4.000ha đất được quy hoạch có tới 1.515ha đất rừng phòng hộ, 866,19ha đất rừng sản xuất, 774ha đất nông nghiệp, chỉ có 21,83ha đất phi nông nghiệp,...

Dự án Đankia - Suối Vàng 'ôm trọn' 1.500ha đất rừng phòng hộ

 Dự án Đankia - Suối Vàng 'ôm trọn' 1.500ha đất rừng phòng hộ.

Thực tế đề xuất của chủ đầu tư, trong rất nhiều phân khu có diện tích rừng tự nhiên như: phân khu du lịch tổng hợp có 16,64ha đất rừng tự nhiên; phân khu nghỉ dưỡng có tới 84,75ha đất rừng tự nhiên; phân khu sân golf 153ha có tới 24,8ha đất rừng tự nhiên,...

Tuy rằng, hàng trăm hecta đất rừng trên đều được đề xuất bảo tồn cảnh quan, không tác động đến nhưng nên nhớ vẫn nằm trọn trong quy hoạch dự án nhà đầu tư đưa ra. Chắc chắn điều này sẽ góp phần không nhỏ trong hiệu quả hoạt động kinh doanh dự án sau này.

Ngoài ra, để triển khai “siêu” dự án này Công ty Golden Stream còn đề xuất chuyển đổi mục đích khoảng 208,94ha đất. Trong đó, chuyển đổi 66,78ha đất rừng sản xuất, chuyển đổi 103,78ha đất trồng cây lâu năm, chuyển đổi 38,38ha đất trồng cây hàng năm. Tổng vốn đầu tư khoảng 20.200 tỷ đồng. Trong đó vốn tự có khoảng 3.030 tỷ đồng (15% tổng mức đầu tư) được đóng góp bởi các cổ đông: Công ty CP Dược liệu TH 45%, Công ty CP quản lý, đầu tư giáo dục quốc tế 44%, Công ty CP Kỹ nghệ điện chiếu sáng Việt Nam 3%, Công ty CP Vật tư thiết bị giao thông 6%, và cá nhân bà Nguyễn Thị Lan Phương 2%. Còn lại huy động 17.170 tỷ đồng (85% tổng mức đầu tư). Phần vốn này được Ngân hàng TMCP Bắc Á cam kết hỗ trợ cho vay với tư cách là Ngân hàng thu xếp, đồng thời tài trợ vốn cho tổng thể dự án.

Những tác động có thể đến

Giống như nhiều dự án khác, dự án Khu du lịch Đankia - Suối Vàng cũng tìm được sự phù hợp với quy hoạch, phù hợp về hình thức đầu tư, vị trí đầu tư,... thậm chí góp phần phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn, trong quá trình thực hiện dự án sẽ gây ra ô nhiễm đến môi trường đất, nước, không khí, tiếng ồn do các hoạt động của công nhân; các phương tiện giao thông chở nguyên liệu.

Ví như trong quá trình thi công khí thải phát sinh, xuất hiện bụi từ hoạt động san lấp mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng dự án; Nước thải sinh hoạt của 2.000 công nhân tại công trường xây dựng với lượng nước thải phát sinh khoảng 88m3/ngày đêm. Việc chặt cây phát dọn thảm thực bì làm mất tầng che phủ, mặt đất lộ ra các tác động tự nhiên (gió, mưa gây xói mòn) sẽ tác động trực tiếp lên tầng đất mặt bằng làm bạc màu cho đất.

Trước khi triển khai dự án thảm thực vật đóng vai trò vật cản, giảm tốc độ dòng chảy của nước mưa, đất vốn thấm nước rất tốt đã lưu giữ lượng lớn nước mưa. Khi thảm thực vật bị bóc bỏ thì đất rất dễ xói mòn. Vào mùa mưa nước chảy tràn gây ngập úng và rửa trôi lớp đất mặt. Tại khu vực dự án, xói mòn đất ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đất và gây bồi lắng lòng hồ Đankia, về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng du lịch.

Các hoạt động đào đắp đất sẽ làm mất một khối lượng đất do bị cuốn trôi xuống khu vực trũng, có khả năng dẫn đến bồi lắng lòng hồ, thay đổi dòng chảy, thay đổi địa hình tự nhiên khu vực dự án với quy mô nhỏ, tác động xấu đến tài nguyên đất, tài nguyên sinh vật và chất lượng nước trong khu vực.

Nước mưa chảy tràn qua khu vực xây dựng có chứa các chất gây ô nhiễm dầu mỡ, cát, sạn, xi măng,... hay khu vực có chứa chất thải sinh hoạt không được che chắn kỹ sẽ cuốn theo các chất ô nhiễm và trở thành nguồn nước gây ô nhiễm đến nước mặt hồ Đankia. Ngoài ra còn tác động tới môi trường sinh thái như suy giảm diện tích rừng, diện tích rừng trên khu đất dự án bị thu hẹp do việc phát triển cơ sở hạ tầng dự án. Chất lượng rừng bị suy giảm do một phần thảm thực vật bị phá hủy, giảm đa dạng sinh học, các loại động vật rừng trong dự án và khu đất lân cận bị đe doạ, xua đuổi. 

Đó chỉ là một vài dự báo tác động đến môi trường có thể xảy ra trong quá trình thi công cũng như thời điểm dự án đi vào hoạt động. Tất nhiên, nhà đầu tư cũng đã có kế hoạch bảo vệ, và được cơ quan chức năng thẩm định. Tuy nhiên đó là những dự báo và kế hoạch trên giấy nếu dự án được chấp thuận và đi vào triển khai thì vẫn cần được giám sát sát sao trên thực tế.

Loan Hoàng

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang