Năng suất phải trở thành động lực phát triển cho các ngành, lĩnh vực

author 06:22 10/12/2021

(VietQ.vn) - Đây là một trong những mục tiêu được đề ra trong kế hoạch số 1866/KH-UBND về nâng cao năng suất và chất lượng trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2025.

Cụ thể, mục tiêu của kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, đóng góp của khoa học công nghệ thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm khoảng 40%-43% tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đào tạo ít nhất 10 chuyên gia năng suất, chất lượng là cán bộ của các sở, ngành, doanh nghiệp được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Trên 200 cán bộ lãnh đạo, quản lý năng suất, chất lượng của các Sở, ngành, doanh nghiệp, giảng viên các các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đào tạo chuyên sâu các kiến thức về nặng suất, chất lượng nhằm tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Hình thành tối thiểu 1 câu lạc bộ cải tiến năng suất tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng và triển khai các mô hình điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng công cụ hỗ trợ cho chuyển đổi số tiến tới sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất tại 4 doanh nghiệp. Hỗ trợ 3 doanh nghiệp triển khai các giải pháp nâng cao năng suất, năng suất xanh, hướng tới mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững;

Áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến tại ít nhất 4 bệnh viện, phòng khám trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của công tác khám chữa bệnh. Áp dụng công cụ 5S tại ít nhất 10 trường học, góp phần rèn luyện tinh thần trách nhiệm và tính kỷ luật cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục đào tạo. Hướng dẫn, hỗ trợ 20 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho chuyển đổi số tiến tới sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. 10 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở, tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, quy chuẩn kỹ thuật.

Đến 2025 phấn đấu có ít nhất 4 doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia. Hỗ trợ hình thành ít nhất 1 đơn vị đánh giá sự phù hợp; tăng cường năng lực thử nghiệm, phân tích, các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các đơn vị kiểm định, kiểm nghiệm. Xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm hàng hóa chủ lực, đặc thù, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh. 100% các phân hiệu đại học tại tỉnh, trường cao đẳng, trung tâm nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo.

Kế hoạch cũng đặt ra các nhiệm vụ, giải pháp gồm nghiên cứu, đánh giá thực trạng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, quản lý chất lượng của doanh nghiệp và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; Thông tin, tuyên truyền về năng suất, chất lượng, đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng; nâng cao năng lực hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng.

Hoạt động chế biến bơ đông lạnh. Ảnh: báo Gia Lai

Liên quan tới vấn đề nâng cao năng suất, vào ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1322 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Chương trình được triển khai với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) đối với nền kinh tế, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngày 31/8/2020, 

Chương trình tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh thông qua áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến, đặc biệt là các tiêu chuẩn, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các giải pháp về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ… được phối hợp, lồng ghép với Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ và các chương trình khác có liên quan của bộ, ngành, địa phương.

Các nhiệm vụ chủ yếu của Chương trình được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển từ Chương trình giai đoạn đến năm 2020, bổ sung, cập nhật các nội dung mới phù hợp với chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Gần đây nhất, hồi đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 36/QĐ/TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 – 2030. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm; Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP, đóng góp khoảng 45% vào tăng trưởng kinh tế; Từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; từ 3 đến 5 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất;

Tối thiểu 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; Hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động;

Mục tiêu đến năm 2030 góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm; Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP, đóng góp khoảng 50% vào tăng trưởng kinh tế; Từ 30 đến 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc xây dựng và triển khai Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; 5 đến 7 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất.

Tối thiểu 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; Hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất luọng cao cho thị trường lao động.

Phong Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang