Đưa truyện Kiều lên sân khấu: Con đường chông gai

author 14:45 29/05/2012

Qua hơn 200 năm tồn tại, truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du đã được đông đảo công chúng trong và ngoài nước đón nhận, coi đó là một kiệt tác trong làng văn học thế giới. Nhiều nghệ sĩ điện ảnh, sân khấu... đang tìm cách đưa truyện Kiều đến gần hơn với công chúng thông qua nhiều loại hình nghệ thuật.

Những loại hình nghệ thuật sân khấu mới như: kịch hình thể, ba lê, múa đương đại… cũng nằm trong số đó. Tuy nhiên, cái mới bao giờ cũng gặp phải nhiều chông gai, thử thách.

Năm 2007, nghệ sĩ Tạ Đắc - nguyên Phó Giám đốc Trường Âm nhạc quần chúng Hà Nội, đã có ý định đưa nàng Kiều lên sân khấu ca kịch. Dựa trên 3 mối tình của Thúy Kiều với Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải, ông đã viết nên ca kịch Kiều gồm 4 hồi, 8 tiếng trong đó có những đoạn vừa đối thoại, vừa hát để tạo sức cuốn hút, hấp dẫn khán giả. Hai sự kiện gần đây nhất: giữa tháng 3/2012, Nghệ sĩ nhân dân Lan Huơng - Nhà hát Kịch Tuổi trẻ, dựng vở kịch hình thể thử nghiệm mang tên “Nguyễn Du với Kiều”. Đạo diễn đã sử dụng nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, nhất là những điệu hát chèo, hát văn, hát phường vải… kết hợp âm nhạc truyền thống với hiện đại nhằm tạo không gian nhiều biến đổi để diễn viên lột tả vai diễn bằng ngôn ngữ hình thể.

Nhiều nghệ sĩ trong làng điện ảnh, sân khấu… đang tìm cách đưa truyện Kiều gần hơn với công chúng thông qua nhiều loại hình nghệ thuật

Tối ngày 3/5 vừa qua, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo cũng đưa truyện Kiều của Nguyễn Du lên sân khấu nhạc kịch với vở diễn “Định mệnh bất chợt”. Đó là những tác phẩm mới nhất trong thời gian gần đây, đều lấy truyện Kiều làm cảm hứng sáng tác và đưa lên các loại hình sân khấu mới.

Chia sẻ về khó khăn khi dựng vở kịch hình thể “Nguyễn Du với Kiều”, Nghệ sĩ nhân dân Lan Hương - Chủ nhiệm đoàn kịch 3, Nhà hát Tuổi trẻ cho biết: thể loại kịch thể nghiệm cần có sự đầu tư về âm nhạc và ánh sáng thật kỹ. Còn diễn, múa cũng giống như các thể loại khác. Cái khác là âm thanh và ánh sáng hỗ trợ cho rất nhiều. Hiện nay chúng tôi không đủ kinh phí nên về âm nhạc, chỉ có chèo của Tùng Dương là thu âm. Còn lại những cái khác là phải tìm, chọn và trộn. Nếu cả một vở diễn 2 tiếng như thế này thì quả phải là một số tiền lớn để đầu tư âm nhạc. Do đó chúng tôi phải chọn và trộn sao cho hài hòa, nghe không bị trái tai.

Một phân cạnh
Một cảnh diễn giữa Thúc Sinh và Thúy Kiều đầy sống động trên sân khấu

Đầu tư dàn dựng một vở diễn đã là khó, nhưng khó hơn là làm sao thuyết phục người xem hiểu được ý đồ nghệ thuật của mình, đặc biệt với các loại hình sân khấu mới. Với truyện Kiều lại càng khó, bởi người xem đã quá quen thuộc với tác phẩm văn học, từ hình ảnh các nhân vật, cách sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Du. Một tác phẩm văn học khi chuyển thể sang ngôn ngữ của sân khấu phải tìm cho mình hình thức thể hiện để tôn vinh tác phẩm đó chứ không phải phổ thơ Kiều để đưa lên sân khấu.

Chia sẻ trong việc tìm hiểu vai diễn của mình trong vở “Nguyễn Du với Kiều”, diễn viên Hoàng Tùng - Nhà hát Tuổi trẻ, cho biết: "Các nhân vật trong tác phẩm truyện Kiều của Nguyễn Du đều là những nhân vật rất sắc nét. Những nhân vật này đã trở thành điển hình mà mọi người thường hay nhắc đến như là một tính từ riêng hay danh từ riêng: Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư… Để tiếp cận với một tác phẩm lớn thế này, những diễn viên như chúng tôi phải tự tìm hiểu rất nhiều. Trước hết là đọc truyện Kiều, đọc các tài liệu nghiên cứu về truyện Kiều. Bên cạnh đó, đạo diễn còn tổ chức cho chúng tôi những buổi nói chuyện của các nhà nghiên cứu về truyện Kiều. Khi đã hiểu về các nhân vật, giá trị nghệ thuật và giá trị nội dung của tác phẩm thì trải qua thời gian, những chất liệu ấy ngấm dần vào chúng tôi và để chúng tôi gắn bó với tác phẩm hơn”.

Con đường đưa truyện Kiều lên sân khấu còn đầy chông gai

Từ trước tới nay, không ít nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, trong đó có sân khấu và điện ảnh mong muốn đưa Truyện Kiều của Nguyễn Du đến với các hình thức thử nghiệm mới. Thế nhưng cho tới nay chưa mấy ai thành công. Nghệ sĩ ưu tú Lê Chức - Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, khẳng định việc đi tìm ngôn ngữ nghệ thuật mới cho sân khấu đương đại và hiện đại là công việc đặt ra không chỉ với chúng ta mà cả thế giới đang phải đi tìm, để làm thay đổi cái gì đó đã trở nên quá quen thuộc của sân khấu.

Sự sáng tạo của người nghệ sĩ là vô hạn và cũng không ai có thể ngăn cản những thử nghiệm mới trên con đường nghệ thuật. Với một tác phẩm lớn như truyện Kiều của Nguyễn Du, sự khao khát được tiếp cận và thể hiện với những hình thức sân khấu mới luôn là điều không ít nghệ sĩ ấp ủ và quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, sự tiếp cận ấy vẫn phải nằm trong cái hữu hạn của nền tảng văn hóa. Làm mới nhưng không được làm mất đi những giá trị vốn có của tác phẩm. Có như vậy, những tác phẩm nghệ thuật ấy mới có sức sống lâu bền đối với công chúng.

Bài và ảnh:  Phương Quốc
 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang