Đưa hình cướp giết lên mặt báo: Ngăn chặn hay hướng dẫn phạm tội?

author 17:54 13/11/2014

(VietQ.vn) - Nếu không cân nhắc kỹ các yếu tố bạo lực, rất có thể bài báo sẽ trở thành một hình thức hướng dẫn, gợi ý phạm tội, có tác động không tốt tới xã hội.

Hiện nay, việc báo chí tập trung khai thác và đưa tin về về các vụ án, đặc biệt là cac vụ án điểm, điển hình là cần thiết, giúp người đọc có cái nhìn toàn cảnh hơn về các vụ việc mà họ đang quan tâm. Tuy nhiên, nhiều bài báo với những tiêu đề khá “giật gân”, mang tính chất nghiêm trọng, nhưng nội dung không tương xứng, hoặc làm người đọc hiểu sai lệch vấn đề, ảnh hưởng đến nhận thức độc giả ở các lứa tuổi khác nhau, mang lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng.

Đưa clip thực nghiệm hiện trường: Giáo dục hay phản giáo dục?

Vừa qua, trong bản tin Chuyển động 24 phát sóng vào tối ngày 13/10/2014 đưa tin về vụ việc nữ sinh học lớp 12 dùng dao đâm chết một cán bộ huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã đưa đoạn clip thực nghiệm hiện trường vụ án lên sóng với những diễn biến tình tiết cụ thể việc đối tượng đã dùng dao đâm nạn nhân ra sao.

Dư luận đặt câu hỏi: Đưa chi tiết vụ án lên sóng truyền hình như vậy liệu thực sự có tác dụng giáo dục hay là phản giáo dục?

Đưa nguyên clip thực nghiệm hiện trường vụ án gây phản giáo dục trong xã hội (hình ảnh tái hiện vụ nữ sinh Vĩnh Phúc giết người)

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, mặc dù thực nghiệm hiện trường là một phần của công tác điều tra nhưng cơ quan truyền thông phát sóng clip này lại hoàn toàn không nên. TS Hồng cho rằng khi đã đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng thì không nên đưa các hành vi bạo lực chi tiết. Bà Hồng cũng cho biết thêm, ở các quốc gia khác, khi tường thuật các vụ án thì họ thường sử dụng diễn viên đóng thế và không lộ hình dáng, với sự biên tập kỹ càng đối với các hành vi bạo lực. Với đoạn clip thực nghiệm hiện trường được phát sóng, bà Hồng cho rằng việc đưa lên các phương tiện truyền thông như vậy không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người đó mà còn ảnh hưởng đến gia đình, người thân của họ.

Là người đã theo dõi clip này, TS Phạm Thị Minh Lý, Chủ tịch Hội bảo trợ tư pháp cho người nghèo cũng cho rằng, việc đưa clip thực nghiệm hiện trường lên truyền hình như vậy là phản cảm và phản giáo dục. TS Lý cho rằng, việc đưa clip với đầy đủ chi tiết xảy ra của vụ án như vậy không chỉ không có tác dụng giáo dục mà nếu không cân nhắc kỹ các yếu tố bạo lực lại có thể trở thành một hình thức hướng dẫn, gợi ý phạm tội, có tác động không tốt tới xã hội.

Người đồng tính bị khai thác quá sâu

Trong việc đưa tin các vụ án, yếu tố đồng tính cũng được đề cập đến khá nhiều để thu hút sự tò mò của độc giải. Không khó để nhận thấy một loạt các tít được giật lên như “Sát hại người tình đồng tính vì hành sự không trả tiền”, “Giết bạn tình đồng tính, chặt xác phi tang”, “Ghen tuông đồng tính, giết hại người tình rồi tự tử”… Tuy nhiên, những tít bài giật gân như vậy lại tạo ra cho xã hội cái nhìn lệch lạc về cộng đồng người đồng tính.

TS Nguyễn Thị Lan, Trường Đại học Luật Hà Nội cũng cho rằng các tin tức liên quan đến người đồng tính, song tính và chuyển giới đang được nhiều tờ báo đề cập đến dưới các góc độ khác nhau. Nhưng cách dùng tiêu đề và nội dung phản ánh trong bài báo lại khác thác quá sâu theo hướng giật gân về yếu tố đồng tính. Cách đưa tin như vậy làm cho người đọc hiểu sai lệch vấn đề, ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức xã hội theo hướng tiêu cực, kỳ thị đối với cộng đồng người đồng tính và chuyển giới.

Về tác động đối với xã hội, TS Lan cho rằng điều này có thể dẫn dến những hậu quả khôn lường cho bản thân người trong cuộc, gia đình họ và đặc biệt là xã hội. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhận thức xã hội của người đọc ở các lứa tuổi khác nhau cũng như gây ra những hậu quả xã hội nghiêm trọng đối với đương sự hoặc gia đình họ được đề cập trong bài báo đó. Khi thông tin, phóng viên cũng nên cân nhắc đến quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, kể cả họ đang là người vi phạm pháp luật, phải lường trước được hiệu ứng tích cực và tiêu cực khi tung ra bài báo đó…

Vì vậy, TS Lan khuyến nghị rằng các nhà báo cũng như các biên tập viên cần nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng người. “Truyền thông cần có nhạy cảm giới”, TS Lan nhấn mạnh.

Cân nhắc yếu tố nhân văn

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, ngoài việc biên tập về yếu tố bạo lực, một nội dung cũng cần xem xét kỹ là yếu tố nhân văn. Khi đưa tin về một cá nhân phạm tội cũng cần đảm bảo cho họ có thể tái hòa nhập cộng đồng, trở lại cuộc sống sau khi đã chịu hình phạt từ pháp luật. Vì vậy, việc đưa tin cũng cần tế nhị và đảm bảo tôn trọng danh tính cho đối tượng.

 

Hạ Lan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang