Đường cao tốc - Những mối nguy hiểm luôn rình rập

author 06:30 26/10/2023

(VietQ.vn) - Còn nhiều bất cập khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, lái xe cần chú ý để đảm bảo an toàn.

Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, vừa phối hợp với các cục nghiệp vụ của Bộ GTVT cùng các địa phương khảo sát 11 tuyến, đoạn cao tốc trên cả nước, phát hiện nhiều bất hợp lý ngay từ khi xây dựng cao tốc.

Nhiều cao tốc không đảm bảo tiêu chuẩn

Kết quả khảo sát cho thấy có 7 đoạn, tuyến cao tốc không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp hoặc có nhưng chưa đủ bề rộng, không đảm bảo hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế...

Trên các tuyến, đoạn cao tốc này từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, cùng nhiều vụ va chạm khác, nhất là một số tuyến mới đưa vào khai thác.

Điển hình như tuyến Nội Bài - Lào Cai (đoạn từ km123 đến km262) chỉ có hai làn xe chạy, hai làn dừng khẩn cấp nhưng không có dải phân cách giữa, chỉ bố trí các đoạn vượt. Trong khi lưu lượng xe qua lại khoảng 33.000 lượt/ngày, đêm. Các đoạn Cao Bồ - Mai Sơn - quốc lộ 45 (từ km259 đến nút giao quốc lộ 45), tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận (từ km39+750 đến km 1001+126), tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết, tuyến Nha Trang - Cam Lâm có bốn làn xe chạy, có dải phân cách giữa nhưng không có làn dừng khẩn cấp.

Cứ khoảng từ 4 - 5km là bố trí một điểm dừng xe khẩn cấp. Trong đó, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn - quốc lộ 45 có lưu lượng xe qua lại rất lớn, khoảng 60.000 lượt/ngày, đêm. Với tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận là khoảng 38.000 lượt/ngày đêm, Nha Trang - Cam Lâm khoảng 1.500 lượt/ngày đêm... Đoạn Hà Nội - Thái Nguyên (từ km26+100 đến km62+200) có bề rộng làn đường xe chạy chỉ 3,5m, làn dừng khẩn cấp là 1,5m, không đảm bảo theo tiêu chuẩn cao tốc.

Theo tiêu chuẩn đối với cao tốc cho phép chạy tối đa 100km/h, làn xe chạy phải là 3,75m, làn dừng khẩn cấp phải tối thiểu 3m. Lưu lượng xe cộ qua lại đoạn này khoảng 10.000 lượt/ngày đêm.

Đặc biệt, đoạn La Sơn - Cam Lộ (thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông) chỉ có hai làn xe chạy, bề rộng mặt đường 23m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, cứ 10km là bố trí một điểm vượt. Cao tốc này chỉ tương đương đường cấp 3 đồng bằng.

Việc tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc này còn nhiều tồn tại như thiếu người trực chốt, hệ thống hàng rào chưa khép kín nên còn tình trạng người dân tự ý đi bộ vào, xe ba gác, gia súc đi trên cao tốc...

Có đoạn xảy ra tình trạng rào thép bị cắt bỏ, người dân trèo lên cao tốc để đón xe khách (tuyến Pháp Vân - Mai Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên). Cá biệt, tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây từng xảy ra ngập sâu do mưa (ngày 29-7), xe cộ không qua lại được, ùn tắc kéo dài...

Nhiều mối nguy hiểm rình rập

Ngoài những bất cập trên khi tham gia giao thông trên cao tốc lái xe còn có thể gặp những mối nguy hiểm luôn rình rập.

Trong đó hành động dừng xe trên cao tốc là một trong những điều tuyệt đối không nên làm. Theo ghi nhận của các phóng viên, trên đường cao tốc, ô tô di chuyển rất nhanh, nên nếu có một xe bất ngờ dừng lại giữa đường sẽ trở thành một chướng ngại vật cực kỳ nguy hiểm, các xe chạy phía sau khó có thể quan sát kịp để tránh, nếu không có tín hiệu cảnh báo từ xa. Khi đang chạy tốc độ cao, việc tránh chướng ngại vật là rất khó và tai nạn là điều khó tránh.

 Thản nhiên dừng xe ăn trên cao tốc. Ảnh minh họa

Vì vậy khi đang di chuyển trên cao tốc tuyệt đối không dừng xe ở giữa đường, mà cần di chuyển xe vào làn dừng khẩn cấp để tránh những tai nạn đáng tiếc cho bản thân và những người xung quanh. Khi dừng xe, hãy dựng biển cảnh báo để các xe khác có thể quan sát từ xa.

Nhiều người bất chấp đi bộ sang đường cũng gây không ít nguy hiểm cho bản thân và người lái xe. Ông Huỳnh Ngọc Phương, một tài xế xe khách thường xuyên chạy tuyến Vũng Tàu - TPHCM, cho biết không ít lần chứng kiến cảnh người dân lội bộ, leo cắt ngang tuyến đường cao tốc.

 Đi bộ sang đường trên cao tốc. Ảnh minh họa

“Ban ngày còn đỡ, nhiều lúc trời nhá nhem tối, lần lượt 2-3 người trèo vào hành lang an toàn của tuyến cao tốc rồi băng ngang đường, cắt dòng xe đang lao vun vút. Lúc này không đủ sáng, với vận tốc cho phép 120km/h, chẳng may có chuyện thì cũng khó giải quyết vì rất tối”, ông Phương nhún vai nói.

Việc người dân băng ngang đường cao tốc ở các đoạn không có đèn chiếu sáng hai bên, dù không phổ biến, song tai nạn xảy ra khiến việc xử lý hiện trường khó khăn và hậu quả nặng nề. Vụ việc thường diễn ra ở một số khu vực nơi mà tuyến đường cao tốc chia cắt những mảnh vườn, thửa ruộng vốn dĩ liền mạch trước đây. Người dân không muốn đi đường vòng (do đường cao tốc chắn ngang phía trước) nên leo trèo, thậm thí mở lối để vượt qua.

Ngoài những mối nguy hiểm trên, vi phạm khoảng cách an toàn, phá hàng rào cao tốc, biển báo không đúng vị trí cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông trên cao tốc. Để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt nghiêm đối với những hành vi trên.

Duy Trinh (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang